Sẵn sàng cho Lễ hội Hang Bua

Thu Hương 28/02/2024 10:43

(Baonghean.vn) - Hang Bua là thắng cảnh tự nhiên nằm trong dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách thành phố Vinh 170km về phía Tây Bắc. Lễ hội Hang Bua là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào các dân tộc của huyện nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung.

bna-qc1-9850.jpg
Quang cảnh xã Châu Tiến (Quỳ Châu) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đình Tuyên

Tạo điểm nhấn

Năm nay, Lễ hội Hang Bua sẽ được tổ chức từ ngày 29/2-2/3/2024 (tức ngày 20/2/2024 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Phần lễ được tổ chức tại đền Chiêng Ngam và phần hội tổ chức tại Hang Bua, thuộc bản Bua, xã Châu Tiến.

Để triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của UBND huyện Quỳ Châu, xã Châu Tiến đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo tốt các yêu cầu đề ra. Ông Sầm Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: “Đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản đã hoàn tất. Xã huy động Đoàn thanh niên dọn dẹp, phát quang khu vực diễn ra lễ hội. Trên các trục đường chính của xã đã được treo băng rôn khẩu hiệu đón chào bạn bè và du khách gần xa. Ngoài ra, xã thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho các nội dung của lễ hội như làm hội trại, tập văn nghệ, luyện tập thể thao; phối hợp với Công an huyện lên kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, bố trí điểm trông gửi xe cho du khách trong suốt mùa lễ hội…”.

bna-qc2-3511.jpg
Đến với Lễ hội Hang Bua ở huyện Quỳ Châu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Thái. Ảnh: Thu Hương

Từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện Quỳ Châu đã tổ chức treo pano, áp phích, băng rôn, cờ, trang trí tiểu cảnh, thảm hoa, cây cảnh... Đặc biệt năm nay, Lễ hội Hang Bua sẽ có nhiều nét đổi mới để tạo nên một không khí lễ hội vui tươi, ấn tượng trong lòng du khách gần xa.

Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết: “Năm nay huyện triển khai chỉnh trang cảnh quan trong Hang Bua và đền Chiêng Ngam. Trong hang đã được đầu tư thêm hệ thống đèn điện và bóng màu nhiều hơn các năm trước; bên ngoài hang ở dọc lối đi lại trồng nhiều loại hoa đa dạng sắc màu; đồng thời tạo các điểm check-in để du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại lễ hội.

Cùng với đó, huyện tổ chức thêm một số hoạt động trải nghiệm và nhiều trò chơi dân gian để người dân, du khách cùng tham gia; đầu tư chất lượng các tiết mục văn nghệ trong đêm khai mạc lễ hội. Ngoài ra, huyện tập trung khai thác các giá trị bản sắc văn hóa gắn với du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, để du khách đến tham gia lễ hội vừa được trải nghiệm, trên cơ sở tiếp tục xây dựng và hình thành các tour tuyến du lịch hấp dẫn trên địa bàn huyện…”.

Năm nay, huyện Quỳ Châu cũng chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa lễ hội, kêu gọi sự tham gia đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh công tác chuẩn bị nội dung các chương trình, ban tổ chức cũng chú trọng đến công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo cho người dân yên tâm khi tham gia lễ hội.

Đậm nét văn hóa lễ hội

Hang Bua là một trong những di chỉ khảo cổ học của tỉnh Nghệ An; gồm 2 cửa là hang Lớn (Thẩm Ôm) nằm ở phía Bắc và hang Bé (Thằm Nội) nằm ở phía Đông Nam. Trước mặt hang là một thung lũng rộng đầy cây cối xanh tươi và bản làng sầm uất. Ngay trước cửa hang lớn có hai tảng đá giống hình hai con ếch đang nằm. Trong lòng hang rộng có nhiều măng đá, nhũ đá với các hình thù sống động...

Theo tích xưa, Hang Bua còn gắn liền với mối tình chung thủy giữa nàng Ni xinh đẹp, hát hay và chàng Ban hiền lành, chân thật. Chính vì vậy, mỗi dịp Xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào trong hang để tâm tình và cầu mong những điều tốt đẹp cho hạnh phúc lứa đôi...

bna-qc31-6869.jpg
Trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Đình Tuyên

Lễ hội Hang Bua được bắt đầu bằng những nghi lễ mang đậm nét văn hóa tâm linh của người thái gồm lễ yết tế, lễ đại tế cáo yết thần linh và những người có công dựng bản, lập mường được tổ chức và hành lễ rất trang nghiêm do vị Mo cả chủ trì với đầy đủ các phẩm vật tế lễ truyền thống ngay tại đền Chiêng Ngam (đền Tạ Bọ) trên ngọn núi cao trong khu vực lễ hội.

Ngoài các trò chơi như ném còn, nhảy sạp, khắc luống, cồng chiêng, hát nhuôn, xuối, giao duyên, thi người đẹp vùng sơn cước… thì những cuộc thi như thi kể chuyện dân gian Thái, thi quay tơ - thêu dệt, trình diễn nghi lễ Xăng Khan, kỹ thuật chế biến rượu cần, thi viết chữ Thái, quấn hương trầm... thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.

bna-qc4-1770.jpg
Cùng trải nghiệm điểm du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: Thu Hương

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳ Châu, cho biết: “Lễ hội Hang Bua được tổ chức theo phong tục của đồng bào Thái, luôn đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn tiết kiệm. Huyện huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Năm nay lễ hội sẽ có nhiều nét đổi mới từ nội dung đến hình thức nên hứa hẹn sẽ vô cùng đặc sắc. Huyện phấn đấu năm 2024 sẽ có khoảng gần 20.000 lượt du khách về với lễ hội Hang Bua và các điểm du lịch khác trên địa bàn”.

Đến với Lễ hội Hang Bua, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng cùng đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu mà còn được tham quan các di tích, danh thắng của huyện Quỳ Châu như Mộ - Bia - Cây táo Đốc binh Lang Văn Thiết, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu, cụm hang Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, thác Đũa, làng Thái cổ, làng nghề dệt thổ cẩm - du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến…

Hy vọng rằng, với công tác chuẩn bị chu đáo của huyện Quỳ Châu, Lễ hội Hang Bua Xuân Giáp Thìn sẽ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung./.

Mới nhất
x
Sẵn sàng cho Lễ hội Hang Bua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO