Rưng rưng về với quê Người

25/07/2013 11:22

(Baonghean) - Sáng 24/7, Thành phố Vinh ngập chìm trong làn mưa dày đặc. Mặc cho những cơn mưa tưởng chừng như không bao giờ dứt, Ban tổ chức và 500 đại biểu tham gia Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu 5 tỉnh Tây bắc: Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An vẫn phấn khởi, vui vẻ lên đường về Kim Liên (Nam Đàn) quê Bác.

(Baonghean) - Sáng 24/7, Thành phố Vinh ngập chìm trong làn mưa dày đặc. Mặc cho những cơn mưa tưởng chừng như không bao giờ dứt, Ban tổ chức và 500 đại biểu tham gia Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu 5 tỉnh Tây bắc: Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An vẫn phấn khởi, vui vẻ lên đường về Kim Liên (Nam Đàn) quê Bác.

>>Phát huy vai trò người có uy tín trong chiến lược công tác dân tộc

Sau một chặng đường xa, mệt mỏi, chiều tối ngày 23/7, đoàn đại biểu của các tỉnh đã có mặt ở Thành phố Vinh. Đặt chân đến thành phố quê hương Bác Hồ, cái mệt mỏi vì đường xa dường như tan biến trước sự đón tiếp niềm nở và nhiệt tình của lãnh đạo và người dân Nghệ An. Đêm đó, ai cũng nghỉ ngơi lấy sức để sáng mai về thăm quê Bác, để được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh vật từng gắn bó với tuổi thơ của Người. Sáng sớm, từ lúc còn tinh mơ, mọi người đều thức dậy và mặc cho mình bộ trang phục dân tộc mới nhất, đẹp nhất để về quê Bác dâng hoa, dâng hương. Với họ, được về thăm quê Bác là một cuộc hành hương về với cội nguồn, về với nôi cách mạng, về với mảnh đất từ lâu được xem là địa linh nhân kiệt.

Trong khuôn viên Khu di tích Kim Liên (vừa được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt) rộn ràng các loại sắc phục đặc trưng của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, Mường, Dao... Bài “Quốc ca” vang lên trong lễ chào cờ, làn mưa phía ngoài như đang tạm dừng để được chứng kiến giây phút rất đỗi thiêng liêng. Sau lễ mặc niệm, mỗi đại biểu dâng lên trước bàn thờ Bác nén hương thơm. Đến lượt mình, ai cũng thành kính vái tạ, đứng lặng trong giây lát, mắt hướng lên tượng Bác như để nói với Người về cuộc sống của bản làng, của đồng bào mình, đồng thời thể hiện niềm kính phục và gửi gắm những điều thầm kín trong tâm hồn.

Sau lễ dâng hoa, dâng hương, các đại biểu vào thăm quê nội Bác Hồ. Bước qua chiếc cổng tre, ai nấy đều rưng rưng trong niềm xúc động. Hàng dâm bụt nở hoa, những luống khoai tươi tốt, cam bưởi trĩu cành - cảnh vật thật dân dã và hết mực gần gũi. Có thể nhiều người đã được thấy cảnh vật này qua sách, báo, màn ảnh nhỏ nhưng khi về đây, chắc hẳn vẫn có cảm giác ngỡ ngàng.



Các đại biểu nghe kể về thời niên thiếu của Bác Hồ tại Quê nội - Kim Liên .
Ảnh: Thu Hương

Căn nhà tranh quá nhỏ bé nên không thể chứa hết hơn 500 con người. Phần đông đều đội mưa đứng ngoài sân để lắng nghe tiếng loa vọng ra từ ngôi nhà nhỏ ấy. Có mặt trong mái nhà tranh của Bác, chúng tôi được chứng kiến những giọt nước mắt trên khuôn mặt của hầu hết mọi người khi được nghe, được thấy, được chạm vào những hiện vật từng gắn bó với cuộc đời mỗi thành viên trong gia đình Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đứng cạnh chúng tôi là ông Lý Kim Lịch (hơn 80 tuổi, dân tộc Dao) đến từ bản Xuân Thắng, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) liên tục đưa tay lên gạt dòng nước mắt.

Hỏi chuyện, ông Lịch chia sẻ: “Từ khi hay tin được vào Nghệ An dự hội nghị, tôi sung sướng vô cùng. Vì tôi biết vào đây chắc chắn sẽ được đến thăm quê Bác, đó là niềm mong ước gần như suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ năm 1969, ngày Bác mất, trời cũng mưa tầm tã như thế này, tôi có mặt trong ban tổ chức lễ truy điệu của xã. Ngày đó, ai cũng khóc. Trước khi vào đây, các cháu nội, ngoại đều dặn ông phải chụp thật nhiều ảnh ở quê Bác, phải lắng nghe chị thuyết minh kể chuyện để về còn kể lại cho cả nhà...”. Đứng cạnh ông Lý Kim Lịch, ông Phùng Sinh Toàn (dân tộc Dao) đến từ huyện Yên Lập (Phú Thọ) cùng góp chuyện: “Tôi năm nay hơn 60 tuổi rồi nhưng giờ mới được về thăm quê Bác lần đầu tiên. Sáng nay tôi dậy rất sớm để chuẩn bị, lúc đầu thấy trời mưa to sợ không đi được. Nhưng may mắn là mơ ước về thăm quê Bác cuối cùng cũng trở thành hiện thực.

Tạm biệt quê nội Làng Sen, đoàn đại biểu xuôi Hoàng Trù tiếp tục về thăm quê ngoại. Vẫn là niềm xúc động trào dâng, những giọt nước mắt đọng mãi trên khóe mắt của những người con phương xa. Chúng tôi thấy một người phụ nữ đứng nâng cánh võng một cách trân trọng, rồi sang ngắm nghía chiếc khung cửi của bà Hoàng Thị Loan. Hỏi chuyện, được biết họ tên của bà là Bùi Thị Toán (dân tộc Mường) ở Thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy (Hòa Bình). Bà Toán chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi được về thăm quê Bác, những lần trước vào năm 2003 và 2010. Lần nay trở lại, tôi thấy quê Bác đã đổi thay nhiều, Khu di tích ngày càng trang trọng. Nhưng thật sự niềm xúc động vẫn vẹn nguyên, không thay đổi”.

Trong khu trưng bày và bán hàng lưu niệm, Sùng A Câu (dân tộc Mông) ở bản Măng Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) lại mê mẩn với giá trưng bày dép cao su. Anh chọn đi chọn lại và cuối cùng quyết định mua 1 đôi. Sùng A Câu tâm sự: “Từ nhỏ, mình thích đi đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ lắm. Ở nhà mình còn mấy đôi, cả cũ và mới, còn tốt lắm. Nhưng đã về thăm quê Bác thì phải mua một đôi ở quê Bác để làm kỷ niệm, và đúng nghĩa là “Đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ”.

Về thăm quê nội và quê ngoại Bác Hồ, lúc ra về, những người con phương xa vẫn còn tiếc nuối vì trời mưa không thể lên núi Đại Huệ viếng mộ thân mẫu Hoàng Thị Loan. Để rồi, còn đó ước mơ, dự định một lần nữa được về thăm quê Người, được kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ người đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Xuân Cừ - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: “Về Nghệ An triển khai Hội nghị Biểu dương người có uy tín tiêu biểu 5 tỉnh vùng Tây Bắc, chúng tôi thật sự yên tâm về công tác đón tiếp, chuẩn bị và tham quan di tích lịch sử. Đây cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hội nghị. Được về thăm quê Bác, chắc hẳn bà con rất vui và xúc động, tự hào và sẽ tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự phát triển của quê hương, đất nước”.


CÔNG KIÊN

Mới nhất

x
Rưng rưng về với quê Người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO