Sáng kiến giảm bớt đau đớn cho người bệnh ung thư vú của cán bộ, nhân viên y tế
(Baonghean.vn) - Từ sự trăn trở làm sao giúp cho người bệnh được điều trị tốt hơn, mau lành bệnh hơn, những điều dưỡng ở Khoa Ngoại vú, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã có những sáng kiến hay, thiết thực, hiệu quả.
Bài tập vận động cho bệnh nhân ung thư vú
Trong các cơ sở y tế, điều dưỡng chính là bộ phận làm công tác phục vụ, chăm sóc; đảm bảo an toàn cho người bệnh, đứng sau bác sĩ. Chính vì vậy, nhiều người vẫn thường ví von, bệnh viện là một ngôi nhà, người bác sĩ đóng vai trò làm chồng và chính những người điều dưỡng đóng vai trò làm vợ, làm mẹ.
Với các điều dưỡng ở Khoa Ngoại vú, người bệnh chính là người thân ruột thịt của mình. Ảnh: Đình Tuyên |
Nhưng tại Khoa Ngoại vú, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An thì các điều dưỡng ở đây lại không nghĩ vậy. Họ vẫn cho rằng: Mình vẫn là người “vợ hiền” đảm đang, tận tâm, còn bệnh nhân chính là người chồng đang ốm đau cần được theo dõi chặt chẽ, tận tâm, tận lực chăm sóc. Bệnh nhân chính là người thân yêu ruột thịt, vậy nên, người điều dưỡng phải luôn tư duy làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất trong việc chăm sóc người bệnh.
Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ này mà điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (32 tuổi) và các đồng nghiệp ở Khoa Ngoại vú mãi trăn trở với việc hầu hết bệnh nhân ung thư vú sau khi được phẫu thuật cắt bỏ phần vú thì vẫn bị mưng mủ, sưng tấy ở khu vực nách và vết thương một thời gian dài. Mỗi lần chọc hút mủ, dịch là một lần bệnh nhân vô cùng đau đớn. Nhiều bệnh nhân đã được chuyển qua khoa khác rồi vẫn phải quay lại Khoa Ngoại vú để hút mủ, dịch…
Các điều dưỡng ở khoa đã trăn trở và tìm ra bài tập vận động giúp bệnh nhân không bị biến chứng sau phẫu thuật cắt vú. Ảnh: Đình Tuyên |
Qua tìm hiểu thì điều dưỡng Tâm được biết: Nguyên nhân của tình trạng này là do sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không dám vận động cánh tay vì sợ đau, sợ ảnh hưởng vết thương. Chính vì vậy, sau một thời gian, bệnh nhân sẽ bị tê, phù tay và bị tụ dịch ở nách… “Phải làm gì để thay đổi được tình trạng này?” - điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm và các điều dưỡng khác ở Khoa Ngoại vú mãi đi tìm câu trả lời.
Câu hỏi được đặt ra đã lâu (từ những năm 2015) nhưng mãi mà điều dưỡng Tâm và các đồng nghiệp vẫn không thể trả lời. Các điều dưỡng ở Khoa Ngoại vú vẫn coi đây là món nợ đối với các bệnh nhân. Và mãi đến 3 năm sau, vào năm 2018, họ mới tìm được lời giải.
Mỗi sáng hàng ngày, các điều dưỡng lại có mặt tại phòng bệnh giúp bệnh nhân tập vận động. Ảnh: Đình Tuyên |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm kể: “Qua tìm tòi, chúng tôi đã tích hợp được 1 bài tập thể dục với 10 động tác. Nếu bệnh nhân hàng ngày tập bài thể dục này, chắc chắn rằng tình trạng tay bị tê bì, nách bị mưng mủ và ứ đọng dịch sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để bệnh nhân vượt qua nỗi sợ và kiên trì tập luyện mỗi ngày, kể cả trong điều kiện không có bác sĩ, điều dưỡng thực hiện giám sát”.
Nghĩ là làm, các điều dưỡng đã triển khai bài tập cho các bệnh nhân ở khoa. Để giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ, họ đã dành thời gian lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, tình cảm cũng như bệnh tình của bệnh nhân nhiều hơn; thăm hỏi, an ủi, động viên và hướng dẫn bệnh nhân nhiều hơn, đặc biệt là hướng dẫn bài tập thể dục.
Việc tập vận động không những giúp bệnh nhân giảm biến chứng mà còn giúp họ tươi tỉnh, lạc quan và yêu đời hơn. Ảnh: Đình Tuyên |
Mỗi sáng các điều dưỡng lại có mặt tại giường bệnh, động viên các bệnh nhân dậy, tập trung về phòng tư vấn dinh dưỡng và tập vận động của khoa cùng nhau tập thể dục (đây là căn phòng được trang trí rất đẹp, nhằm tạo tâm lý thoải mái, lạc quan cho bệnh nhân).
Những người còn đau đớn chưa đi lại được nhiều thì điều dưỡng hướng dẫn tập ngay ở trên giường. Mỗi tối thứ 5 hàng tuần, các điều dưỡng của khoa lại có buổi tư vấn, nói chuyện cùng các bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân lạc quan, yêu đời, yên tâm thực hiện điều trị theo đúng phác đồ, hướng dẫn của các bác sĩ.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm cũng cho biết thêm: “Ban đầu, để giúp bệnh nhân nắm kỹ, nhớ lâu bài tập vận động để thường xuyên thực hành kể cả sau khi chuyển khoa, ra viện thì chúng tôi đã in bài tập ra trên giấy và phát cho các bệnh nhân.
Việc các điều dưỡng thường xuyên tư vấn, nói chuyện đã giúp bệnh nhân thoải mái, yên tâm thực hiện điều trị theo đúng phác đồ, hướng dẫn của các bác sĩ. Ảnh: Đình Tuyên |
Cách làm này có tác dụng song hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn do có những bệnh nhân lớn tuổi không hình dung được bài tập, xem nhưng không biết thực hiện thế nào. Sau 2 năm bài tập ra đời, chúng tôi đã tìm được cách truyền đạt mới, đó là trực tiếp ghi hình lại bài tập, biên tập lại thành một video ngắn để gửi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cách làm này đã đạt hiệu quả rất cao…
Từ khi bệnh nhân được tập vận động thì hiện tượng tụ dịch ở nách hầu như không còn nữa, riêng hiện tượng tê, bì tay thì chấm dứt hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc tập vận động còn giúp bệnh nhân tươi tỉnh, lạc quan và yêu đời hơn”.
Tủ đồ sạch thông minh
Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm, việc chăm sóc tinh thần cho người bệnh có ý nghĩa quan trọng không kém việc điều trị bệnh. Trước khi điều trị, bệnh nhân cần được chăm sóc tâm hồn. Ảnh: Đình Tuyên |
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các điều dưỡng ở Khoa Ngoại vú nhận thấy: Những bệnh nhân ung thư vào khoa thường có tâm lý bi quan, chán nản. Họ vẫn nghĩ rằng ung thư là đồng nghĩa với cái chết. Vậy nên, nhiều người nhập viện cứ khóc lóc rất nhiều, thậm chí có người còn đòi tự tử.
Lúc này chính những người điều dưỡng là người đầu tiên đứng ra trấn an và động viện bệnh nhân: “Ung thư vú không dễ chết, thời gian sống có thể kéo dài nếu như người bệnh có niềm tin chiến thắng được bệnh tật. Nếu có tinh thần tốt thì sẽ ăn uống tốt, có sức đề kháng tốt và hiệu quả điều trị sẽ được nâng cao…”.
Thực tế điều trị đã giúp các điều dưỡng Khoa Ngoại vú nhận thức rõ hơn về việc chăm sóc tinh thần cho người bệnh có ý nghĩa quan trọng không kém việc điều trị bệnh. Trước khi điều trị bệnh cần chăm sóc tâm hồn…
Các điều dưỡng Khoa Ngoại vú đã có sáng kiến xây dựng tủ đồ sạch thông minh đem lại tiện ích cho người bệnh. Ảnh: Đình Tuyên |
Từ nhận thức này, các điều dưỡng ở Khoa Ngoại vú đã kiến nghị Khoa cho phép sửa chữa, trang trí lại phòng đón tiếp – phòng tư vấn dinh dưỡng và tập vận động để khi bệnh nhân đến đây được thoát ly khỏi cảm giác “chật chội”, “bức bí” của phòng bệnh. Nơi căn phòng này, 14 điều dưỡng của khoa vẫn luân phiên thay nhau cố gắng dùng “tiếng cười” để động viên, hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh.
Làm sao để người bệnh có cảm giác thoải mái hơn ngay từ khi mới bước vào khoa, bước vào một đợt điều trị? – Các điều dưỡng ở khoa Ngoại vú đã có nhiều sáng kiến hữu ích. Một trong số đó là việc xây dựng tủ đồ sạch thông minh.
Chăn chiếu được lấy từ dưới trước, điều này tránh được sự ẩm mốc. Ảnh: Đình Tuyên |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm cho hay: Khi một bệnh nhân vào khoa, bệnh nhân sẽ được phát quần áo, thẻ bệnh nhân và người nhà, chăn chiếu. Trước đây, việc sắp xếp chưa khoa học dẫn đến việc phát đồ cho bệnh nhân rất mất thời gian, do việc phát đồ mỗi thứ mỗi nơi. Chăn chiếu và quần áo có thể bị ẩm mốc do tình trạng xếp chồng lên nhau. Những chiếc chăn chiếu và quần áo nằm ở dưới tủ có thể rất lâu mới được sử dụng đến. Chưa kể đến việc có những bệnh nhân không được phát quần áo vừa đúng kích cỡ.
Tất cả sự “khó chịu” mà bệnh nhân gặp phải khi mới vào khoa rất có thể ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình điều trị. Tủ đồ sạch thông minh khắc phục được tất cả việc đó.
Trong tủ có 3 ngăn riêng, được đánh dấu bằng 3 vạch màu tương ứng với kích cỡ quần áo của bệnh nhân. Ảnh: Đình Tuyên |
“Tủ đồ sạch thông minh” chỉ đơn giản là một cái tủ được thiết kế hợp lý, mà nơi đó các loại đồ phát cho bệnh nhân được sắp xếp một cách rất khoa học. Ở tủ, chăn chiếu được xếp ở trên cùng, khi phát cho bệnh nhân, điều dưỡng sẽ rút những cái chăn, chiếu nằm ở phía dưới trước.
Trong tủ có 3 ngăn riêng, được đánh dấu bằng 3 vạch màu tương ứng với kích cỡ quần áo của bệnh nhân. Trong 3 ngăn có những túi nhỏ chứa 1 bộ quần áo bệnh nhân, 1 thẻ bệnh nhân và 1 thẻ người nhà bệnh nhân. Khi có bệnh nhân, điều dưỡng có thể quan sát thể trạng, nhanh chóng lựa chọn túi đồ tương thích… Việc phát túi đồ cùng được thực hiện lấy từ phía dưới trước, giúp cho đồ bệnh nhân luôn mới, tránh được ẩm mốc.
Rõ ràng “Tủ đồ sạch thông minh” tạo sự tiện ích lớn, mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân ngay từ khi bước vào Khoa Ngoại vú. Và để tạo được sự tiện ích đó, các điều dưỡng phải vất vả hơn khi phải có thêm việc.
Túi đồ sạch phát cho bệnh nhân gồm 1 bộ quần áo bệnh nhân, 1 thẻ bệnh nhân và 1 thẻ người nhà bệnh nhân. Ảnh: Đình Tuyên |
Tuy nhiên, với những điều dưỡng ở đây, họ không nề hà vất vả mà sự an toàn, thoải mái, hài lòng của người bệnh mới là điều quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng là vậy.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Vũ Đình Giáp – Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An:
" Trước kia, điều dưỡng chính người thực hiện y lệnh của bác sĩ. Ngày nay, các điều dưỡng có vai trò quan trọng hơn nhiều khi trực tiếp chịu trách nhiệm về tình hình sức khỏe, theo dõi bệnh nhân về thể trạng bệnh. Chính vì vậy họ luôn tư duy làm thế nào cho hiệu quả nhất trong việc chăm sóc người bệnh.
Các bài tập vận động mà điều dưỡng Khoa Ngoại vú triển khai đã giúp bệnh nhân sau phẫu thuật cắt vú phục hồi vết thương nhanh hơn, hạn chế biến chứng phù tay do phẫu thuật. Các biến chứng không cử động được vùng nách đã giảm một cách rõ rệt.
Tủ đồ sạch thông minh đã thay đổi tình trạng quản lý đồ vải một cách lộn xộn, sạch bẩn lẫn lộn trước kia. Tủ đồ rất hiệu quả, không chiếm nhiều diện tích của khoa phòng. Tủ đồ này có thể phổ biến rộng rãi ở các bệnh viện vì chi phí làm tủ rất rẻ".