Quỳnh Thọ - Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ ba

12/12/2011 19:01

(Baonghean) - Chiều Đông, gió biển thổi về càng thêm lạnh buốt thịt da, ấy vậy mà trẻ con ở làng biển xóm Phú Thọ, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) khoảng chừng gần chục em với nhiều lứa tuổi khác nhau (3 tuổi, 5 tuổi, 10 tuổi...) vẫn chơi khăng ở đầu làng.

Lúc bấy giờ tôi nhìn đồng hồ mới chỉ mới 4 giờ chiều, lòng tự hỏi: hôm nay là ngày đầu tuần lẽ ra giờ này các em đang ở trường học mới đúng? Tôi đến gần một em trông lớn tuổi nhất, hỏi chuyện, được biết em tên là Trinh. Nếu em không giới thiệu tuổi thì tôi cũng nghĩ Trinh chỉ chừng 10 tuổi nhưng thực ra em năm nay đã sang tuổi 13. Thân hình em gầy, cao, trắng trẻo, có đôi mắt rất sáng: "Em học xong lớp 8 rồi chị ạ, lớp 9 em học khoảng 2 tháng là nghỉ do bố mẹ không có tiền đóng học phí, bố bảo, sang năm biển được mùa bố cho đi học tiếp, 2 đứa em của em thì chưa phải nghỉ, vẫn đang được bố mẹ cho đi học...".

Đám bạn của Trinh cũng chung hoàn cảnh như em, đều xuất thân trong một gia đình đông con, nhà nghèo nên đã nghỉ học. Trinh ra đời trong hoàn cảnh rất khác so với bạn bè cũng trang lứa. Mẹ của em đang học năm cuối của trường THPT Quỳnh Lưu 1 thì có mang tháng thứ tư, do thai quá lớn, ông bà hai bên nội, ngoại quyết định cho bố và mẹ làm đám cưới. Mẹ Trinh thi lấy bằng cấp 3, gác lại ước mơ làm cô giáo. Giờ bố Trinh vẫn bám trụ nghề biển, lúc nông nhàn thì đan lưới, mẹ mở sạp vải ở chợ. Do nhà đông con nên tiền làm ra cũng không đủ trang trải. Trinh cũng đang làm nghề đan lưới như bố, ngày kiếm được vài chục nghìn. Qua Trinh được biết, có 2 phương án cho em vào năm tới. Có thể được trở lại đi học tiếp và cũng có thể ở nhà đan lưới góp chút vốn để lấy chồng. Tôi hỏi: Nếu được lựa chọn thì em chọn phương án nào?, Trình lắc đầu nói "không biết".



Cộng tác viên dân số tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp cho chị em.

Chia tay Trinh và đám trẻ, tôi đến nhà chị Hồ Thị Sáng, trời đã xẩm tối. Các con chị nheo nhóc, bếp nguội tanh. Năm nay, chị Sáng 39 tuổi mà trông chị như phụ nữ ngoài tuổi 50. Chị vội vàng dựng chiếc xe đạp bên tường nhà và rất bất ngờ khi thấy chúng tôi có mặt ở nhà chị vào giờ này. Ban đầu chị ngại không cho chụp ảnh nhưng sau một hồi tâm sự thì chuyện gì chị cũng "cởi lòng hơn". Được biết, chị Sáng hiện đang buôn bán rau ở chợ. Chồng chị làm nghề chài lưới. Mới 39 tuổi mà con gái lớn của chị đã lập gia đình. Vì đông con, cuộc sống quá vất vả, con trai thứ hai bỏ học giữa chừng đi theo các tổ thợ làm thuê. Điều mà vợ chồng anh chị vô cùng lo lắng là không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao trong khi đó đứa con gái thứ năm mới hơn 1 tuổi, mà chị lại chuẩn bị sinh thêm cháu nữa. Các con của chị đều dở dang việc học hành, chỉ được học cho biết chữ rồi phải nghỉ để phụ giúp gia đình. Chị Sáng tâm sự: "Tui cũng biết sinh nhiều con là khổ nhưng lỡ rồi phải đẻ, con cái là cái phúc, cái phận...".

Nguyên nhân vợ chồng chị Sáng sinh nhiều con liên tiếp là do vợ chồng chị mải lo mưu sinh. Ngày phát động chiến dịch thì chị không đành bỏ chợ, cộng tác viên đến tận nhà, thậm chí ra tận chợ để tư vấn nhưng chỉ ừ ừ, gật gật, rồi khi về đến nhà thì lo con cái nên cũng quên cả cách dùng thuốc tránh thai, hướng dẫn một đường chị lại áp dụng một nẻo. Chị Sáng cho biết: "Sau khi sinh cháu thứ tư thì đặt vòng được 12 năm, vì đau lưng nên tháo vòng, do không chịu tham gia các đợt chiến dịch, không chịu lắng nghe cộng tác viên dân số, nên chị cho rằng mình đã hết tuổi sinh đẻ, ai ngờ vừa tháo vòng là có cháu thứ năm. Khi cháu thứ năm được 5 tháng, các cán bộ dân số đến tận nhà vận động dùng biện pháp tránh thai, phải đi nhiều lần liên tiếp trong một tháng chị mới chịu, nhưng khi lên đến trạm y tế mới biết đã có thai 2 tháng nên không đặt vòng được". Ở Quỳnh Thọ, trường hợp sinh 4, 5 con không phải là ít. Riêng xóm Phú Thọ, cuộc sống của 200 hộ dân nơi đây đang sống trong cảnh nghèo đói, biết rằng sinh đông con sẽ nghèo hơn, khổ hơn nhưng vẫn sinh con thứ ba, thứ tư... bởi họ quan niệm con cái là cái phúc, cái phận. Và, có càng nhiều con đặc biệt là con trai càng tốt, bởi đó là niềm hy vọng sẽ chung vai gánh vác cùng gia đình. Hơn nữa, dù không nói ra nhưng ai cũng nghĩ, đẻ thêm, để phòng khi nghề biển gặp rủi ro. Chuyện chị Sáng, chuyện sinh đông con, sinh nhiều con ở xóm Phú Thọ nói riêng và xã Quỳnh Thọ nói chung, việc vi phạm chính sách dân số, sống chung với đói nghèo, bệnh tật đã trở thành chuyện thường ngày. Nơi đây, gần một nửa số hộ sinh con thứ ba trở lên, cá biệt có nhiều gia đình sinh đến lần thứ năm, thứ sáu. Cũng vì đông con, mà Quỳnh Thọ có tên trong danh sách những xã biển nghèo nhất Quỳnh Lưu. Vì nghèo, vì khổ, trẻ em Quỳnh Thọ có gần 20% bị suy dinh dưỡng. Điều đặc biệt, số hộ đông dân, đói nghèo tập trung hầu hết vào các gia đình giáo dân.

Anh Nguyễn Văn Lục- Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ trăn trở: "Cái khó của xã là người dân không chấp nhận các hoạt động truyền thông, cán bộ dân số tuyên truyền bữa trước, hôm sau lại bỏ đó, không chịu thực hiện, với giáo dân lại càng khó hơn. Xã không thu được tiền phạt, vì người dân quá nghèo. Cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, may ra mới có thể chuyển biến được...".

Dân số vùng biển Nghệ An có khoảng trên 1,2 triệu người, chiếm gần 40% dân số cả tỉnh. Tỷ lệ sinh cọn thứ ba của vùng biển ở mức xấp xỉ 19%, đặc biệt ở một số xã như Quỳnh Thọ và một số xã khác trong các huyện có biển, tỷ lệ sinh con thứ ba trên 35%. Mặc dù trong thời gian qua, công tác truyền thông tư vấn từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, xóm được tuyên truyền sâu, đậm, đa dạng hoá các hoạt động truyền thông nhưng do nhận thức của một số bộ phận chưa đầy đủ, nặng về tập tục cũ "trời sinh voi, trời sinh cỏ; có con trai để nối dõi tông đường". Bên cạnh đó, vấn đề xử phạt còn xem nhẹ, hiện tại Nhà nước vẫn chưa có một điều khoản nào quy định rõ hình thức xử phạt với những người sinh quá số con quy định. Tại Quyết định 105/2005, UBND tỉnh có đưa ra mức trách nhiệm mà các gia đình sinh con thứ ba trở lên phải nộp vào Quỹ Dân số của địa phương là từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/1 lần vi phạm. Tuy vậy, đó chỉ là mức trách nhiệm chung, còn tuỳ thuộc vào quy định của địa phương, quy ước, hương ước của làng, xã. Và cũng vì chưa có một văn bản cụ thể nào trao quyền cho địa phương trong việc xử phạt nghiêm các gia đình vi phạm chính sách dân số, nên người dân thì vẫn cứ sinh mà chính quyền thì vẫn không thu được đồng nào vào nguồn quỹ địa phương.

Thiết nghĩ, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa và đề ra các giải pháp, chế tài cụ thể để xử lý tình trạng vi phạm chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.


Thu Hương

Mới nhất

x
Quỳnh Thọ - Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO