"Sáng mãi niềm tin"

06/09/2014 21:58

(Baonghean) - Đó là tiêu đề của vở diễn được Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp, tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng của vợ chồng nhà yêu nước Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai. Hơn 13 năm từ khi vở diễn ra mắt công chúng, “Sáng mãi niềm tin” đã trở thành biểu tượng đẹp của lòng yêu nước: thà chịu đau đớn, cực hình, nhưng quyết không khuất phục trước quân giặc bạo tàn...

Năm 2000, vở “Sáng mãi niềm tin” (đạo diễn: NSND Lê Hùng; Tác giả: Lê Duy Hạnh, Chuyển thể: NSND Hồng Lựu, Âm nhạc: Hồ Hữu Thới) chính thức ra mắt công chúng. Vở diễn đã giúp người xem hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp và quãng thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Điều đặc biệt là cũng chính năm đó, vở diễn đã đạt Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, khẳng định vị thế của dân ca xứ Nghệ trong lòng công chúng và các đồng nghiệp trong cả nước.

Một cảnh trong vở “Sáng mãi niềm tin”.
Một cảnh trong vở “Sáng mãi niềm tin”.

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu – người chuyển thể vở diễn sang làn điệu dân ca, cũng là người đảm nhận vai đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không giấu nổi xúc động khi nhớ lại: Để lột tả được tính cách, khí phách của chị Nguyễn Thị Minh Khai trên sân khấu, để cho người xem thấy được, cảm nhận được ý chí, lòng yêu nước, sự hy sinh vì cách mạng của một người phụ nữ xứ Nghệ chân yếu, tay mềm nhưng có tấm lòng son sắt, thủy chung… chị đã phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu viết về Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong. Cái khó là những tài liệu về cả hai người đều chủ yếu là sách nghiên cứu, sách lịch sử chứ không có tài liệu về phim, hình ảnh cũng rất ít.

Trong tất cả các trường đoạn của vở diễn, chị trăn trở nhiều nhất, dành nhiều tâm huyết nhất và cũng là trường đoạn khó nhất, đó là đoạn Nguyễn Thị Minh Khai chia tay con gái đi hoạt động cách mạng. Để lột tả được nỗi đau đớn của người mẹ khi phải lìa xa đứa con gái bé bỏng, trong nỗi đau chồng bị địch bắt và tra tấn dã man, dù mới sinh, nhưng Nguyễn Thị Minh Khai phải gửi con cho cơ sở nuôi, vì cách mạng đang cần chị trong lúc nước sôi, lửa bỏng. Trong phút chia tay nghẹn ngào với đứa con đứt ruột đẻ ra, Nguyễn Thị Minh Khai đã không bi lụy, đôi mắt ướt lệ nhưng hai hàm răng cắn chặt để không bật ra tiếng khóc.

Theo chị Hồng Lựu, người diễn viên phải thật sự nhập vai, đầy nội tâm mới có thể diễn xuất một cách tinh tế qua ánh mắt, qua bước chân bịn rịn khi sắp phải chia tay đứa con thương yêu, vì nhiệm vụ cách mạng, nén tình cảm riêng tư. Sự giằng xé nội tâm giữa một bên là đứa con thơ, một bên là chồng, là vận nước, là nhiệm vụ cách mạng còn nặng nề, không còn cách nào khác, Minh Khai đành gạt nước mắt ôm con lần cuối mà nghẹn lời… Với sự dạn dày kinh nghiệm của mình, Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu đã làm nên một hình ảnh Nguyễn Thị Minh Khai vừa chân chất, mộc mạc, chan chứa yêu thương, đằm thắm nghĩa tình, vừa quyết đoán để ra đi trước vận nước lâm nguy.

Trao đổi với Nghệ sỹ Ưu tú An Phúc – người đóng vai Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, được biết: Thời điểm anh đóng vai đồng chí Lê Hồng Phong, lúc đó anh đã xấp xỉ tuổi 50, mà đồng chí Lê Hồng Phong trong “Sáng mãi niềm tin” đang ở tuổi thanh xuân (ông hy sinh vừa tròn 40 tuổi). Để có thể hoàn thành xuất sắc vai diễn, Nghệ sỹ Ưu tú An Phúc đã bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu, học hỏi, làm thế nào để “bắt” được “cái thần” của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, làm thế nào để nắm bắt được khí phách, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí cách mạng của người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đó, cố nghệ sỹ Danh Cách đã từng đóng vai đồng chí Lê Hồng Phong rất thành công – điều này đã tạo cho Nghệ sỹ Ưu tú An Phúc rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, lòng yêu nghề, bản tính ham học hỏi đã giúp anh vượt qua tất cả để hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc nhất. Để hôm nay, mỗi lần nhắc lại “Sáng mãi niềm tin” anh lại bồi hồi, xúc động nhớ như in trích đoạn kể về hoàn cảnh 2 vợ chồng Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đều bị thực dân Pháp bắt giam. Để ép đồng chí Lê Hồng Phong, thực dân Pháp đưa vợ là Nguyễn Thị Minh Khai ra tra tấn hòng mong Lê Hồng Phong khai những bí mật hoạt động. Nhưng một lòng trung kiên với Đảng, Lê Hồng Phong chỉ im lặng và đành nhìn chúng tra tấn dã man vợ mình. Trích đoạn cũng đã diễn tả lại tình yêu nồng ấm giữa Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, đó là muốn có hạnh phúc, phải đấu tranh và tình yêu của họ luôn gắn liền với cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước.

Những câu nói bất hủ của đồng chí Lê Hồng Phong và người bạn đời trước lúc hy sinh đã làm cho chính người diễn phải rơi nước mắt: "Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy"- Nguyễn Thị Minh Khai nói. Đáp lại lời vợ, đồng chí Lê Hồng Phong cũng khẳng định một chân lý sáng ngời: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng"...

Vở diễn “Sáng mãi niềm tin” đã được công diễn, tham gia rất nhiều liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Hàng năm, kỷ niệm Ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, vở diễn được các nghệ sỹ trung tâm tổng duyệt lại như một lời tri ân người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Vở diễn đã một lần nữa giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong. Góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo ý chí cách mạng kiên cường, khí phách hiên ngang và đạo đức trong sáng của đồng chí Lê Hồng Phong.

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Mới nhất
x
"Sáng mãi niềm tin"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO