Từ hào hoa, huyên náo của phố phường mà bấy lâu nay tôi ở trọ, đến khoảng không gian gần gũi, mênh mông. Tôi đã rời “trọ” để về quê, về cái nơi mà tôi chưa bao giờ cảm thấy hưng phấn khi rời đi. Vượt đường dài hàng trăm km, tôi đã về đến đầu làng, cái làng lúa ven con sông nhỏ…
Tôi dừng xe ở bên vệ đường dưới gốc cây đa sum suê lá, vững vàng bốn mùa trước biết bao bão bùng miền Trung. Cây đa ấy, cả làng tôi không biết nó có tự bao giờ, lớn lên bởi sự chăm sóc, vun trồng bởi bàn tay ai. Tôi chỉ nghe kể rằng, khi ông tổ làng tôi về đây gây làng thì cây đa đã sừng sững như thế, xanh rợp tán như thế. Tôi đến gần gốc cây, lòng bồi hồi rồi những thoáng xúc động chợt dậy, bởi tôi thấy hiển hiện đâu đây cái bóng hình của mình, của cái tuổi ấu thơ lầm lũi đáng thương, nhưng tinh nghịch và đúng nghĩa. Cả lũ trẻ con ngày ấy vô âu, vô lo, quấn quýt, nương tựa bên nhau để rồi lớn lên, bấy giờ mỗi đứa một ngả, hiếm khi lắm mới có thể hội ngộ.
Gió mùa hạ cuối ngày man mát thổi từng đợt từ đồng xa vào cây đa, làm cho mái tóc tôi từng sợi, từng sợi cứ rười rượi, cả vạt áo sơ mi cũ, đầy bụi bặm và mồ hôi đi đường cũng cứ lất phất, phạt từng đợt vào người. Đã lâu lắm rồi, tôi mới về lại bên gốc cây đa, mới một mình đón những đợt gió tinh sạch và trong lành từ ruộng đồng.
Tôi cố ở lại lâu hơn trên cái không gian đặc biệt ấy. Đã cuối ngày, trời đã dần buông màn đêm, nhưng ánh mặt trời vẫn chưa tắt nghỉm. Những ánh hồng le lói rực rỡ sau những áng mây yên bình. Đồng quê đã vắng người, trên mấy con đường men giữa đồng bằng đất, thấp thoáng những bóng người đang vội vã trở về ngôi làng. Người đi bộ, người phóng xe máy, người lỉnh kỉnh xe đạp. Cái vắng vẻ, thanh bình của cánh đồng đã ôm trùm, dâng ngập vào lòng tôi. Tiếng đàn chim sẻ ríu rít đùa nghịch trên những bờ ruộng, tiếng ếch nhái bắt đầu râm ran. Nhìn về phía cuối làng, chao ôi đẹp lắm cái lớp phấn mỏng làm từ hoàng hôn mỏng mướt điểm nhẹ vào phía sau của ngôi làng. Lúc này đây, khu làng đẹp lắm, những ngọn đèn điện đã bắt đầu rủ nhau thắp sáng.
Tôi men theo những bờ ruộng cao mấp mô, rồi ra gần mấy đám ruộng. Lúa vừa trổ bông, mùi thơm vẫn còn ngào ngạt và tinh tươm lắm, những bông lúa vàng non dài độ gang tấc vươn thẳng, để chờ đêm đến, khi sương buông chúng lại nhẹ nhàng hít thở hương đêm của trời đất, rồi ngày qua, hạt nối hạt cứ mình mẩy. Nhìn ra mấy đám ruộng giờ này còn ngậm đòng, đến gần rồi bứt lấy mấy cọng đòng đòng, hồn nhiên thưởng thức. Vị ngọt ngào ấy khiến tôi hoài niệm về những ngày đã xa, về cái thuở ngày nối ngày chỉ biết chăn trâu cắt cỏ, cứ hễ mùa này lại ríu rít ruộng đồng, lấy đòng đòng của ruộng nhà ai cả nắm to vừa ăn, vừa đùa nghịch.
Trở về nơi đây, tôi càng nhận ra rằng, đích thực mình là một hạt lúa. Hạt lúa bé nhỏ nhưng chất chứa biết bao tinh túy ở trong đó. Hạt lúa ấy là sản phẩm từ bàn tay chăm sóc vô bờ bến của cha, của mẹ, của làng xóm, của quê hương. Tôi luôn được những bàn tay ấy nâng niu, ủ ấp, để rồi luôn luôn mình mẩy, biết nghĩ về những vụ mùa sáng vàng, trĩu hạt.
Có phải không khi nói rằng hạt lúa ấy cũng xa xót biết bao khi phải rời ruộng đồng, rời quê hương, rời mẹ cha để ra đi? Những vạt ký ức song trùng về người và ruộng, về ruộng và người càng lúc càng lùi xa vào tít tắp dĩ vãng. Nhưng tấm lòng của ruộng đồng, ước mong của mẹ cha, khiến cho hạt lúa ấy không bao giờ cho phép quên lãng, không bao giờ để cho mối mọt gặm nhấm tất cả. Ở một góc nào đó của thành phố, hạt lúa vẫn chọn cách là kiếm tìm “hương bùn”, để cho mình ấp ủ trong đó, rồi cứ thế nảy mầm, men theo dòng thời gian mà non xanh, mà làm đồng rồi trổ bông, kết hạt.
Bài: Trần Việt Hoàng
Ảnh minh họa: Hải Vương