Quỳnh Lưu: Người dân lỗ nặng vì tôm chậm lớn
(Baonghean) - Đang giữa mùa thu hoạch tôm vụ I, thế nhưng, tại vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Quỳnh Bảng - vựa tôm lớn nhất vùng Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, một không khí ảm đạm bao trùm, càng khiến cho cái nắng nóng, oi nồng của tiết trời tháng 7 thêm ngột ngạt. Năm nay, tôm không lớn, mỗi hồ lỗ từ 50 - 70 triệu đồng…
Tại trang trại nuôi tôm của anh Lê Văn Liêm, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, bằng cảm quan, thấy tôm rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn đầu đũa tre chút xíu, bằng 1/3 trọng lượng tôm cùng tuổi ở các ao đầm khác. Anh Liêm cho biết: Đây là năm thứ 3 anh nuôi tôm; giống của Công ty TNHH Thông Thuận có trụ sở ở tỉnh Bình Thuận, được nhập về qua trung gian là trại sản xuất và ương gièo tôm giống Thông Tin do ông Hoàng Xuân Tin, một người dân trong xã làm chủ.
Hồ nuôi của ông Hoàng Xuân Tin bị thua lỗ vì tôm suy dinh dưỡng. |
Hai năm trước tôm phát triển bình thường, cho lãi khá cao. Cũng hồ này, sản lượng tôm sau 57 ngày nuôi đạt hơn 6 tấn, tổng cả hai vụ nuôi 110 ngày trong năm 2013 là 13 tấn tôm, bán với giá 150 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi hơn một nửa. Riêng năm nay, ngay từ đầu vụ nuôi, ở nhiều vùng của Hoàng Mai như Quỳnh Xuân, Mai Hùng, Quỳnh Lộc, Quỳnh Dỵ, thậm chí trong vùng nuôi công nghiệp của xã vẫn có những hồ tôm bị chết chỉ sau 10 - 20 ngày thả. Nhìn đàn tôm cứ lớn từng ngày mừng không nói hết. 35 ngày, tôm đạt trọng lượng quy định. Bước qua ngày thứ 40, rồi 50 ngày, 60 ngày, 70 ngày, lượng thức ăn cung cấp cứ tăng dần theo tuổi tôm, nhưng kiểm tra thấy chúng không lớn thêm được là bao.
Tập trung theo dõi, giám sát cũng không phát hiện thấy tôm có biểu hiện lạ nào, vì tôm không có bệnh nên anh hy vọng và tiếp tục cho ăn. Nói đến đó anh ngừng lại thở dài. Chúng tôi hỏi, thấy tôm không lớn sao anh không vớt sớm. Anh buồn bã nói tiếp: Tối kỵ nhất của người nuôi là phải đi vớt tôm giữa chừng, trừ trường hợp tôm đột nhiên chết, đằng này tôm vẫn cứ ăn bình thường, khỏe mạnh bình thường, ai nỡ vớt. Theo tôm, thức, ngủ với tôm, gần 90 ngày mà tôm vẫn chỉ đạt trên 200 con/kg. Trong khi đó, thông thường, ở độ tuổi này, tôm chỉ trên dưới 60 con/kg. Vừa rồi sốt ruột quá vợ chồng anh Liêm đã bàn nhau vớt 1 hồ, chỉ được 2 tấn, sản lượng bằng 1/3, giá sụt hơn 1 nửa so với các đầm nuôi khác, tính ra lỗ gần 80 triệu đồng.
Không chỉ riêng hộ anh Liêm, mà hàng trăm hộ nuôi tôm ở vùng này cùng chung cảnh ngộ. Bà con đang trong hoàn cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, với đà phát triển như hiện nay, người nuôi tôm lỗ to. Ông Ngô Trí Mưu, người có hơn 20 năm gắn bó với con tôm, vừa vớt 3 hồ tôm suy dinh dưỡng, với thua lỗ vài trăm triệu đồng ngao ngán: “Tôm thì bệnh tật nhiều, kể cả thời điểm gần thu hoạch chết hàng loạt vẫn có. Nhưng hiện tượng tôm nuôi không lớn, ăn bình thường mà bị suy dinh dưỡng như thế này thì đây là lần đầu, chưa bao giờ tôi gặp”.
Vụ I năm 2013, cơ sở sản xuất và ương nuôi tôm giống Thông Tin đã nhập về và cung ứng ra thị trường cho bà con trên 80 triệu post tôm he chân trắng, tương đương với diện tích thả nuôi hơn 100 héc ta/ tổng số diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn huyện Quỳnh Lưu là 426 ha. Hiện tượng tôm nuôi suy dinh dưỡng được ông Hoàng Xuân Tin lý giải do điều kiện thời thiết xem ra không thuyết phục được, bởi, hai hồ nuôi kề nhau, giống tôm của CP, Việt Úc vẫn phát triển tốt, cho lãi cao. |
Anh Trần Hoạt, một hộ nuôi tôm lâu năm tại vùng nuôi Quyết Thắng, xã Quỳnh Thanh khẳng định: “Tôm nuôi 90 ngày, không bệnh không tật như ở hồ chúng tôi, mà trên 300 con mới được 1 kg thì giống tôm có vấn đề. Nếu vì nguồn nước, vì thời tiết, tôm đã chết rồi, không sống được đến tận hôm nay”. Việc tôm giống của Công ty Thông Thuận nuôi mãi không lớn khiến người nuôi như anh Hoạt, anh Liêm, anh Mưu bức xúc.
Đợt tôm giống của Công ty Thông Thuận thả trước ngày 10/2 âm lịch cho lãi cao, tôm cùng tuổi chỉ có 54 - 60 con/kg, giá bán từ 150 - 180 ngàn đồng, thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng mỗi hồ. Trong khi đó, hơn 100 ha tôm thả đợt tiếp theo, giống tôm của đơn vị này tại xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, nông trường Trịnh Môn và phường Quỳnh Xuân (Thị xã Hoàng Mai) sau ngày 10/2 âm lịch đều có chung hiện tượng bị suy dinh dưỡng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người nuôi.
Anh Hoạt cho biết thêm: Gia đình đã đầu tư bao nhiêu công sức, kinh phí cải tạo hồ, thực hiện đúng quy trình nuôi vào vụ này để mong trang trải nợ nần, đầu vụ nhiều hộ nuôi tôm bị chết, riêng hồ của anh tôm phát triển bình thường, thế mà cứ nuôi mãi, đến nay tôm vẫn không lớn. Mỗi hồ trong ngày tôm ăn hết 10 triệu đồng tiền thức ăn, quá là nuôi “con nghiện”. Giờ tôm như thế này, ngân hàng mà siết chặt không cho vay vốn thì đúng là nhà tôi chẳng biết gỡ bằng cách nào. Mong đài, báo giúp đỡ thông tin, để công ty giống và các cơ quan chức năng kết luận chính thức nguyên nhân tôm không lớn cho chúng tôi còn có cơ sở mà đầu tư nuôi tiếp.
Ông Ngô Trí Mưu cho biết thêm: Thời điểm đầu tháng 3 (âm lịch), các nguồn cung ứng tôm giống như CP, Việt Úc, Nam miền Trung gần như không có giống để đưa ra thị trường, nhưng Công ty TNHH Thông Thuận vẫn đủ cung cấp cho bà con Quỳnh Lưu. Theo nhận định của cá nhân tôi, công ty đã bằng cách nào đó cho tôm sinh sản hoặc dùng loại chất gì đấy để kích tôm đẻ, vì thế mà nguồn giống có vấn đề, khi hết chất ấy thì tôm không lớn nữa.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Tin, chủ cơ sở sản xuất tôm giống tại Quỳnh Bảng, đơn vị trung gian nhập giống tôm từ Công ty Thông Thuận và tiến hành ương gièo rồi cung cấp cho bà con cho biết: “Thời điểm ấy công ty nào cũng khan giống, riêng Quỳnh Lưu là thị trường truyền thống hơn chục năm nay của Công ty Thông Thuận, trại chúng tôi cũng phải cắt cử người chờ tại công ty mới có giống để nhập về bán cho bà con. Nếu có lỗi về con giống thì tôi xin cam đoan không phải do chủ quan của công ty, bởi Công ty Thông Thuận cũng thả nuôi bằng nguồn giống này tại tỉnh Hà Tĩnh, và cũng gặp hiện tượng tương tự, tôm suy dinh dưỡng”. Bản thân hộ ông Tin cũng bị thua lỗ vì thả nuôi 7 hồ tôm giống đợt này. Ông cho biết là đã liên hệ với phía công ty, tuy nhiên, công ty trả lời là nguồn giống đảm bảo chất lượng, đã qua các khâu kiểm định chặt chẽ!?
Cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra lấy mẫu tôm để kiểm nghiệm và có kết luận chính thức trả lời cho người nuôi. Vụ tôm năm nay, người nuôi tôm ở Quỳnh Lưu thua lỗ nặng nề, đứng trước nguy cơ nợ chồng lên nợ vì kinh phí đầu tư nuôi tôm.
Nguyễn Vân