Rực rỡ sắc Xuân….
Tết cổ truyền là dịp quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt Nam. Tết là cơ hội để những người tha phương tìm về sum họp với gia đình, cùng nhau tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Vào ngày Tết, ai cũng mong mọi thứ đều đổi mới. Vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết mọi người thường tất bật trang hoàng nhà cửa, mua sắm những vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí…Theo đó thị trường văn hoá tết những ngày “ tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến” cũng trở nên sôi động…
Tết cổ truyền là dịp quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt Nam. Tết là cơ hội để những người tha phương tìm về sum họp với gia đình, cùng nhau tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Vào ngày Tết, ai cũng mong mọi thứ đều đổi mới. Vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết mọi người thường tất bật trang hoàng nhà cửa, mua sắm những vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí…Theo đó thị trường văn hoá tết những ngày “ tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến” cũng trở nên sôi động…
Lịch Tết- món quà ý nghĩa đầu năm
Một trong những thứ không thể thiếu trong mỗi nếp nhà của người Việt dịp năm mới là những tờ lịch Tết. Ngoài công dụng để xem ngày tháng, lễ, Tết…, lịch treo tường thường còn là vật trang trí. Những tờ lịch được in tranh vẽ dân gian, những ông Phúc Lộc Thọ, tranh phong cảnh, tĩnh vật, thư pháp… đem lại một góc nhìn rất riêng, rất dân tộc, rất truyền thống trong mỗi gia đình. Dạo quanh một vòng thị trường lịch Tết tại các nhà sách, các siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh năm nay dễ nhận thấy lịch blog chiếm ưu thế áp đảo nổi bật là lịch blog siêu đại với chất lượng in tốt, màu sắc trang nhã, thiết kế hài hòa, đẹp mắt, mẫu mã đa dạng, nội dung phong phú phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Bên cạnh các số liệu về ngày tháng năm, các cung ngũ hành, ngày tốt xấu, thời tiết và nhiệt độ, các hình ảnh văn hóa, đất nước con người Việt Nam, những câu ca dao, tục ngữ của người Việt cũng như các câu danh ngôn được sưu tầm từ khắp các vùng miền trên thế giới, thông tin về lịch sử, chính trị, khoa học công nghệ cũng được in lồng ghép khiến lịch trở thành một cuốn từ điển bách khoa lý thú và bổ ích.
Đa dạng quà Tết được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng.
Mẫu mã lịch Blog trên thị trường hiện nay rất đa dạng. Nhiều bộ lịch được in theo chủ đề riêng để khách hàng dễ lựa chọn theo ý thích: Bộ lịch với chủ đề Việt Nam (Thắng cảnh Việt, Phong cảnh Việt Nam, Nghìn năm Thăng Long, Áo dài Việt Nam...); Chủ đề hoa, cây cảnh (Bonsai phong thủy, Bonsai mai, trà hoa, trà sen , trà xuân...) của Công ty cổ phần và phát triển Đông Dương. Còn Công ty văn hóa Phương Nam có bộ lịch Xuân 2010 với chủ đề “Mùa An - Yêu - Vui” trong đó Mùa (An thể hiện về thiền, tĩnh vật, phong thủy, hình ảnh thiên nhiên rạng rỡ; Yêu thể hiện đám cưới, tình yêu, huyết thống; Vui thể hiện những nét đẹp văn hóa lễ hội, mùa màng tươi tốt). Nhà xuất bản Vạn Xuân với bộ lịch Văn Minh nhân loại, Phú quí cát tường…
Chủ đại lý kinh doanh các loại lịch ở Trung tâm sách Bắc miền Trung (phường Lê Mao) cho biết: “ Do giá nguyên liệu tăng nên năm nay giá các loại lịch tăng từ 5-10% so với năm ngoái nhưng sức mua không hề giảm. Lịch blog siêu đại của nhà xuất bản Văn hoá, nhà xuất bản Vạn Xuân có giá từ 145 đến 450 nghìn đồng/log; ngoài ra còn có lịch tờ, lịch bộ, nẹp thiếc, lò xo, để bàn với đủ kích cỡ, giá cả đa dạng... Vào cuối 10 Dương lịch, những nhà kinh doanh đã nhập lịch về để kịp thời phục vụ khách hàng. Và đầu tháng 12 đã có nhiều công ty, đơn vị, doanh nghiệp đến đặt lịch để biếu, tặng như một nét thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Lịch không chỉ giúp chúng ta hiểu giá trị của thời gian, ý nghĩa của cuộc sống mà còn là món quà ý nghĩa nhất giành tặng cho gia đình, bạn bè, người thân mỗi khi tết đến, xuân về.
Vật phẩm phong thuỷ lên ngôi
Sau một năm làm việc vất vả, Tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi, sum vầy bên người thân. Bởi vậy gia đình nào cũng muốn trang hoàng nhà cửa thật đẹp bằng những chậu hoa, cây cảnh tạo không khí vui tươi, đầm ấm. Bên cạnh cành đào đỏ thắm, nhành mai vàng rực rỡ, những chậu quất, quýt cảnh dáng thế lạ….các vật phẩm phong thuỷ cát tường, tài, lộc làm từ đá thạch anh, đá cẩm thạch, mã não, emersl, mắt mèo….. cũng được rất nhiều gia đình lựa chọn trong những năm gần đây.
Các loại tượng, ngọc được bày bán trên các vỉa hè.
Theo quan niệm của người Việt, các vật phẩm phong thủy không chỉ dùng để trang trí mà còn có vai trò hỗ trợ, cải biến, thiết lập sự cân bằng của tự nhiên trong mối quan hệ giữa con người với môi trường sống, giảm thiểu được tai hoạ khi vào vận xấu, giúp gia chủ tăng sự thành công và may mắn. Theo những người có kinh nghiệm, để chơi được đá phong thủy, ngoài việc phải am hiểu về khoa học tự nhiên, nắm được thành phần cấu tạo của mỗi loại đá, còn đòi hỏi phải có những kiến thức về Kinh Dịch, thuyết âm dương ngũ hành một cách nhuần nhuyễn. Đá cảnh phong thủy thường được tạc thành Tượng di phật di lặc, quan âm, các linh vật như rùa, tỳ hưu, nghê, rồng, cá chép, cóc 3 chân, lộc mã ( ngựa), voi, quả cầu thuỷ tinh, chuông gió …với đủ màu sắc, kích cỡ phù hợp với cung mệnh của từng người. Mỗi loại đá phong thuỷ có ý nghĩa tượng trưng khác nhau: đá Emarald ( ngọc lục bảo) là màu của mùa xuân, là biểu tượng của tình yêu và sự hồi sinh; đá mã não được xem như thứ bùa mạnh đảm bảo cho việc thành công trong kinh doanh, thương mại; đá thạch anh được được coi là thứ đá màu nhiệm thu hút năng lượng vũ trụ và phát ra một trường năng lượng dương cực mạnh đem lại may mắn trong cuộc sống và công việc...
Nắm bắt xu thế của khách hàng, trên địa bàn thành phố Vinh thời gian gần đây đã có nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này như: cửa hàng đá phong thuỷ Phương Liên (đường Lê Hồng Phong), cửa hàng Hà Anh (đường Đinh Bạt Tuỵ), và một số ki-ốt kinh doanh nhỏ lẻ dọc đường Quang Trung. Giá trị của các loại đá phong thủy phụ thuộc vào độ sáng và độ tinh xảo của nó. Đá càng có độ sáng bóng và tinh khiết cao, giá càng đắt. Ngoại trừ hàng bột đá Trung Quốc, các vật phẩm từ đá Thạch Anh với cẩm thạch, mã não cỡ lớn thường có giá từ vài triệu trở lên.
Ngày Tết, những viên đá đủ sắc màu, được gọt giũa theo nhiều hình dáng, kích cỡ không chỉ là vật trang trí đẹp mắt cho ngôi nhà, mà đối với nhiều người, đó còn là món quà quí cầu an, cầu tài để dành tặng cho nhau.
Tranh Tết- Truyền thống và hiện đại
Khi đời sống vật chất được nâng cao thì gu thẩm mỹ của con người cũng đòi hỏi sự tinh tế, sâu sắc hơn. Bởi vậy thay vì treo những tờ lịch in hình các diễn viên, người mẫu trong ngày Tết như những năm trước đây. Hiện nay, để làm đẹp và tạo ấm cúng cho ngôi nhà trong những ngày Xuân, người dân thành phố thường hướng tới các loại tranh nghệ thuật có chất liệu từ bột đá, chạm đồng hoặc thêu thủ công với đủ kích cỡ, hình thức phong phú, đa dạng. Nếu như tranh đá có vẻ đẹp mới lạ, lung linh rực rỡ và độ bền lâu bởi màu sắc tự nhiên thì dưới đường kim, mũi chỉ của các nghệ nhân, những bức tranh thêu sống động lại gợi nhiều cảm xúc trong tâm hồn người xem. Bên cạnh đó tranh chạm đồng, đắp nổi với những đường nét chạm trổ Long, Ly, Qui, Phượng; Tùng, Trúc, Cúc, Mai… tỉ mỉ, tinh xảo thể hiện tinh hoa văn hoá dân tộc cũng được nhiều người tìm đến như một niềm say mê cái đẹp. Thế nhưng không phải ai cũng đủ kinh tế để hướng đến các dòng tranh này bởi đơn giản bộ tranh thêu bốn mùa cũng đã có giá từ 1,2-1,5 triệu; còn những bức tranh bột đá với những cái tên đầy ý nghĩa như “Mã đáo thành công”, “Long Phượng sum vầy”... có giá lên đến 10 triệu đồng. Bởi vậy, những người bình dân thường nhắm đến những dòng tranh truyền thống vừa hợp với túi tiền vừa gợi hồn dân tộc...
Hoa, cây cảnh cũng được bày bán từ sớm.
Những ngày Tết, đi chợ phiên vùng quê thường thấy một góc chợ rợp màu sắc của các loại câu đối Tết, tranh dân gian: Hàng Trống ( Hà Nội); Kim Hoàng ( Hà Tây); Tranh làng Sình ( Hà Nội)… Đặc biệt được ưa chuộng là dòng tranh Đông Hồ “gà lợn nét tươi trong” với chất liệu đẹp, thể loại phong phú, giá cả phải chăng. Khi gió xuân thổi về, lòng người rộn rã, dù giàu, dù nghèo người quê cũng cố kiếm cho mình một bức tranh Tết về treo cho ấm cúng cửa nhà. Những câu đối Tết, những bức tranh dân gian như Đám cưới Chuột, Hứng dừa, Phú Quý, Tố nữ... không chỉ mang ý nghĩa “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” mà còn ẩn chứa khát vọng hạnh phúc, ấm no, thanh bình trong trái tim những con người chân chất, thật thà nơi làng quê bình dị...
Phong phú mặt hàng chữ Thọ
Mừng Thọ đầu Xuân là nét đẹp truyền thống giàu ý nghĩa của dân tộc ta. Đó là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu kính đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của ông, bà, cha mẹ, là đạo lý sống “Kính lão đắc Thọ”, thể hiện tình cảm của thân hữu, làng xóm láng giếng với nhau. Lễ mừng Thọ được tổ chức trang trọng vào ngày mồng Hai Tết cho đến mồng Sáu Tết. Vật không thể thiếu trong lễ mừng thọ đó là “chữ Thọ”. Hiện nay, trên thị trường mặt hàng này hết sức đa dạng từ chất liệu, kích thước đến bố cục trình bày. Giá cả của các bức Thọ tuỳ thuộc vào chất liệu. Các bức vẽ bằng sơn mài có giá từ 70-100 nghìn đồng/bức (tuỳ kích thước); loại khảm trai có giá từ 150-300.000đ/bức (tuỳ kích thước); các bức Thọ bằng đồng nổi có giá từ vài trăm ngàn trở lên; đắt nhất là các bức Thọ dát bạc, kiểu dáng cầu kỳ, có trang trí đèn nháy, đắp theo không gian 3D dao động từ vài triệu đến chục triệu. Mặt hàng này được bày bán dọc đường Trần Hưng Đạo, Hồ Tùng Mậu, chủ yếu được nhập về từ Nam Định, Hà Nội. “Vào dịp Tết mặt hàng này bán rất chạy. Vì trong tâm thức mỗi người đây là dịp thể hiện tình cảm của mình đối với ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thích.
Gia Huy- Phúc Thanh