Sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung
(Baonghean) - Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp đã có những bước đi phù hợp, bền vững, đạt và vượt những chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Đa dạng sản phẩm
Năm 2014, lần đầu tiên Nghệ An đạt sản lượng lương thực có hạt ở mức trên 1,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, trong đó năng suất lúa vụ xuân đạt mức trên 66 tạ/ha, diện tích lúa chất lượng cao được mở rộng trên 25 nghìn ha. Là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thâm canh cây lúa, vụ xuân năm 2014 Yên Thành đạt năng suất bình quân trên 72 tạ/ha. Ông Nguyễn Vương Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Với khoảng 13 nghìn ha sản xuất lúa mỗi vụ, hàng năm sản lượng lương thực của Yên Thành lên đến hàng trăm nghìn tấn; trong đó, chú trọng đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Vụ xuân năm 2015, toàn huyện có 2.000 ha lúa chất lượng cao như AC5, VTNA2, BC15, các giống lúa thơm… Nhiều địa phương như Phúc Thành, Hoa Thành, Liên Thành… liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao đem lại thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
![]() |
Nông dân xã Hưng Long (Hưng Nguyên) ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp Ảnh: Phú Hương |
Theo số liệu của Cục Thống kê, những năm qua giá trị sản xuất ngành trồng trọt của Nghệ An tăng bình quân 3%/năm, ước thực hiện cả giai đoạn 2011-2015 đạt 3,3%. Đến năm 2015, sản lượng lương thực cây có hạt đạt 1.204 ngàn tấn/KH 1.000 ngàn tấn, tăng 20% so với kế hoạch, trong đó diện tích gieo trồng lúa đạt 184 ngàn ha, năng suất lúa bình quân đạt 52.8 tạ/ha; sản lượng đạt 971 ngàn tấn; diện tích ngô đạt 56 ngàn ha, sản lượng đạt 233 ngàn tấn. Theo ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, để đạt được những thành công đó, ngành đã có những bước đi, định hướng đúng đắn. Các giống mới, tiến bộ KHKT được áp dụng, sản xuất đi theo hướng vừa nâng cao năng suất, vừa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo tính cạnh tranh và mang lại giá trị cao cho nông sản Nghệ An.
Nhiệm kỳ qua, ngành trồng trọt còn ghi dấu ấn với những vùng cây nguyên liệu được định hình và phát triển khá vững chắc và mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có 4 ngàn ha sắn nguyên liệu, năng suất đạt khoảng 400 tạ/ha và sản lượng đạt khoảng 160 ngàn tấn, đạt chỉ tiêu kế hoạch, đáp ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương và Yên Thành. Do một phần diện tích vùng lạc trọng điểm nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam nên đã chuyển một số diện tích lạc sang đất phi nông nghiệp, đến năm 2015 diện tích lạc đạt khoảng 20 ngàn ha/KH 25 ngàn ha, năng suất đạt khoảng 23 tạ/ha, với sản lượng khoảng 46 ngàn tấn; diện tích mía nguyên liệu đạt khoảng 30 ngàn ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 28,6 ngàn ha, đạt chỉ tiêu kế hoạch, với sản lượng mía khoảng 2 triệu tấn, đáp ứng đủ công suất của 3 nhà máy chế biến đường trên địa bàn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 8 ngàn ha chè nguyên liệu/KH 12 ngàn ha. Nhờ được đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích chè giống mới nên năng suất chè đạt khoảng 120 tạ chè búp tươi/ha, sản lượng chè ước đạt 75 ngàn tấn, đạt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, chủ yếu các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, chè đặc sản ở huyện Kỳ Sơn.
Tính đến tháng 12/2014, tổng diện tích cao su toàn tỉnh là 11.200 ha, sản lượng đạt 6.242 tấn mủ khô, đạt trên 76% so với mục tiêu đến năm 2015. Ngoài ra, đã hình thành những vùng cây ăn quả rộng lớn, giá trị kinh tế cao. Đến năm 2015 diện tích cam, quýt đạt khoảng 3 ngàn ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất đạt khoảng 150 tạ/ha, đặc biệt diện tích và năng suất của cam Valencia không ngừng được nâng lên với khoảng 600ha, có những diện tích đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha. Từ năm 2012, Nghệ An phát triển mạnh cây chanh leo, đến nay có khoảng 200 ha, cho năng suất và hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích, nhất là ở huyện Quế Phong. Diện tích dứa nguyên liệu hiện đạt khoảng 1,5 ngàn ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 1,3 ngàn ha với năng suất khoảng 28 tấn/ha, với sản lượng trên 36 ngàn tấn. Diện tích cây rau màu, thực phẩm không ngừng được mở rộng. Diện tích rau màu vụ đông tăng nhanh. Nhiều loại rau cao cấp đã được đưa vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập cho nông dân.
Cùng với đó, các cơ sở chế biến nông lâm thuỷ sản phát triển khá mạnh, giải quyết đầu ra cho nông sản. Toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp chế biến lúa gạo là Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An với nhà máy có công suất 10 tấn/giờ và Công ty TNHH Vĩnh Hòa với công suất 1 tấn/giờ cùng hàng trăm cơ sở xay xát lúa gạo nhỏ lẻ của các hộ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có 2 nhà máy chế biến ngô làm thức ăn gia súc là Nhà máy thức ăn gia súc Con Heo Vàng công suất 20 ngàn tấn/năm và Nhà máy Goldenstar công suất 40 ngàn tấn/năm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 87 cơ sở chế biến chè với tổng công suất thiết kế 878 tấn/ngày, với nhu cầu nguyên liệu chế biến là 200 ngàn tấn/năm; 8 doanh nghiệp nhỏ và vừa chế biến mủ cao su với tổng công suất 96 tấn/ngày, sản phẩm mủ cốm và mủ tờ sản lượng năm 2013 đạt 4.650 tấn. Hiện Nghệ An còn có 3 doanh nghiệp chế biến cà phê, tổng công suất 300 tấn/ngày, sử dụng công nghệ chế biến ướt; có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 800 tấn củ tươi/ngày tại huyện Thanh Chương và Yên Thành, với sản lượng tinh bột sắn 40-50 ngàn tấn/năm. Đến năm 2015, Nghệ An có 3 nhà máy đường với tổng công suất ép đạt 15.000 tấn/ngày.
Trong những thành công của ngành trồng trọt nhiệm kỳ qua, một vấn đề vừa được coi là nguyên nhân, vừa được coi là thành tựu, đó là tạo mối liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp như Tổng công ty cổ phần VTNN Nghệ An, Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa, Công ty CP thực phẩm sữa TH, Vinamilk, Trung tâm Giống cây trồng… đã tích cực mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trong cả sản xuất giống cây, con, lúa chất lượng cao với trên 25 nghìn ha, sản xuất thức ăn chăn nuôi bò sữa. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang cơ cấu kinh tế đa dạng; tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn và giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống khi đất đai và điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
Đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất
Nhiệm kỳ qua, ngành đã cùng các địa phương hướng dẫn đẩy mạnh ứng dụng KHKT, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh ATTP. Tập trung thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào Khu nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ: Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty CP thực phẩm sữa TH, Vinamilk; dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại Nghĩa Đàn. Hoàn thành các quy hoạch ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, lạc, chè và mía.
Ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Ngành đã xây dựng các mô hình hiệu quả trong trồng trọt như: Thâm canh lúa cải tiến RI ở Nghi Lộc, Quỳ Hợp, năng suất vượt từ 15- 20%; các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, thu nhập tăng thêm từ mô hình vượt từ 20- 62%, cho thu nhập từ 50 - 11 triệu đồng/ha/vụ. Có những mô hình đạt kết quả cao như mô hình trồng dưa chuột tại xã Xuân Lâm (Nam Đàn) cho năng suất 20 tấn/ha, lãi 110 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn sản xuất bình thường 62%, mô hình trồng bí xanh và cà chua tại xã Thuận Sơn (Đô Lương) có năng suất đạt 56 tấn/ha bí xanh, 41 tấn/ha cà chua…
Ngoài ra là các mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với xây dựng cánh đồng thu nhập cao. Tại Yên Thành, cà xanh cho năng suất 25,5 tấn/ha, mức lãi trên 55 triệu đồng/ha/vụ; tại Anh Sơn bí xanh cho năng suất 65 tấn/ha, lãi 110 triệu đồng/vụ, tăng hơn cây trồng cũ 50%... Đó được coi là cơ sở, tiền đề quan trọng để các địa phương nhân rộng, tạo khối lượng sản phẩm nông sản hàng hoá chất lượng cao, tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Khởi sắc chăn nuôi
Năm 2011, năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Chi phí thức ăn, thú y cao làm tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi; thời tiết diễn biến thất thường; dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố; tình trạng nhập khẩu thực phẩm giá rẻ, nhập lậu gia súc, gia cầm sống qua biên giới; sức mua trong nước giảm sút... gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, người chăn nuôi bị thua lỗ. Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, ngành chăn nuôi Nghệ An đang dần chuyển dịch theo hướng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi bò sữa công nghiệp và bán công nghiệp, chăn nuôi một số con đặc sản phát triển.
![]() |
Thu hoạch, sơ chế thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Thực phẩm Sữa TH (Nghĩa Đàn) Ảnh: Phan Nguyễn |
Năm 2015, dự kiến đàn lợn đạt 1,15 triệu con, đàn gia cầm 17,5 triệu con, đàn trâu đạt 310 ngàn con, đàn bò đạt 410 ngàn con, tất cả đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2015 ước đạt gần 212 ngàn tấn, đạt 107,9% kế hoạch. Sản lượng sữa tươi ước đạt 150 ngàn tấn, đạt 150% kế hoạch. Diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi tập trung đạt khoảng 9 ngàn ha/KH 8 ngàn ha.
Ông Lưu Công Hoà, Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở NN&PTNT cho biết: Sở đã xây dựng ''Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa tỉnh Nghệ An nến năm 2015'', được UBND tỉnh phê duyệt. Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch làm căn cứ cho các huyện xây dựng kế hoạch địa phương; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện đề án; tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất; khuyến khích phát triển chăn nuôi với giết mổ, chế biến khép kín; kiểm soát, kiểm dịch giết mổ; kiểm tra chất lượng giống chăn nuôi, chất lượng các loại thức ăn chăn nuôi và các chất cấm dùng trong chăn nuôi,...
Các chương trình, dự án, chính sách phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là chương trình cải tạo giống bò, trâu. Năm 2014, chỉ tiêu về thụ tinh nhân tạo đàn bò vượt trên 30% kế hoạch. Đến nay, đã có trên 238.000 con bò, bê lai, chiếm 57,5% tổng đàn bò. Đặc biệt, chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh, hiện tại hai dự án lớn trên địa bàn về chăn nuôi bò sữa công nghiệp của Công ty CP Thực phẩm Sữa TH và Vinamilk tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng chuồng trại, tăng đầu con và mở rộng diện tích sản xuất thức ăn.
Như vậy, với những kết quả đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tạo hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm sẽ là tiền đề cho những định hướng, kế hoạch “dài hơi” của ngành Nông nghiệp Nghệ An trong nhiệm kỳ tới...
Phú Hương