Sản xuất hè thu 2012: Nói không với gieo thẳng

19/04/2012 16:02

(Baonghean) - Dự báo vụ hè thu năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp, và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, yêu cầu đặt ra đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho các loại cây trồng.

Là vùng trọng điểm sản xuất lúa, nên các phương án chuẩn bị cho sản xuất hè thu - mùa năm nay được Yên Thành chuẩn bị từ rất sớm. Vụ xuân 2012, Yên Thành có gần 400 ha lúa xuân sớm, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 5 năỳ, riêng diện tích trổ từ mùng 1 - 10/5 thì khoảng 10/6 mới có thể gặt. Lúa vụ xuân năm này cho thu hoạch muộn hơn bình thường 10 - 15 ngày, bởi vậy, vấn đề chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ cũng như sử dụng các giống ngắn ngày càng được đặc biệt chú trọng. Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vụ hè thu - mùa năm nay Yên Thành gieo cấy 12.900 ha lúa, trong đó có khoảng 200 ha lúa mùa ở các xã vùng cao, vùng hóc chọ, nguồn nước không đảm bảo. Huyện tập trung chỉ đạo các xã chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ, chủ động bắc mạ tập trung sau khi lúa xuân trổ 10 - 15 ngày, gặt đến đâu làm đất gieo cấy hè thu ngay đến đó. Với các xã vùng rốn lụt như Nhân Thành, Long Thành, Vĩnh Thành... huyện chủ trương cơ cấu các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày. Vùng trên như Quang Thành, Kim Thành, Tây Thành... thường bị hạn, sẽ cơ cấu trồng lúa vụ mùa hoặc chuyển sang các loại cây màu.



Gặt lúa non bắc mạ tập trung vụ hè thu 2011 tại xã Khánh Sơn - Nam Đàn.

Năm nay, lúa vụ xuân có thể thu hoạch kéo dài đến 15/6 mới kết thúc, nhất là ở các vùng gieo sạ gặp rét, lúa đầu vụ sinh trưởng kém. Đặc biệt, theo dự báo, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, khả năng hạn hán là rất cao. Từ đó, ngành Nông nghiệp xác định: Thời vụ ra mạ, giống cũng như các các biện pháp kỹ thuật đều phải hợp lý, cụ thể đến từng vùng nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Tăng cường đầu tư thâm canh toàn diện, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Với mục tiêu đạt trên 430 nghìn tấn lương thực, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 97 nghìn ha lúa (trong đó lúa lai 20 nghìn ha).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Nguyễn Văn Lập cho biết: Với điều kiện thời tiết phức tạp, trong sản xuất hè thu, vấn đề an toàn cho cây trồng luôn là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Và để đạt được điều đó, phải phối hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: Thời vụ, giống và gieo mạ. Theo đó, sẽ căn cứ vào tình hình thu hoạch lúa xuân để bố trí cơ cấu giống phù hợp, ưu tiên các loại giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, tiếp tục sử dụng các giống đã có năng suất cao, ổn định trong những vụ trước, mở rộng nhanh diện tích các giống lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, phải gieo cấy càng sớm càng tốt, xem xét thời điểm thu hoạch lúa xuân và khả năng phân phối nước để chọn thời điểm ra mạ chính xác (trước khi thu hoạch lúa vụ xuân 10 - 15 ngày). Để đảm bảo được yêu cầu này, định hướng sử dụng giống và bố trí thời vụ được xác định cho từng vùng cụ thể, đặc biệt, những vùng thấp trũng và yêu cầu phải thu hoạch trước 30/8 yêu cầu rất khẩn trương về thời vụ, phải ra mạ trước khi gặt lúa xuân 10 - 12 ngày và làm đất cấy ngay sau khi gặt. Tuyệt đối không gieo thẳng và sử dụng các giống càng ngắn ngày càng tốt như PAC 807, Q.Ưu 6, Việt lai 24, nếp 352, nếp 87...

Bên cạnh đó, vụ hè thu - mùa năm nay dự báo sâu bệnh hại cây trồng sẽ phát sinh phức tạp. Ngoài các đối tượng thông thường như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá... thì sự hiện diện của hai đối tượng lùn sọc đen và nhện gié đang là nguy cơ lớn cho cây lúa. Bởi vậy, các địa phương và các ngành liên quan cần thường xuyên điều tra, phát hiện và phòng trừ tất cả các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời và chính xác. Ngay từ bây giờ cho đến khi tất cả các trà lúa hè thu - mùa kết thúc đẻ nhánh, phải tăng cường phòng trừ ở các ổ rầy trên lúa và ngô xuân có mật độ rầy đến ngưỡng phòng trừ. Đồng thời, các địa phương phải rà soát, đánh giá lại các giống nhiễm nặng sâu bệnh để loại bỏ, sử dụng các giống kháng sâu bệnh, làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng. Cùng việc phòng trừ rầy, cần làm tốt công tác trừ diệt nguồn bệnh, tiêu hủy kịp thời những diện tích nhiễm bệnh.

Nước cho sản xuất cũng là vấn đề hết sức nan giải trong vụ hè thu - mùa. Với mục tiêu phấn đấu 55.000 ha lúa được tưới trong vụ hè thu năm nay, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, các địa phương cần làm tốt công tác phòng chống hạn, tiết kiệm nước ngay từ bây giờ để dành nước cho sản xuất hè thu. Khi lập phương án sản xuất, phải thực hiện theo tinh thần đảm bảo đủ nước cho gieo cấy và chăm sóc, với những vùng khó khăn không đủ nước tưới suốt vụ phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn. Đồng thời, tiến hành các biện pháp cần thiết như tu sửa, nạo vét kênh mương, không tháo cạn nước khi thu hoạch lúa xuân, rà soát lại các phương tiện, điều kiện chống hạn...

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo: Với các đặc điểm đặc thù về thời tiết cũng như nguồn nước, nhất thiết không được dùng hình thức gieo thẳng mà phải bắc mạ tập trung để cấy, nhất là những vùng hè thu chạy lụt. Các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn hình thức gieo mạ, nếu không có quỹ đất thì hỗ trợ nông dân cắt lúa non thành vùng tập trung để gieo mạ, cấy mạ đúng tuổi, kiên quyết không sử dụng mạ già trên 3 lá đối với các giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn - dưới 100 ngày. Thực hiện nghiêm túc, triệt để việc xử lý hạt giống trước khi gieo mạ, phun trừ rầy xâm nhập nương mạ và phun thuốc phòng trừ rầy tiễn mạ trước khi cấy 2 -3 ngày theo hướng dẫn của cơ quan BVTV.


Phú Hương

Mới nhất
x
Sản xuất hè thu 2012: Nói không với gieo thẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO