Rằm tháng Bảy hướng về tổ tiên, nguồn cội

Huy Thư 12/08/2022 14:22

(Baonghean.vn) - Trong tiết trời dịu mát đầu Thu, người dân nhiều vùng quê xứ Nghệ đón Rằm tháng Bảy, cùng nhau hướng về cội nguồn, tổ tiên, dòng tộc với tấm lòng thành kính, tri ân.

Hướng về nguồn cội

Mấy ngày trước Rằm tháng Bảy, nhiều ngư dân làng biển xã Diễn Bích (Diễn Châu) đã tạm dừng những chuyến lên tàu ra khơi đánh bắt hải sản, gác lại công việc mưu sinh khó nhọc hàng ngày trên biển để chuẩn bị đón Rằm.

Anh Nguyễn Văn Linh (29 tuổi) ở xóm Hải Nam chia sẻ: “Đã 4 năm rồi em bận đi làm xa không về quê ăn Rằm tháng Bảy được, nên năm nay em quyết định sẽ ở nhà để đón Rằm. Em đã nghỉ đi kéo "giạ" ngoài biển từ mấy ngày nay, để dọn dẹp nhà cửa, cùng gia đình mua sắm chuẩn bị ăn Rằm. Ở quê em, Rằm này là Rằm lớn trong năm, nhà nhà đều tổ chức làm mâm cỗ cúng Rằm và đi nhà thờ họ để tế tổ”.

Không khí ấm cúng trong ngày Rằm tháng Bảy tại nhà thờ họ Nguyễn Thế (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Theo anh Linh, giống như những năm trước, Rằm này người thân trong gia đình anh sẽ chung tay nấu mấy mâm cơm với những món quen thuộc như xôi hông, gà luộc, thịt kho cùng những đặc sản làng biển để cúng gia tiên.

Có lẽ không chỉ mỗi gia đình anh mà nhiều hộ dân vùng quê biển này cũng vậy, ngày Rằm tháng Bảy là lúc anh em, họ hàng được quây quần, hướng về nguồn cội, cùng nhau đi nhà thờ họ thắp hương cho tổ tiên, mong có nhiều sức khỏe, trời yên biển lặng, tôm cá bội thu.

Nói như anh Linh, với người dân làng biển quê anh, Rằm tháng Bảy là “Tết thưởng” dành cho người đi biển. Họ được ở nhà ăn Rằm, giao lưu, kết nối, chọn lựa những hành trình làm ăn mới.

Bàn thờ gia tiên trong ngày Rằm tháng Bảy tại xã Diễn Bích (Diễn Châu). Ảnh: Hoài Linh

Với người dân Thanh Chương - vùng quê của những đặc sản gà đồi, trám đen, Rằm tháng Bảy này là một Rằm được giá, đông hàng rạng khách, sản phẩm làm ra được tiêu thụ trôi chảy, nhờ đó việc ăn rằm cũng nhộn nhịp hơn, không khí đón Rằm cũng vui hơn với tinh thần gìn giữ bảo tồn và phát huy truyền thống.

Anh Trần Công Thắng (29 tuổi) trú ở xã Thanh An cho biết: Rằm tháng Bảy năm nay gia đình anh vẫn theo nếp cũ từ xưa. Đúng ngày Rằm, cha mẹ anh vẫn dậy sớm chuẩn bị một mâm cơm đầy đủ, tươm tất để cúng ông bà nội và một cỗ xôi gà mang đến nhà thờ họ để cúng tổ tiên.

Khác với Rằm tháng Giêng tế tổ tập trung ở nhà thờ đại tôn, thì Rằm tháng Bảy lại ưu tiên tế tổ tại các chi nhánh trong họ. Đối với anh, từ nhỏ đến lúc trưởng thành có rất nhiều kỷ niệm đẹp về ngày Rằm tháng Bảy. Ký ức khó quên nhất có lẽ là việc anh em trong họ tập trung rồng rắn gánh cỗ, đội cỗ đi nhà thờ tế tổ rất vui và tình cảm.

Đời sống vật chất tuy có nhiều thay đổi nhiều, nhưng mỗi dịp Rằm tháng Bảy - lễ Vu Lan báo hiếu thì con cháu trong họ vẫn tề tựu đông đủ cùng hướng về tiên tổ, nguồn cội.

