Sắc nắng Ba Đình
(Baonghean) - Cách đây 70 năm nhạc sỹ Bùi Công Kỳ đã viết bài hát “Ba Đình nắng” từ cảm xúc dâng trào của mùa Thu Cách mạng, của ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập: “Gió vút lên ngọn kỳ đài phấp phới, gió vút lên đây bao nguồn sáng mới dạt dào...”. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật giản dị, vô cùng thân thiết, gần gũi với mọi người như một vị Cha già dân tộc đã được nhạc sỹ vẽ lên thật đẹp trong lời ca ấm áp: “Giọng nói hẹn thành công: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”, Ôi thân thiết lời Cha già dân tộc, bộ ka ki đã bạc với gió sương”.
Từ ánh nắng Ba Đình ngày ấy tỏa đến mỗi bờ tre ruộng lúa, con đê xanh màu cỏ, dòng sông màu nắng lấp lánh ánh vàng. Và hân hoan trong lòng người là màu nắng mới, hương nắng mới để nắng quê hương chín dậy cả cây vườn, chín dậy những ước mơ hạnh phúc “ Mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Sắc nắng thu năm ấy rực rỡ màu của cờ sao rạo rực. Một dáng hình đất nước thật mềm mại như dải lụa hình chữ S lại sừng sững thành con đê chắn sóng biển Đông, lưng tựa vào Trường Sơn hùng vĩ. Tổ quốc nơi đầu sóng, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân! Hai tiếng Tổ quốc thật trìu mến, thiết tha ngay từ bài tập đánh vần đầu tiên của các em nhỏ vào mùa khai giảng năm học mới. Bài “Tiến quân ca” trở thành quốc ca bắt đầu từ: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”.
Một đất nước bốn nghìn năm lịch sử chưa bao giờ ngơi nghỉ với những cuộc hành quân trường kỳ kháng chiến. Sóng chưa bao giờ lặng trên vầng trán của mẹ. Một đất nước mà giặc ngoại xâm, thiên tai bão lụt bao lần tràn vào đây đều bị đánh bật trở lại bởi dây cung mang dáng hình đất nước. Một sức mạnh tiềm ẩn giàu trữ lượng văn hóa với truyền thống lịch sử ngàn năm mang tên “đồng bào” chung trong bọc trứng. Và cánh chim hạc từ hoa văn trống đồng thời Hùng Vương dựng nước bay lên như là ngọn lửa, như là ngọn cờ mang màu nắng của xứ sở nhiệt đới.
Một xứ sở cây trái xanh tươi bốn mùa, tình người nhân ái chan hòa rộng mở. Một đất nước có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông là một khúc dân ca. Mỗi khúc dân ca là điệu hồn quê của từng làng ngõ xóm, sắc áo bà ba, áo lụa dài, áo tứ thân mềm mại trải dài đất nước. Mềm mại như màu nắng chín mọng từng múi quả; như màu lúa vàng ươm chín dậy cả cánh đồng; như màu phù sa nặng đỏ sông Hồng cuồn cuộn Cửu Long giang xòe ra chín cửa; như luyến láy làn điệu thân thương ví giặm từ khúc hát lao động mộc mạc thôn quê của dân ca xứ Nghệ; như khúc hát giao duyên nón quai thao yếm thắm; trầu têm cánh phượng của quan họ Bắc Ninh. Đó là đặc sản đặc sắc của tâm hồn, “căn cước” dân tộc đã được nhân loại tôn vinh.
Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trong sắc Thu vời vợi của không gian giao mùa. Từ hạ vào Thu, từ sự nồng nhiệt chín dậy đến sự điềm tĩnh chín mọng, căng tròn là cả một hành trình sinh thành và kết trái. Quảng trường Ba Đình đã trở thành một địa chỉ đỏ. Nơi đó hội tụ và lan rộng âm hưởng hào hùng của quá khứ cộng hưởng với hôm nay. Từ một nước: “Việt Nam dân chủ cộng hòa” non trẻ đã vươn vai đứng dậy như Phù Đổng Thiên Vương với khát vọng thường trực: “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” đã trở thành hiện thực.
Bảy mươi năm mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Còn vang vọng giọng trầm ấm của Bác Hồ: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Một câu nói không có trong văn bản nhưng đã rút lưu lại trong trái tim của mỗi người, đã rút ngắn lại khoảng cánh của lãnh tụ và người dân như là một lời thăm hỏi ân cần của người thân trong một nhà. Thưa Bác! Chúng con nghe rõ lời Người, lời của nước non, lời của hồn thiêng sông núi. Và trong sắc nắng của mỗi làng quê đất Việt: “Nắng quê hương mang sắc nắng Ba Đình”.
Nhà văn
Nguyễn Ngọc Phú