Sản phẩm được mùa - rớt giá
(Baonghean) - Chiến lược phát triển nông nghiệp với việc đầu tư các giống cây, con phù hợp với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng đã và đang được huyện Kỳ Sơn đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Theo đó, người nông dân ở huyện miền núi này đã sản xuất được một khối lượng khá lớn các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán khó đối với người sản xuất, nhà quản lý...
(Baonghean) - Chiến lược phát triển nông nghiệp với việc đầu tư các giống cây, con phù hợp với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng đã và đang được huyện Kỳ Sơn đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Theo đó, người nông dân ở huyện miền núi này đã sản xuất được một khối lượng khá lớn các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán khó đối với người sản xuất, nhà quản lý...
Kỳ Sơn là huyện miền núi có 80% diện tích là đất đồi dốc, điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, mùa đông giá lạnh rất khó khăn trong việc quy hoạch sản xuất và lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, nhưng được sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, thời gian qua, Kỳ Sơn đã phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế. Hàng năm, huyện sản xuất được trên 65 nghìn tấn nông sản các loại.
Tùy thuộc vào đặc điểm của từng tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, các giống cây trồng đã được lựa chọn và nhân rộng quy mô sản xuất. Xã Mường Lống phát triển cây mận tam hoa, xã Na Ngoi chủ yếu trồng gừng, dong riềng, xã Huồi Tụ trồng chè tuyết shan, Hữu Lập, Hữu Kiệm sản xuất ngô 2 vụ... Tại xã Na Ngoi, nếu như niên vụ 2010 - 2011 toàn xã trồng được 300 ha gừng thì đến niên vụ 2011 - 2012, tổng diện diện tích gừng đã tăng lên 700 ha. Với thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/ha gừng cuộc sống của nhiều gia đình ở nơi đây đã có sự thay đổi.
Thấy được hiệu quả của dự án trồng gừng, các hộ dân trên địa bàn nỗ lực sản xuất đồng loạt với quy mô vừa và lớn. Ước tính tổng sản lượng gừng thu hoạch được trong năm 2012 tại Kỳ Sơn tăng lên đến 4.000 tấn. Tuy nhiên, một điều mà người dân chưa kịp tính đến đã xảy ra: giá gừng đột ngột giảm từ 20.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg, tức là chỉ còn bằng 1/5 so với niên vụ trước. Giá xuống, nhiều hộ dân đã tìm mọi cách để nâng giá gừng với hy vọng thu được lợi nhuận lớn hơn, trong đó có cả cách găm hàng, không thu hoạch.
"Được mùa - rớt giá" - bài học nhãn tiền trong sản xuất một phần do người dân thấy lợi trước mắt đã ồ ạt sản xuất, trong khi chính quyền và các ban ngành liên quan lại không vào cuộc chỉ đạo sát sao, thậm chí thấy dân trồng nhiều thì ủng hộ, không kịp tính đến hậu quả tất yếu của quy luật cung - cầu nên cuối cùng đối tượng chịu thiệt hại chính là người trồng gừng.
Thực tế, câu chuyện này không chỉ diễn ra với cây gừng ở xã Na Ngoi mà cây mận tam hoa ở Mường Lống, sắn cao sản ở một số xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng "đồng cảnh ngộ". Mận tam hoa ở Mường Lống được trồng từ năm 2005, dưới sự hỗ trợ của Dự án UNICEF. Đây là giống cây được đưa vào trồng để thay thế cây thuốc phiện. Mường Lống là địa bàn có khí hậu rất phù hợp với loại cây này nên cho hiệu quả cao.
Khi dự án mới được triển khai, nông dân được hỗ trợ nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, cam kết trợ giá sản phẩm sau khi thu hoạch nên đông đảo các hộ dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Mường Lống có gần 200 ha mận tam hoa, hàng năm cho thu hoạch gần 1.500 tấn quả. Vào vụ thu hoạch đầu mùa, thương lái đến tận vườn mận thu mua với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm chính vụ, giá mận giảm xuống còn 1.000 đồng/kg. Giá giảm mạnh mà cũng không dễ tiêu thụ, nhiều hộ dân chỉ biết nhìn quả rơi rụng, thối rữa bên gốc cây.
Cứ hễ giống cây nào được người dân sản xuất ồ ạt, trồng hàng loạt thì lại bị tư thương ép giá. Đây chính là hậu quả tất yếu của việc sản xuất thiếu quy hoạch, thiếu liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Giá giảm, sản xuất không hiệu quả người dân sẽ không còn mặn mà với các chương trình, dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây, con. Ông Lỳ Pà Chò - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn cho biết: Chủ trương xóa cây thuốc phiện đưa cây mận tam hoa vào trồng được Đảng và Nhà nước có hỗ trợ giá cho người dân. Nhưng từ năm 2008 đến nay thì không trợ giá nữa. Chúng tôi cũng không biết làm thế nào để vận động người dân...
Tuy nhiên, cũng trên đất Kỳ Sơn, một số đơn vị bên cạnh việc đưa cây, con đã làm tốt đầu ra sản phẩm. Đoàn kinh tế quốc phòng Quân khu 4 đứng chân trên địa bàn xã Na Ngoi là một ví dụ. Trong 10 năm xây dựng, Đoàn 4 triển khai nhiều mô hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế có hiểu quả, giúp người dân tại 4 xã biên giới Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ... ổn canh ổn cư.
Trong đó, phát triển cây dong riềng và xây dựng nhà chế biến, bao tiêu sản phẩm là một điểm nhấn trong đề án về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện miền núi Kỳ Sơn. Năm 2011, Đoàn 4 đã vận động người dân mở rộng diện tích trồng dong riềng từ 30 ha lên 80 ha, thu mua và chế biến được 185 tấn dong riềng cho người dân. Giá dong riềng gần như ở mức ổn định là 3 - 4 nghìn đồng/kg.
Kỳ Sơn hiện đã có nhiều sản phẩm có thương hiệu. Thế nhưng, bên cạnh đưa các dự án về với người dân thì chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành cần phải có những chính sách quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, kêu gọi, liên kết với các đầu mối tiêu thụ để sản xuất canh tác theo đơn đặt hàng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đối với mặt hàng nông sản. Như vậy mới hạn chế việc dìm giá, chèn ép giá đối với người sản xuất, nông dân mới hết cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như hiện nay.
Hồng Thoa- Xuân Bì