Sách giáo khoa đổi mới phải bảo đảm tính liên thông
Ngày 8-3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội thảo tham vấn các chuyên gia về Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Ðánh giá về chương trình sách giáo khoa phổ thông hiện nay, các nhà quản lý đều cho rằng, nội dung bảo đảm chính xác song còn nặng về dạy kiến thức, nhẹ thực hành, không phù hợp với mục tiêu giáo dục. Hầu hết ý kiến phát biểu đồng tình tổ chức biên soạn lại sách giáo khoa. Trong đó ưu tiên hàng đầu cần tính đến là các môn học được tích hợp với nhau phải thể hiện tính liên thông. Chương trình giáo dục phải lấy những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống làm bối cảnh dạy học...
PGS. TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 thiếu các phương án thực hiện chi tiết. Đặc biệt, phương án phân ban ở THPT cần được đổi mới cơ bản, định hướng cụ thể hơn trong thực hiện kế thừa và phát triển chương trình biên soạn sách giáo khoa mới, xác định rõ phương án một hay nhiều sách giáo khoa.
Có ý kiến khác cho rằng, chương trình tổng thể giáo dục phổ thông xác định 8 lĩnh vực giáo dục là không hợp lý, chỉ cần gom thành 5 lĩnh vực gồm Đức - Trí - Công - Thể - Mỹ. Việc đổi mới phải tiến hành đồng loạt trong thời gian ngắn chứ không nên đợi đến 5 năm hay 10 năm mới xong và nên để các tác giả viết sách tập trung tại trại viết sách nhằm tăng thời gian trao đổi, phản biện. Sau đó, tiến hành ngay việc tổ chức tham vấn ý kiến nhiều kênh khác nhau.
Theo HNM