Sắn dây, cây "làm chơi, ăn thật"
(Baonghean) - Là cây chịu hạn rất tốt, nên chẳng bao giờ mất mùa vì hạn, sắn dây được trồng chủ yếu trên đất đồi vệ, đất dưới chân núi, đất nương rẫy, đất trang trại và đất tận dụng trong nương, vườn. Địa phương trồng nhiều cây sắn dây hiện nay ở Nam Đàn có các xã: Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Xuân, Nam Anh, Nam Lộc, Vân Diên,… Trong đó, xã Nam Anh là xã có truyền thống và kinh nghiệm trồng sắn dây lâu đời nhất ở Nam Đàn.
Sản xuất giống cây sắn dây tại gia đình ông Hồ Viết Tư, xóm 9, xã Nam Anh (Nam Đàn). |
Gia đình ông Hồ Viết Tư, xóm 9, Nam Anh là người có diện tích trồng sắn dây nhiều nhất xã. Ông Tư cho biết: Gia đình ông có một trang trại dưới chân núi Đại Huệ, chủ yếu trồng cây sắn dây. Cách trồng của ông rất đơn giản: Từ một bụi sắn dây sau khi thu hoạch xong, ông lấy lại phần gốc, dâm vào trong một ụ đất và chờ cho đến khi gốc cây sắn dây đó nẩy mầm, ra cành dây mới. Lúc này, ông Tư cho đắp thêm từ 3 đến 4 ụ đất xung quanh ụ đất cũ, chọn từ 3 - 4 cành dây khỏe nhất, lấp mỗi cành vào một ụ đất mới. Sau đó một thời gian kiểm tra, nếu thấy những cành dây sắn ở các ụ đất mới đó đã ra rễ, cắt ngang thân dây sắn từ ụ đất cũ nối sang ụ đất mới. Cách làm này thực chất là một phương pháp nhân giống vô tính như phương pháp trồng khoai lang. Ngoài cách nhân giống bằng đắp mô, ông Tư đã áp dụng thành công nhân giống bằng phương pháp dâm bầu. Cách làm này cũng đơn giản, chọn lấy những thân dây cây sắn tròn, to, khỏe, không bị sâu bệnh, cắt thành từng đốt ngắn, mỗi đốt có 2 mắt mầm. Bầu đất được lấy từ đất ruộng, đất vườn nhà, đất được đập nhỏ mịn, phơi khô, trộn với phân chuồng hoai và tưới phun nước đủ ẩm trước khi cho đất vào bầu. Các cành dây sắn sau khi cắt ngắn, đem cắm một đầu vào bầu đất và chờ khi nào phần mắt phía trên nẩy mầm, ra lá mới thì đem ra trồng.
Đất trồng sắn dây phần lớn là đất đồi vệ dưới chân núi. Từ hiệu quả kinh tế, nhiều địa phương đã chuyển ra trồng trên đất màu, hình thành những cánh đồng chuyên canh cây sắn dây. Cách trồng cây sắn dây ở Nam Đàn khác với nhiều địa phương khác, đó là: đất được cày sâu 25 - 30cm, đập nhỏ đất, vun lại thành từng ụ cao 40 - 50 cm. Mỗi ụ đất trước khi trồng đều được bón bình quân từ 5 - 7 kg phân chuồng 0,2 - 0,3 kg NPK loại 8-10-3.
Sắn dây nếu trồng ở đất đồi vệ thì không nhất thiết phải làm choái cho sắn leo, nhưng trồng ở đất đồng thì cần làm choái để dây sắn leo. Vật liệu làm choái leo chủ yếu là cành cây nhỏ, cắm thành choái như cắm choái cho bầu, bí, dưa leo.
Thời vụ trồng sắn dây từ tháng 2 đến đầu tháng 3 hàng năm và thu hoạch vào tháng 11 và 12. Mùa thu hoạch sắn dây ở Nam Đàn khá nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Gia đình ông Hồ Sĩ Lan, xóm 9, xã Nam Anh nhiều năm nay chuyên thu mua và chế biến tinh bột sắn dây. Ông Lan cho biết, mỗi năm gia đình ông thu mua được khoảng 40 - 50 tấn củ sắn dây và chế biến được từ 8 - 10 tấn tinh bột sắn khô. Ngoài ông ra, cũng còn rất nhiều hộ nông dân khác họ cũng tham gia chế biến tinh bột sắn tại nhà, nhưng quy mô nhỏ hơn. Cũng theo ông Lan, việc chế biến tinh bột sắn không khó, nhưng cũng không đơn giản. Nếu muốn có chất lượng bột tốt, thơm, ngon, sạch, mịn thì phải làm theo quy trình thật nghiêm túc, đó là: Củ sắn tươi mua về, cạo sạch vỏ, ngâm và rửa sạch rồi cho vào máy nghiền, nghiền kỹ. Sau đó dùng vải màn vắt lấy nước, bã được vắt 3 lần để lấy hết tinh bột dính. Nước vắt ra từ bã sắn được đưa vào bể ngâm và lóng liên tục trong vòng 7 - 8 ngày đêm. Nước để ngâm lóng tinh bột sắn nên dùng nước lấy từ khe suối trong núi ra, nước trong, sạch, sắc nên bột sắn khi vớt ra phơi trắng tinh và khi khô nó đông kết lại thành từng viên nhỏ như hạt ngô, hạt đậu đó là loai bột tốt. Bà Phạm Thị Hải - một nông dân hiện có trên 1.300 m2 đất, ngày trước trồng lạc, nay chuyển sang trồng cây sắn dây cho biết: Sắn dây là cây "làm chơi ăn thật". Đồng tình với ý kiến của bà Hải, rất nhiều người dân ở đây đều cho rằng, sắn dây là cây trồng chống chịu hạn tốt, không thấy có sâu bệnh, đất nào cũng trồng được (kể cả đất sỏi đá, cồn vệ)… đều cho năng suất khá.
Hiện tại, năng suất sắn dây củ tươi bình quân ở Nam Đàn đạt từ 20 - 22 tấn/ha, giá thu mua sắn củ tươi từ 10 - 12 ngàn đồng/kg. Tính ra, doanh thu 1 ha sắn dây đạt từ 200 - 240 triệu đồng trong thời gian 1 năm. Nếu chế biến thành tinh bột thì cứ 5 kg củ sắn tươi thu về được 1 kg tinh bột sắn khô. Giá bán hiện tại 1 kg tinh bột sắn dây khô 100 ngàn đồng (giá bán buôn) và 120 ngàn đồng (giá bán lẻ).
Như vậy, chuỗi giá trị thu được trên 1 ha sắn dây từ khi trồng đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sẽ cho doanh thu đạt từ 400 - 440 triệu đồng, trừ chi phí tất cả các khoản hết 1/3 giá trị doanh thu, vẫn còn thu lãi ròng từ 260 - 300 triệu đồng/ha.
Nhu cầu về củ sắn dây ngày nay rất lớn và dùng nhiều trong đông y (cát căn thuốc chữa bệnh), tinh bột sắn dây dùng làm nước giải khát trong mùa hè nắng nóng và là thuốc giảm sốt khi bị cảm… Vì vậy trồng cây sắn dây ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng là việc cần làm, và đất để trồng cây sắn dây có thể nói là rất nhiều: Đất đồi vệ, đất khai hoang phục hóa, đất trồng xen cây lâm nghiệp, đất trang trại, đất màu đồng cao cưỡng… nên từng bước hình thành các vùng trồng tập trung thành vùng hàng hóa lớn gắn với thu mua và chế biến thành một chuỗi giá trị khép kín để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Doãn Trí Tuệ