Sản phẩm du lịch Nghệ An - Con đường vẫn quanh quanh

11/05/2014 15:24

(Baonghean) - Nói về cảnh đẹp quê hương Nghệ An, người xưa có câu: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Xét trên phương diện một vùng đất tiềm năng du lịch, có thể coi đó là câu “slogan” hay nhất, đặc sắc nhất về xứ Nghệ. Tuy nhiên, ngày nay khi du lịch đã thực sự trở thành một nhu cầu không thể thiếu của con người và du lịch cũng đồng thời trở thành một ngành kinh tế có sự quản lý của Nhà nước thì chỉ dựa vào thế mạnh nguồn tài nguyên vẫn là chưa đủ. Ngành du lịch nói chung và du lịch Nghệ An nói riêng cần nhiều hơn thế.

Có một thực tế ai cũng phải thừa nhận, đó là Nghệ An là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch. Tuy vậy, sự hội tụ của những yếu tố tài nguyên tự nhiên dường như vẫn chưa đủ để đánh thức một trong những vùng đất giàu tiềm năng du lịch bậc nhất của cả nước. Và nhất là khi so sánh với một số địa phương, du lịch của Nghệ An khiêm tốn hơn rất nhiều.

Nước tương và bột sắn dây là những sản phẩm đặc trưng của Nam Đàn.
Nước tương và bột sắn dây là những sản phẩm đặc trưng của Nam Đàn.

Năm 2013, ngành Du lịch Nghệ An đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ở một địa phương miền Trung khác là Đà Nẵng, lượng khách du lịch đến thành phố này năm 2013 chỉ ở mức 3,1 triệu lượt, nhưng tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch là 7.784 tỷ đồng. Hay như tỉnh Lâm Đồng, lượng khách du lịch năm 2013 chỉ đạt gần 4,2 triệu lượt người, doanh thu đạt tới 7.555 tỷ đồng. Nếu căn cứ theo thống kê của ngành du lịch các tỉnh nêu trên thì đang xảy ra một thực tế là lượng khách đến Nghệ An đông hơn nhưng số tiền thu được lại thấp hơn nhiều lần. Như vậy, mức chi tiêu của khách du lịch tại Nghệ An đang khiêm tốn, vì sao vậy?

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH -TT & DL Nghệ An hoàn toàn không giấu giếm khi nói rằng, sản phẩm du lịch của tỉnh Nghệ An hiện nay quá đơn điệu. Trong khi đó, tâm lý của du khách đến mỗi vùng đất đều muốn mua một thứ gì đó. Sản phẩm du lịch xét trên phương diện vật thể là những hiện vật cụ thể như hàng hóa, quà lưu niệm thể hiện những nét đặc trưng, khái quát của con người, vùng đất với các giá trị thuộc về văn hóa, bản sắc, tín ngưỡng. Còn xét trên phương diện phi vật thể, sản phẩm du lịch được hiểu là các công trình di tích lịch sử văn hóa, các điểm đến, các giá trị, yếu tố tinh thần, gói dịch vụ du lịch mà khách hàng được thụ hưởng thông qua hoạt động khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng. Trên cả hai phương diện này, Nghệ An vẫn đang thiếu.

Nếu ai đã từng đến Thành phố Đà Nẵng, hẳn đã từng được hưởng các tour du lịch khá ấn tượng với những cái tên như Bà Nà Hill, bán đảo Sơn Trà hay thắng cảnh Ngũ Hành Sơn... Bên cạnh đó, du khách sẽ có nhiều lựa chọn để mua những món quà lưu niệm đã trở thành thương hiệu của thành phố này. Đó là những sản vật như mắm Nam Ô, bánh cuốn, bánh cua mè Bà Liễu, đá mỹ nghệ Non Nước... Điều khá đặc biệt, sản phẩm đá mỹ nghệ của Đà Nẵng chủ yếu nhập nguyên liệu từ huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. “Nhìn sản phẩm du lịch của người ta mà phát thèm” - bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Nghệ An đã từng nói như vậy trong những lần đoàn công tác của Nghệ An tiến hành hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh ở Lào, cũng như ở Lâm Đồng, hay Đà Nẵng. Nhưng xét cho hết nghĩa, thì các cơ quan quản lý nhà nước không phải là những đơn vị quyết định đến sự hình thành của sản phẩm du lịch. Nó chỉ thực sự được hình thành bởi sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu du khách của các tổ chức, doanh nghiệp hay làng nghề để đáp ứng đòi hỏi khách quan. Qua các đợt tham quan ngoại tỉnh, chúng tôi đã bắt gặp không ít du khách người Nghệ không ngần ngại bỏ ra nhiều tiền để mua sản phẩm du lịch ở xứ người. Thật đơn giản bởi vì họ thấy lạ, thấy thích và ai cũng muốn mua một hay nhiều món hàng lưu niệm để ghi nhớ những nơi mình đã từng đặt chân. Một đất nước không quá nặng về thương mại du lịch như Lào nhưng nhìn những sản phẩm du lịch vật thể của họ khiến mọi người phải thèm thuồng. Những Pha Thạt Luông, Patuxay, chùa Sisaket, Sỉ Mương hay những linh vật mang đặc sắc tôn giáo, tín ngưỡng như voi, rắn bảy đầu, chim, thú... đều được thể hiện đầy tinh xảo trên những vật dụng đời thường, gần gũi. Đó có thể là tấm chặn giấy trên bàn làm việc mang hình ảnh bàn tay Phật; là chiếc khay, đĩa bằng bạc hoặc bằng đồng in hình biểu tượng của xứ sở Chùa Tháp trang trí trong phòng khách; hay đơn giản là cái kẹp tóc hình bông hoa chăm-pa, chiếc móc chìa khóa có mặt trước mang biểu tượng nước Lào còn mặt sau là những vòng xoay chu kỳ Phật lịch...

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song quả thật trên lĩnh vực này, ngành Du lịch xứ Nghệ đang tỏ ra yếu thế. Tại diễn đàn của Hội nghị Hợp tác phát triển du lịch gắn với hàng không ở Thành phố Đà Nẵng do UBND tỉnh Nghệ An và Thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức cách đây chưa lâu, ông Hồ Quang Tuấn - Phó Giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng đã cho rằng, sở dĩ lâu nay du khách từ Đà Nẵng ít đến Nghệ An bởi vì thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn họ. Nghệ An có đủ điều kiện tiềm năng, nguồn lực để hình thành những sản phẩm du lịch vật thể và phi vật thể đặc trưng, tuy nhiên cho đến nay tất cả đều đang loay hoay. Hiện nay có khá nhiều công ty lữ hành tổ chức tour theo hành trình Cửa Lò - Vinh - Kim Liên (Nam Đàn). Đây đồng thời là 3 vùng du lịch trọng điểm của Nghệ An. Vậy nhưng ngoài việc tắm biển, ăn hải sản, tham quan khu di tích Kim Liên thì du khách chẳng có gói dịch vụ nào khác để được thụ hưởng niềm vui của kỳ nghỉ dưỡng. Cửa Lò có hải sản, cá thu; Vinh có cháo lươn; Nam Đàn có sắn dây, nước tương, nhưng đâu dễ bỏ vào túi được những thứ ấy để mang về. Ấy thế mà ở Lâm Đồng người ta đã không tiếc tiền để mua hoa khô, ô mai, atiso làm quà. Bên cạnh đó, những sản phẩm du lịch phi vật thể liên quan đến hoạt động lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, hằng năm ở Nghệ An có hàng trăm lễ hội nhưng chỉ duy nhất có Lễ hội Làng Sen là quy mô lớn cấp tỉnh, còn lại chỉ quy mô cấp huyện. Nhưng điều quan trọng là trong các lễ hội như thế không tạo được điểm nhấn cần thiết nào dành cho không gian du lịch. Điều đáng nói nữa, các công trình văn hóa đặc sắc, di sản, di chỉ gắn với hoạt động du lịch chỉ rộ lên trong thời gian diễn ra lễ hội để rồi sau đó lại rơi vào yên lặng.

Đi du lịch và được hưởng thụ các giá trị vật chất tinh thần mà chuyến đi mang lại là nhu cầu khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Và bản thân du khách họ cũng không biết họ cần gì, có gì ở những nơi họ sẽ tới. Điều này phụ thuộc vào sự nhạy bén, nắm bắt tâm lý khách hàng của nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch. Nhìn ở góc độ này, Nghệ An đang rất thiếu. Lại so sánh một chút, ví như ở Đà Nẵng phần lớn các điểm đến đều có bàn tay nhân tạo để biến thành những gói sản phẩm hoàn hảo, lý thú. Ngay như những cây cầu bắc qua sông cũng được thiết kế xây dựng với hình thức ấn tượng có điểm nhấn. Chính vì thế, khi nhắc đến Đà Nẵng người ta không chỉ nghĩ đến Bà Nà Hill hay Khu resort Intercontinental hiện đại bậc nhất châu Á mà đơn giản hơn là những chiếc cầu Rồng, cầu quay bắc qua sông Hàn. Chỉ những điều này thôi cũng đã làm cho Đà Nẵng trở thành một “thương hiệu”. Thay đổi nhận thức tư duy cho những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đó là điều cần thiết. Khi được hỏi, Nghệ An nên học kinh nghiệm gì ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ rằng: “Sự tham gia vào hoạt động du lịch của chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết, nhưng đã có chủ trương, chính sách thì phải quyết liệt thực hiện. Sản phẩm du lịch phải đa dạng, phù hợp với thị hiếu. Tuy nhiên, chúng ta đều biết nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt. Con người giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển về du lịch”.

Cách làm du lịch cũng như sản phẩm du lịch của Nghệ An vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tư duy và nhãn quan. Bên cạnh đó, sự xã hội hóa trong đầu tư cho du lịch vẫn mang tính thời vụ nên chưa tạo ra hiệu quả tương xứng. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch xứ Nghệ vẫn đang trong con đường “quanh quanh”.

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Mới nhất

x
Sản phẩm du lịch Nghệ An - Con đường vẫn quanh quanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO