"Bức tường Berlin" mới?
(Baonghean) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vitaliy Zakharchenko cho biết thương thuyết hoà hoãn với phe biểu tình không thành công. Ông cho hay lý do là bởi các nhóm "cực đoan" và lực lượng biểu tình có vũ trang không tỏ thái độ hợp tác.
Mới đây, phe biểu tình đã tìm cách chiếm quyền kiểm soát Bộ Năng lượng, hành động này được chính quyền mô tả là "hành vi khủng bố". Đây là một trong những biểu hiện của khủng hoảng leo thang của cuộc phản tình bắt đầu từ hồi tháng Mười một năm vừa rồi. Cuộc biểu tình được cho là do chính quyền Ukraina từ chối kí hiệp ước với liên minh châu Âu dưới áp lực của nước láng giềng Nga. Tuần qua, căng thẳng tăng lên sau khi 2 nhà hoạt động biểu tình được cho là bị cảnh sát bắn chết trong vụ đụng độ tại khu tập trung của phe biểu tình tại quảng trường Độc Lập của thủ đô Kiev. Chính quyền phủ nhận cáo buộc đưa ra bởi lãnh đạo phe biểu tình cho rằng cảnh sát và các tay bắn tỉa đứng sau vụ ám sát này. Thứ 6, làn sóng biểu tình lan ra khắp thủ đô và nhiều toà nhà hành chính cấp vùng đã bị rơi vào quyền kiểm soát của phe nổi loạn.
Thủ đô Kiev đang trong tình trạng căng thẳng sau vụ đụng độ nảy lửa giữa cảnh sát và phe biểu tình đêm thứ 6, rạng sáng thứ 7. |
Tổng thống Viktor Yanukovych cho biết sẽ làm mọi biện pháp để đưa Ukraina trở lại trạng thái ổn định. Nhưng đối thủ của ông, ông Vitaly Klitschko thì cho rằng trừ khi ngài tổng thống từ chức, làn sóng biểu tình sẽ không dịu đi. Rõ ràng không khí trong nước đang ngày càng căng thẳng và có chiều hướng vượt ngoài kiểm soát của phe đối lập. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng tính mạng của người dân đang bị phe biểu tình đẩy vào nguy hiểm khi mà các hình thức đấu tranh ngày càng bạo lực. Trong một thông cáo báo chí hôm thứ 7 vừa rồi, ông cho hay "Tình hình Ukraina những ngày qua cho thấy mọi nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp hoà bình của chính quyền đã thất bại. Những lời kêu gọi của chúng tôi không được đáp lại và những thoả thuận giữa hai bên bị vi phạm".
Ông cũng cáo buộc phe biểu tình nổ súng tấn công một nhân viên cảnh sát và bắt cóc ba người khác. Thông cáo báo chí này được đưa ra ngay sau vụ đụng độ gay gắt hồi đêm thứ 6 rạng sáng thứ 7 giữa cảnh sát và người biểu tình tại Kiev. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Edouard Stavytsky cho biết khoảng 100 nhà hoạt động biểu tình đã tìm cách chiếm đóng toà nhà chính của Bộ tại trung tâm thủ đô Kiev. Sau khi ngài Bộ trưởng đứng ra nói chuyện với phe biểu tình, những người này đã rời khỏi toà nhà nhưng vẫn bao vây các lối ra vào. Trả lời phóng viên, ông cho rằng "Những gì đang diễn ra là mối đe doạ trực tiếp đến hệ thống năng lượng của cả quốc gia". Trong khi đó, phe biểu tình tuyên bố mục đích của hành động trên là để chứng tỏ cho chính quyền thấy không toà nhà, căn cứ nào của chính quyền còn trong tình trạng an toàn.
Nếu như tình hình ở Kiev có vẻ vẫn ít nhiều trong tầm kiểm soát của chính quyền thì tại nhiều tỉnh phía Tây, phe biểu tình đã chiếm được quyền kiểm soát nhiều toà nhà hành chính quan trọng. Đây cũng là khu vực có mối quan hệ chặt chẽ hơn với liên minh châu Âu. Cụ thể, tại thành phố Ivano-Frankivsk ở phía Tây, 1500 người biểu tình kiểm soát và cố thủ tại toà nhà hành chính kiểm soát toàn vùng. Hiện họ đang gây áp lực lên người đứng đầu chính quyền địa phương, yêu cầu ông này từ chức. Tại Chernivsti, phía Tây, đám đông gây náo loạn trước toà nhà của chính quyền khi cảnh sát ra sức bảo vệ nơi này, họ gào thét "Quân nhục nhã" và "Từ chức đi". Ở Lutsk, phía Tây Nam, họ tổ chức thành đoàn biểu tình lớn. Ở Lviv, đoàn biểu tình bao vây toà nhà hành chính địa phương vào thứ 5 vừa qua. Cũng có báo cáo rằng vài thành viên của đội cảnh sát đặc biệt Berkut đã xin từ chức.
Thành viên của Uỷ ban phát triển mở rộng liên minh châu Âu, ông Stefan Fuele cho biết đã có đối thoại với cả 2 phía và rằng liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ cả 2 bên trong việc "giảm tình trạng căng thẳng leo thang tại Ukraina và tìm cách đưa quốc gia này ra khỏi khủng hoảng". Làn sóng biểu tình vốn dĩ bị khơi dậy bởi quyết định từ chối kí kết hiệp ước hợp tác với liên minh châu Âu của chính quyền Ukraina dưới sức ép từ Nga. Tuy nhiên, phe biểu tình sau đó lại tuyên bố rằng họ nhằm vào tình trạng tham nhũng và lạm quyền trong chính quyền đương nhiệm. Chính quyền Ukraina bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời rắn rỏi tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để giải quyết khủng hoảng.
Không thể nhìn một Ukraina hiện tại mà không nghĩ đến bức tường Berlin. Nước Đức Đông và Tây, hai bờ chiến tuyến của hai hệ thống chủ nghĩa tư tưởng trong lịch sử một lần nữa lại được tái hiện, có chăng là không rõ ràng. Có thể bối cảnh hiện tại không giống với bối cảnh của nước Đức bước ra từ Thế chiến nhưng mối quan hệ giữa Nga và liên minh châu Âu hẳn cũng đủ căng thẳng để đẩy Ukraina vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khủng hoảng ở Ukraina sẽ đi về đâu? Còn phải chờ xem Nga sẽ tiếp tục gây áp lực hay buông lỏng đất nước láng giềng này, và liệu liên minh châu Âu có ráo riết muốn thiết lập quan hệ với Ukraina? Hãy chờ xem liệu một bức tường Berlin thứ 2 có được xây nên!
Nấm Linh Chi