Thanh niên Thanh Chương cỗ đi cúng Rằm tháng Bảy. Ảnh: Huy Thư

Ở xã Thanh An, hiện có rất nhiều họ tộc lớn như họ Nguyễn Cảnh, Nguyễn Danh, Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Quốc, Nguyễn Quang, Trần Công, Trần Văn, Trần Đình... Điểm chung của các dòng họ là đều giữ được nét đẹp truyền thống tế tổ vào ngày Rằm tháng Bảy. Mỗi dịp Rằm này, con em các họ tộc đã hành hương về quê rất đông. Việc sắm sửa mâm cỗ cũng như việc tổ chức lễ tế tổ rất chu toàn, văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của quê hương.

Với quan niệm “Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”, không chỉ ở Diễn Châu, Thanh Chương… mà nhiều vùng quê khác ở Nghệ An như Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, Đô Lương, Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… cũng tổ chức làm Rằm, ăn Rằm với không khí nhộn nhịp, tưng bừng, ấm cúng.

Tùy vào phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế của mỗi vùng quê, mà việc cúng Rằm, ăn Rằm của người dân ở các địa phương có những nét riêng, độc đáo, góp phần làm nên sự phong phú, đang dạng về sắc màu văn hóa ngày Rằm tháng Bảy ở Nghệ An.

Bàn thờ họ Nguyễn Thế ở xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) trong ngày Rằm tháng Bảy. Ảnh: Huy Thư

Từ xưa, Rằm tháng Bảy gắn liền với lễ Vu Lan báo hiếu thể hiện ơn đức của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tín ngưỡng tâm linh mang tính nhân văn sâu sắc, đó là ngày “xá tội vong nhân” với tục cúng, cầu siêu, độ vong cho những cô hồn lưu lạc. Hai nét văn hóa đó đã được dân gian thực hành, gắn với sự báo hiếu, tri ân các đấng sinh thành, nhớ về tiên tổ, nguồn cội.

Lan tỏa tinh thần nhân văn

Năm nay, trong điều kiện dịch bệnh tạm lắng, các địa phương ở Nghệ An vui đón Rằm tháng Bảy với không khí tưng bừng, ấm cúng. Trước Rằm con em xa quê hành hương về quê đông. Việc chuẩn bị đón Rằm ở các địa phương cũng khá nhộn nhịp, nhất là việc mua sắm lễ vật, trang trí bàn thờ gia tiên, họ tộc.

Ông Lê Văn Thịnh (58 tuổi) ở xã Quang Sơn (Đô Lương) cho hay, họ Lê Văn ở xóm 5, xã Quang Sơn có lịch sử lâu đời với gần 100 hộ dân. Tổ chức việc đón Rằm tháng Bảy, ngay sáng 14 hơn 20 người đã tập trung tại nhà thờ cùng nhau hành quân vào núi để đi thắp hương cho tổ tiên.

Sáng ngày 15, theo tục lệ xưa, mỗi nhà làm 1 cỗ xôi gà đội về nhà thờ để tế tổ, trừ những gia đình có tang chưa hết khó, thì không phải làm cỗ. Hơn 80 cỗ xôi gà đã được bài trí một cách chu đáo, kín khắp 3 bàn thờ của nhà thượng đường.

Cỗ xôi gà cúng Rằm tháng Bảy được "thiết kế" công phu. Ảnh: Huy Thư

Trong lễ tế tổ, đội hành lễ với trang phục chỉnh tề, thực hiện cúng tế theo nghi thức truyền thống, có dàn nhạc trống chiêng, người xướng, người dâng hương rượu, người tấu văn. Giữa khói hương nghi ngút, tiếng nhạc lễ âm vang, lễ tế tổ tại nhà thờ họ đã diễn ra một cách trang trọng.

Sau khi kết thúc lễ tế, họ tộc đã tổ chức bàn bạc công việc chung và trao tặng quà khuyến học cho học sinh giỏi. Năm nay, họ Lê Văn có gần 70 em học sinh từ mầm non đến lớp 12 có thành tích học tập tốt, đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, đỗ đại học, cao đẳng được trao tặng phần thưởng từ 20 - 200 nghìn đồng. Theo ông Thịnh, Quỹ Khuyến học của dòng họ đã được thành lập từ hàng chục năm qua và được trao tặng mỗi dịp tế tổ Rằm tháng Bảy, nhằm động viên con em trong họ nỗ lực học tập tốt.

Anh Nguyễn Hữu Hùng (30 tuổi) xã Thanh Đồng (Thanh Chương) chia sẻ: Rằm tháng Bảy, họ em tập trung tế ở nhà thờ trung tôn, chứ không tế ở nhà thờ đại tôn như Rằm tháng Giêng. Hiện em là tộc trưởng của chi trung tôn đời thứ 9 ở thôn Thanh Đồng 5, xã Thanh Đồng. Chi họ em hiện tại có 26 hộ, là chi 2 của đại tộc (có 3 chi).

Theo lệ xưa, chiều 14 âm lịch, con cháu trong họ tập trung dọn dẹp, vệ sinh nhà thờ rồi đi tảo mộ, thắp hương cho tổ tiên ở nghĩa trang. Các chị em tập trung nấu nướng, dọn mâm. Các cụ cao tuổi thì bày biện bàn thờ, têm trầu, rót rượu... Từ hoa quả đến cau trầu đều là của nhà, có ở trong vườn. Gà trống làm cỗ thì được bà nội chọn nuôi từ mấy tháng trước.

Dâng hương lên bàn thờ tổ tiên trong ngày Rằm tháng Bảy. Ảnh: Huy Thư

Lễ tế tổ Rằm tháng Bảy có lễ yết cáo và lễ đại tế. Lễ yết cáo buổi chiều thường đông đủ nhất, có cả con cháu nội ngoại mang lễ vật đến nhà thờ, năm nay, dịch tạm lắng, họ tộc mổ lợn quay cả con, sau tế thì con cháu hội tụ phá cỗ đông vui. Sáng 15 thì mỗi hộ làm 1 cỗ xôi gà đưa về nhà thờ cúng tổ.

Họ Nguyễn Hữu tế Rằm tháng Bảy thường sớm hơn các họ khác, tầm 7h sáng là tế rồi vì cha ông truyền lại có 1 vị can làm việc ngoài đền Bà Chúa nên phải cúng sớm. Sau tế tổ thì tộc trưởng tuyên dương con cháu học giỏi đạt thành tích cao trong học tập, tổ chức trao phần thưởng và bàn bạc một số công việc, như tu bổ nhà thờ, nghĩa trang, công bố các khoản thu chi…

Anh Hùng cho biết thêm: "Vợ chồng em làm việc ở Vinh. Rằm năm nay trúng vào giữa tuần, cơ quan không cho nghỉ, nhưng gia đình em vẫn cố gắng sắp xếp được, để về quê, đi nhà thờ họ, vì cả năm được Rằm tháng Bảy”.

Trao quà khuyến học sau lễ tế tổ ngày Rằm tháng Bảy tại họ Nguyễn Thế (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Dân gian thường nói “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, ngày Rằm tháng Bảy là một dịp để con cháu muôn phương hướng về nguồn cội, tri ân tiên tổ lan tỏa tinh thần nhân văn của dân tộc.

Với người dân ở các làng quê xứ Nghệ, Rằm tháng Bảy là ngày hội lớn của gia đình và quê hương. Với người xa quê, Rằm là dịp được đưa con, cháu về thăm quê cha đất tổ, gặp mặt người thân, dòng tộc, bày tỏ tấm lòng, báo công với ông bà, cha mẹ, tổ tiên.

Trong ngày Rằm, mọi người có thể chia sẻ tình cảm, bàn bạc việc xây dựng nhà thờ, công đức, khuyến học, thăm hỏi bà con, thắt chặt tình cảm anh em, vai vế họ hàng, động viên con cháu nỗ lực học tập, lao động xây dựng dòng họ ngày càng vững mạnh.

Quang cảnh cúng Rằm tháng Bảy tại nhà thờ họ Lê ở Đô Lương. Video: Huy Thư

Đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, quê hương đang ngày càng phát triển, việc tổ chức cúng Rằm, ăn Rằm tháng Bảy của người dân xứ Nghệ có thể biến đổi ít nhiều để phù hợp hơn với lối sống hiện đại, nhưng nghi thức truyền thống, tinh thần nhân văn vẫn được gìn giữ, phát huy và lan tỏa trong cộng đồng.

Mới nhất
x
Rằm tháng Bảy hướng về tổ tiên, nguồn cội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO