Sẵn sàng cho vụ tôm thắng lợi

21/03/2015 15:54

(Baonghean) - Người nuôi tôm vùng ven biển đang chuẩn bị mọi điều kiện bắt đầu cho một vụ nuôi mới. Năm nay, thời tiết nắng ấm thuận lợi cho việc phơi khô, xử lý ao đầm. Đến thời điểm này, ở nhiều vùng, các công đoạn cho nuôi tôm vụ mới cơ bản đã hoàn tất.

Toàn xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) có 75 ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 5 ha nuôi tôm sú quảng canh với 129 hộ nuôi. Trong đó, có gần 30 ha mới được đầu tư hệ thống kênh mương cấp thoát nước riêng biệt giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Từ năm 2012, xã đã thành lập 3 tổ cộng đồng nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGap với 40 ha được xây dựng đảm bảo về cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương cấp thoát nước riêng biệt, không xả thải ra môi trường. Nhờ được đầu tư, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất luôn cao hơn vùng nuôi đại trà khác từ 20 - 30%.

Ông Hồ Xuân Xuyên - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây trên địa bàn xã chủ yếu nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh và quảng canh, từ năm 2011 đến nay, cùng việc mở rộng thêm diện tích, bà con đồng loạt chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Do nhiều diện tích mới chuyển sang nuôi tôm nên mức độ ô nhiễm môi trường còn thấp, thuận lợi cho thâm canh.

Bên cạnh đó, Quỳnh Thanh cũng có những thuận lợi như: Vùng nuôi tôm tập trung, dễ quản lý, nằm sát với các con sông, rất thuận lợi về nguồn nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng bộ, hiện xã đang xây dựng vùng nuôi tôm theo chuẩn VietGap nhưng một số tiêu chí chưa đạt. Cũng do vấn đề quy hoạch chưa đồng bộ, cộng thêm ý thức người dân chưa cao và tất cả đều lấy nước từ sông Mai Giang nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là khá lớn. Những năm qua, thời tiết diễn biến khó lường cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thâm canh của người dân. Từ 15/1 dương lịch, người dân đã bắt đầu tập trung tháo nước, phơi đầm, rửa đáy hồ và tu bổ lại hệ thống bờ bao để chuẩn bị cho vụ tôm đầu tiên trong năm. Cách đây hơn một tuần, từ chương trình VietGap, bà con đã được tập huấn kỹ thuật từ khâu xử lý, chăm sóc đến thu hoạch.

Chuẩn bị ao đầm nuôi tôm vụ mới ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu).
Chuẩn bị ao đầm nuôi tôm vụ mới ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu).

Huyện Quỳnh Lưu có 460 ha nuôi tôm, trong vụ 1 này bà con thả 100% diện tích. Từ sau Tết Nguyên đán, người dân đã tiến hành tháo nước phơi khô ao đầm để tiến hành xử lý, chuẩn bị cho thả tôm. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, ông Nguyễn Xuân Dinh cho biết: Trong 460 ha nuôi tôm thì có tới 440 ha nuôi thâm canh theo hình thức nuôi công nghiệp, năng suất những năm vừa qua đạt bình quân 4 tấn/ha, có những diện tích thâm canh được đầu tư chăm sóc tốt có thể lên tới 15 - 17 tấn, thậm chí 20 tấn/ha. Vì thế bà con rất chú trọng nguồn giống và xử lý ao đầm chuẩn bị nuôi. Ở Quỳnh Lưu hiện có 9 cơ sở ương gieo giống, theo dự kiến sẽ đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn giống trên địa bàn. Song song với việc chỉ đạo người dân chuẩn bị tốt các điều kiện để thả tôm, huyện còn phối hợp với cá cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo cho người dân có được nguồn giống tốt nhất.

Từ hơn 10 năm nay, xã Diễn Trung (Diễn Châu) nổi tiếng là vùng nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả cao của huyện Diễn Châu. Nếu trước năm 2002 toàn xã chỉ có 22 ha tôm thì hiện đã có 42 ha tôm nuôi thâm canh theo hình thức công nghiệp, với 40 hộ nuôi, trong đó có những hộ giàu lên rõ rệt từ tôm như hộ ông Ngô Xuân Đại (xóm 4), Hồ Văn Sáu (xóm 13)… với diện tích 4 ha/hộ, hộ ít cũng 1 ha/hộ. Theo ông Đậu Ngọc Hòa, Trưởng ban khuyến nông xã, thì ngoài diện tích đã có, Diễn Trung vẫn còn khả năng mở rộng thêm khoảng 80 ha chuyển đổi từ những diện tích đất trồng màu, lạc không hiệu quả. Ở Diễn Trung, hầu hết các hộ dân đều nuôi thêm tôm vụ 3 trong thời gian 3 tháng cuối năm, sản phẩm thu hoạch bán dịp trước Tết Nguyên đán nên được giá, hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, hầu hết các hộ nuôi đều đã hoàn thành xử lý ao đầm, chuẩn bị thả tôm đúng lịch thời vụ của huyện.

Nuôi tôm thâm canh từ 4 năm nay, nhưng anh Nguyễn Viết Bình (xóm 5) cũng là một trong những hộ dân giàu lên nhanh chóng. Hiện tại ở Diễn Trung, gia đình anh có 2 hồ nuôi rộng 5.000m2, ở Nghi Yên (Nghi Lộc) có 3 hồ rộng 7.000m2. Anh cho biết: Nuôi tôm phức tạp, đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ, nhưng nhờ thường xuyên được tham dự các cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên trừ năm đầu tiên bị mất, lỗ gần 200 triệu đồng, còn lại mấy năm sau anh đều thu lãi lớn từ tôm, như năm 2013, từ một ao rộng 3.400m2 anh thu về trên 1,2 tỷ đồng lãi ròng. Năm ngoái, gia đình anh không thả tôm vụ 3, tôm vụ 2 được thu hoạch từ tháng 10 dương lịch, anh để đầm mấy tháng, xả nước, phơi đầm. Theo anh, như vậy sẽ tốt hơn cho nuôi tôm vì hồ có thời gian “rảnh” để phân hủy các chất hữu cơ, tạo điều kiện tốt hơn cho vụ nuôi sau. Từ hơn một tuần nay, anh đã tập trung rửa ao đầm, bơm nước từ sông Cái vào quạt hai ngày để diệt ốc và rong rêu, xử lý nức bằng chế phẩm clorin, chuẩn bị gây màu rồi thả tôm sau tiết thanh minh 17/2 âm lịch. 80 vạn con giống anh đã đặt hàng từ Công ty CP để thả nuôi trong vụ đầu năm 2015.

Hồ nuôi tôm tại Diễn Châu của Công ty cổ phần Intimex.
Kiểm tra đầm nuôi tôm - Ảnh minh họa

Vụ tôm 1 năm nay, toàn tỉnh dự kiến thả 1.350 ha tôm, trong đó chủ yếu là Hoàng Mai và Quỳnh Lưu với diện tích gần 1.000 ha, còn lại ở các huyện Diễn Châu và Nghi Lộc. Theo lịch thả giống của Sở NN & PTNT, tôm bắt đầu được thả từ 15/3, tuy nhiên do vẫn đang là thời điểm tháng Giêng âm lịch nên hiện tại, bà con đang tập trung xử lý ao đầm, hầu hết ở các địa phương đều thả tôm vào đầu tháng 4 trở đi. Đến thời điểm này, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn đều đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để cung ứng đủ nguồn giống cho bà con. Như Công ty Hải Tuấn đã nhập về 250 cặp tôm bố mẹ, cho đẻ và ương 20 ngày sau sẽ có tôm giống xuất. Công ty Việt Úc đã đưa vào hoàn thiện 2 trại ương gieo để kịp phục vụ trong đợt thả tôm vụ 1, kế hoạch sẽ cung cấp cho thị trường Nghệ An khoảng 400 triệu con tôm giống, Công ty CP 300 triệu con, Công ty Nam miền Trung 200 triệu con... Căn cứ vào nguồn cung, khả năng nguồn giống sẽ đảm bảo đủ cung ứng trên địa bàn với nhu cầu trong vụ này khoảng 1 - 1,1 tỷ con giống.

Hiện tại, ở tất cả các địa phương, người nuôi tôm cơ bản hoàn thành việc xử lý ao đầm để thả tôm. Theo ông Trần Xuân Học - Chi cục trưởng Chi cục Nguồn lợi thủy sản, xử lý ao đầm nuôi là khâu chuẩn bị có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình nuôi tôm sau này. Nếu đảm bảo được cả giống tốt, sẽ quyết định được 70% thắng lợi của vụ nuôi. Việc xử lý ao đầm tốt sẽ giúp tiêu diệt mầm bệnh của những vụ nuôi trước, tạo môi trường thuận lợi về thức ăn và môi trường sống để tôm phát triển. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2014 và đầu vụ nuôi, Chi cục đã có công văn chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn, đôn đốc bà con làm tốt khâu xử lý ao đầm. Trong đó yêu cầu các vùng nuôi phải có thời gian phơi ao đầm ít nhất một tháng để diệt mầm bệnh cũng như cải tạo đất. Song song, chi cục cũng tập trung làm quan trắc môi trường, thông báo kết quả đến từng hộ nuôi để người dân biết con nước nào tốt, xấu để chủ động lấy nước.

Đặc biệt, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, người dân không nên thả tôm với mật độ quá dày. Ông Trần Xuân Học khuyến cáo: “Có những hộ nuôi thả tôm với mật độ 120, thậm chí 150 con/m2, với tư tưởng để tôm nếu bị chết bớt là vừa. Tuy nhiên, hiện nay nguồn giống rất đảm bảo, nhiều lô tôm giống có tỷ lệ sống lên đến 100%, thậm chí bên bán thường khuyến mại thêm. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, với mức độ và khả năng đầu tư có hạn của người dân, chúng tôi khuyến cáo chỉ nên thả ở mật độ 80 con/m2. Vì nếu thả dày, ngoài việc tốn thêm rất nhiều chi phí nhưng tôm chậm lớn, chất lượng kém, bán không được giá, mà còn dễ nảy sinh nhiều vấn đề như khó quản lý, dễ phát sinh dịch bệnh…”.

Phú Hương

Mới nhất
x
Sẵn sàng cho vụ tôm thắng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO