Sản xuất nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm: Cần được gỡ khó

13/09/2014 14:58

(Baonghean) - Hàng năm tỉnh Nghệ An đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lấy mẫu đất, nước, sản phẩm để xét nghiệm kiểm soát các dư lượng chất độc hại trong động vật nuôi và cây trồng tại các cơ sở nuôi trồng, chế biến sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra mới chỉ giải quyết được phần ngọn, vấn đề quan trọng là làm thế nào kiểm soát được tận gốc để có sản phẩm nông sản thực sự sạch từ cơ sở sản xuất đến bàn ăn... Muốn vậy, mấu chốt là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm (ATTP).

Mô hình sản xuất rau VietGap tại xóm 10, xã Diễn Thành (Diễn Châu).
Mô hình sản xuất rau VietGap tại xóm 10, xã Diễn Thành (Diễn Châu).

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, tình trạng vi phạm về chất lượng, ATTP còn khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi; sử dụng phụ gia, các loại hóa chất bị cấm trong chế biến thực phẩm; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ theo quy định, không bảo đảm thời gian cách ly trong sản xuất. Vì vậy, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm chưa cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Để khắc phục tình trạng trên, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP (tuân thủ theo quy trình thực hành và sản xuất nông nghiệp tốt), GMP (thực hành chế biến tốt), HACCP (hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát trong quá trình sản xuất thực phẩm để đảm bảo thực phẩm an toàn khi tiêu dùng)... là cần thiết. Tháng 5/2012, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An đã xây dựng mô hình đầu tiên: “Kiểm soát rau VietGap theo chuỗi” trên diện tích 10 ha tại xóm 10 xã Diễn Thành (Diễn Châu) với 70 hộ tham gia. Các nội dung chính gồm: ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi; trao đổi, học tập kinh nghiệm một số địa phương; hỗ trợ tác nhân tham gia chuỗi; xây dựng mô hình kiểm soát rau an toàn theo chuỗi… Trung ương hỗ trợ 76 triệu đồng, huyện hỗ trợ 40 triệu đồng) kinh phí xây dựng mô hình. Anh Nguyễn Duy Hùng ở xóm 10 - xã Diễn Thành – một hộ tham gia mô hình cho biết: Vụ sản xuất đầu tiên áp dụng quy trình VietGap cho 2 sào bắp cải, súp lơ, chúng tôi còn lúng túng, nhất là việc ghi chép tỷ mỷ các biểu mẫu. Nhưng khi được hướng dẫn, thực hành ngay trên đồng rau, thì đến nay công việc thuận lợi và dễ dàng hơn. Qua kiến thức được học hỏi, chúng tôi thấy rằng không thể trồng rau hàng hóa đạt chất lượng cao theo kiểu kinh nghiệm truyền thống, mà phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh các quy định về giống, đất trồng, sản xuất rau an toàn phải theo một quy trình nhất định, có sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu minh bạch hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, đến thu hoạch… Trồng rau an toàn còn tăng được hệ số sử dụng đất, bằng việc bồi dưỡng đầu tư cải tạo nguồn đất, nguồn nước nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đầu năm 2013, Chi cục tiếp tục xây dựng tiếp mô hình sản xuất sữa VietGap tại Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến, xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu). HTX có 33 hộ tham gia với tổng đàn hơn 120 con, trong đó có trên 70 con cho sữa; trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường gần 1.000 lít sữa tươi nguyên liệu. Được sự hỗ trợ của tổ chức tư vấn, các hộ đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp chuồng trại, kho tàng, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi bò sữa đã được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đánh giá và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGap trong chăn nuôi bò sữa. Theo ông Bùi Văn Vĩnh - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến: Việc Hợp tác xã được áp dụng và đạt chứng nhận VietGap sẽ giúp người chăn nuôi bò sữa ngày càng tạo được niềm tin cho khách hàng, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Đây cũng là công bố chính thức về sự cam kết đảm bảo về an toàn chất lượng và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đúng theo quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm…

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tháng 8/2014, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản Nghệ An tiếp tục làm mô hình “Xây dựng VietGap sản xuất nấm” tại HTX Dịch vụ sản xuất nấm Đoàn Kết (huyện Yên Thành). Mô hình được triển khai trực tiếp trên diện tích khoảng 500m2 của gia đình ông Nguyễn Thọ Hạnh, xóm Sơn Thành, xã Nam Thành, với các nội dung: đào tạo kiến thức về VietGap trong sản xuất nấm; hướng dẫn xây dựng các quy trình kiểm soát, biểu mẫu, ghi chép, hướng dẫn áp dụng, thực hiện kiểm tra nội bộ… Nghề trồng nấm được du nhập vào Yên Thành từ năm 2008 và được xem là vựa nấm của tỉnh. Tính đến nay có 78 hộ sản xuất ở 19 xã, gần 500 lao động làm nghề. Năm 2013 huyện thành lập HTX Dịch vụ sản xuất nấm Đoàn kết với 28 thành viên của 9 xã tham gia đóng cổ phần; sản lượng nấm tươi đạt 310 tấn, giá trị sản xuất 7,3 tỷ đồng. Trạm sản xuất giống nấm đã sản xuất được 14.260 kg giống nấm các loại. Riêng vụ xuân 2014, sản lượng nấm của Yên Thành ước đạt từ 130 - 140 tấn với 4 loại là nấm sò tím, nấm mỡ, nấm rơm, mộc nhĩ. Đầu ra của nấm Yên Thành chủ yếu là thị trường trong huyện, TP Vinh và huyện Con Cuông. Trước thông tin nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ đội lốt hàng sản xuất tại Việt Nam ngang nhiên bày bán trên thị trường, cộng với dư luận râm ran về những vụ ngộ độc có nguyên nhân từ nấm ở thời điểm đầu năm 2014 khiến nhiều người tiêu dùng tẩy chay ăn nấm. Sự cố này đã đẩy người dân trồng nấm lâm vào cảnh điêu đứng, nấm đến kỳ thu hoạch không có người thu mua, ứ đọng, hư hại, mất mát tiền tỷ… Vì vậy, khi áp dụng VietGap vào sản xuất sẽ tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nấm hạ giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng uy tín về chất lượng đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Chi cục đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để nắm rõ nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo quá trình các sản phẩm lưu hành trên thị trường tiếp tục được kiểm soát. Từ đầu năm 2014 đến nay, trong số 120 cơ sở được kiểm tra, đánh giá phân loại và kiểm tra định kỳ có 7 cơ sở xếp loại A, 109 cơ sở xếp loại B, 4 cơ sở xếp loại C. Việc thanh tra, kiểm tra đã giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực trong nhận thức, nhiều cơ sở đã bổ sung các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ các quy định hiện hành về điều kiện đảm bảo an toàn nông sản. Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa áp dụng chương trình quản lý chất lượng GMP, SSOP, HACCP theo quy định...

Ông Nguyễn Thái Tuấn - Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản Nghệ An cho biết: Hướng phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản chính là đảm bảo quy trình ATTP trong từng công đoạn, liên kết tạo thành một chuỗi thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, mô hình sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi ATTP còn đơn lẻ, chưa được nhân rộng xuất phát từ nhiều nguyên do. Đó là, lợi ích về sản xuất sản phẩm an toàn chưa rõ ràng, chưa tạo động lực cho nhà sản xuất. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chi tiền cho sản xuất nông nghiệp mang nhiều rủi ro, chi phí lớn, quay vòng vốn chậm nên không mấy mặn mà. Đặc biệt là tình trạng các hộ sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Các cấp chính quyền địa phương chưa nắm bắt được vấn đề, chưa tâm huyết và chưa đánh giá cao sản phẩm an toàn. Thiếu liên kết hoặc liên kết chưa bền vững giữa các nhà sản xuất với phân phối và tiêu thụ. Cùng với đó là sự khác biệt giữa các dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm đã được kiểm soát và sản phẩm chưa được kiểm soát còn chưa nhiều”.

Để mô hình sản xuất nông sản theo chuỗi ATTP có hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống tưới tiêu, xử lý nước, nước thải, điện chiếu sáng…) cho các vùng sản xuất an toàn theo chuỗi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất nông sản theo chuỗi ATTP cho nông dân, kết hợp với việc “cầm tay chỉ việc” tại khu sản xuất; hỗ trợ người sản xuất kinh doanh có nguồn vốn vay ổn định, dài hạn với lãi suất ưu đãi. Để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm nông sản sản xuất theo chuỗi, việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Các địa phương cần xây dựng các giải pháp truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu cách nhận diện sản phẩm an toàn; vận động các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể lựa chọn sản phẩm nông nghiệp an toàn để có đầu ra ổn định. Ngoài ra, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp với địa phương nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm theo hướng giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng sàn giao dịch mua bán sản phẩm từ mô hình chuỗi, giới thiệu mạng lưới đặt hàng giao dịch mua bán, địa chỉ bán sản phẩm để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, lựa chọn sản phẩm “sạch” theo đúng nghĩa.

Ngọc Anh

Mới nhất
x
Sản xuất nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm: Cần được gỡ khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO