Sắc Xuân trên vùng tái định cư Ngọc Lâm

20/01/2012 10:32

(Baonghean.vn) - Những ngày áp Tết, không khí ở vùng tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) dường như tấp nập, đông vui hơn. Dọc đường đi, hai bên sườn đồi thấp thoáng sắc đỏ hoa đào, màu trắng hoa mơ. Trong các bản làng, các bà, các mẹ, các chị đang bận rộn quét dọn nhà cửa hoặc cắm cúi dệt cho xong váy, áo mặc đi chơi Xuân, còn lớp thanh niên trai tráng thì tất bật vào rừng hái lá dong, chuốt giang để kịp gói bánh chưng Tết... Một mùa Xuân yên vui đang đến với đồng bào nơi đây.

(Baonghean.vn) - Những ngày áp Tết, không khí ở vùng tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) dường như tấp nập, đông vui hơn. Dọc đường đi, hai bên sườn đồi thấp thoáng sắc đỏ hoa đào, màu trắng hoa mơ. Trong các bản làng, các bà, các mẹ, các chị đang bận rộn quét dọn nhà cửa hoặc cắm cúi dệt cho xong váy, áo mặc đi chơi Xuân, còn lớp thanh niên trai tráng thì tất bật vào rừng hái lá dong, chuốt giang để kịp gói bánh chưng Tết... Một mùa Xuân yên vui đang đến với đồng bào nơi đây.

Đã là mùa Xuân thứ sáu người dân bản Mà (xã Ngọc Lâm) đón Tết trên quê mới. Nỗi nhớ quê cũ dần nguôi ngoai, cuộc sống no ấm ở quê mới đã giúp đồng bào yên tâm sản xuất, gắn bó với bản làng. Trong ngôi nhà vừa mới quét lại sơn ve, ông Lô Văn Tân, Trưởng bản Mà, xã Ngọc Lâm phấn khởi: "Bản Mà là một trong những bản đầu tiên di dời từ vùng lòng hồ bản Vẽ xuống đây định cư. Vượt qua những khó khăn ban đầu, nay bà con đã biết sản xuất lúa nước, biết trồng sắn, trồng chè, chăn nuôi gia súc... Mức thu nhập của bà con nhờ đó cũng tăng lên với mức trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/năm; nhiều hộ có thu nhập mỗi năm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng".


Điển hình như hộ ông Lương Văn Mây, làm trang trại ở khe Máng, thả cá, trồng keo, trồng sắn, chăn nuôi trâu, bò cho thu nhập mỗi năm từ 50 - 70 triệu đồng; hộ ông Vi Văn Quế mở xưởng cưa, cho thu nhập mỗi tháng 10 - 12 triệu đồng; hộ ông Kha Văn Bính mua ô tô khách đi tuyến Ngọc Lâm - Hòa Bình cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng...


Kinh tế ổn định, dân bản có điều kiện để lo cho gia đình cái Tết ấm no. Hầu hết mọi gia đình đã hái lá dong, chẻ giang làm lạt gói bánh, trong chuồng đã nhốt sẵn gà, lợn để làm thịt cúng gia tiên. Bà Vi Thị Chiến, bản Mà cho biết: "Từ hôm trước, con dâu đã vào rừng lấy lá dong, chặt củi, chặt giang chuẩn bị để gói bánh Tết. Năm nay, nhà nuôi được lứa lợn 5 con, đã xuất chuồng 4 con trừ lại một con để thịt ăn Tết. Cá thì đã có sẵn dưới ao, tiền bán sắn năm nay trừ chi phí còn dư để mua thêm chiếc ti vi, sắm thêm bộ áo quần mới cho đứa cháu nội".

Ở quê mới, người dân bản Mà gần như vẫn còn giữ được phong tục đón Tết của người Thái: ủ rượu cần, gói bánh sừng trâu, hó-mọc, làm mọc cá... và đặc biệt là lễ cầu an đầu năm mới. Cả bản chung nhau làm một con lợn, gói các loại bánh, ghi tên danh sách cả bản, đưa lên đền thờ chung của bản làm lễ tế trời đất, cầu mong năm mới bình an, no ấm cho bản làng. Sau lễ cúng, tổ chức uống rượu cần, múa lăm vông, nhảy sạp chung vui ở từng tổ dân cư...


Đặt chân đến bản Tả Xiêng, đã nghe rộn ràng tiếng cồng chiêng, khắc luống. Các chị trong đội văn nghệ của bản đang tập luyện để góp vui vào chương trình "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới" vào đêm giao thừa tại sân trường tiểu học. Nhiều gia đình đang khẩn trương đào hố ươm chè theo diện tích vừa được chia, mỗi khẩu 300m2 đất vệ đồi.

Ông Vi Thanh Nghị, bản Tả Xiêng ngừng tay cuốc, đứng trên xuống thửa đất mới được chia cho biết: "Có đất trồng sắn, trồng chè, khai hoang lúa nước, lại được hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất cây trồng tăng, nhiều nhà có của ăn, của để, có tiền mua sắm Tết. Tết năm nay, bản ta sẽ tổ chức đêm liên hoan giao thừa, có rượu cần, có bánh kẹo, có phát thưởng cho con cháu học giỏi của bản. Đêm giao thừa năm ngoái, ngoài bà con dân bản cò có bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương cùng người dân bản địa đến chung vui...".


Ở nhà văn hóa bản Lạp, dân làng đang tập trung tại nhà văn hóa bản, người già lau lại bộ cồng chiêng, trai gái bản chặt nứa làm sạp, đục thân cây làm "quạnh lòong" (khắc luống); người cắt khẩu hiệu trang trí... Điều đáng mừng là dù ở nơi ở mới, sống quần cư với người Kinh, nhưng bà con vẫn còn giữ được nét đặc sắc của dân tộc Thái. Những ngày lễ, ngày Tết vẫn còn âm vang tiếng cồng, chiêng, điệu múa khèn, trò ném còn, bắn nỏ, tiếng Pí, điệu nhuôn. Người già, người uy tín vẫn ngày đêm cần mẫn truyền thụ lại cách đánh chiêng, thổi sáo, nhảy sạp, hát lăm, hát khắp cho con cháu. Nhờ đó, nét đẹp văn hóa Thái vẫn được lưu giữ...


Năm nay, cái tết dường như đến sớm hơn với đồng bào tái định cư xã Ngọc Lâm. Ông Lô Huy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm phấn khởi: "Những khó khăn ban đầu đã qua đi, cái đói, cái nghèo đang dần bị đẩy lùi. Bà con phấn khởi làm ăn, xây dựng cuộc sống. Bà con đã sử dụng thành thạo cày, bừa; biết bón phân, biết cách nâng cao năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích.

Hiện toàn xã đã có 350 ha sắn, 50 ha chè, trung bình mỗi hộ nuôi 1 - 2 con trâu, bò, nhiều hộ đã mở rộng kinh doanh, dịch vụ cho thu nhập cao. Cùng với sự chung tay của các cấp, các ngành, trụ sở làm việc của UBND xã đang được xây dựng, các thiết chế VH-TT-TT đang dần hoàn thiện... Tết năm nay vui hơn, trọn vẹn hơn với đồng bào".


Dẫu vẫn còn đó những khó khăn về cơ sở hạ tầng, đất sản xuất... nhưng mùa Xuân yên vui đang dần hiện hữu trên sắc xanh của đồi keo, nương sắn, triền chè, trên gương mặt hân hoan của những cô gái Thái, trong tiếng hát của con trẻ.


Thanh Phúc - Khánh Ly

Mới nhất
x
Sắc Xuân trên vùng tái định cư Ngọc Lâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO