Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

10/07/2012 11:09

(Baonghean.vn) - Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng vạn người con ưu tú quê hương xứ Nghệ lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 596.000 người tham gia lực lượng quân đội, hơn 37.000 người tham gia lực lượng TNXP, 15.000 người tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến..., trong đó có 45.230 người đã được công nhận liệt sỹ, hơn 42.000 người được công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 17.000 người được công nhận bệnh binh, 876 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 15.939 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...



Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và lãnh đạo tỉnh tặng quà gia đình
anh Đậu Ngọc Lâm - thương binh 1/4 ở Khối 2, P. Hưng Bình, TP. Vinh.
Ảnh: Sỹ Minh

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", phong trào Đền ơn đáp nghĩa ở Nghệ An đã được triển khai sâu rộng và ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Việc giải quyết chế độ với người có công với cách mạng được các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm. Đến nay, tỉnh ta đã cơ bản giải quyết xong việc tồn đọng chính sách qua các thời kỳ kháng chiến. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận cho 15.626 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 1.811 liệt sỹ, 964 cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa, 1.133 cán bộ lão thành cách mạng, 800 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; xác nhận và trả trợ cấp cho 410.717 người hoạt động kháng chiến và người trong gia đình được tặng thưởng huân, huy chương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cơ bản hoàn thành 3 giai đoạn xác nhận người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học với tổng số 15.939 trường hợp, trong đó có 9.501 người trực tiếp và 6.438 con đẻ của họ; chỉ còn 358 trường hợp ngành y tế đang tiến hành kiểm tra, đối chứng tính hợp pháp của bệnh án điều trị. Trong quá trình giải quyết đều bảo đảm chính xác, công bằng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Các hoạt động chăm sóc đời sống người có công được duy trì thường xuyên, qua đó đã kịp thời giúp đỡ, động viên các gia đình chính sách vươn lên, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 3.500 ngôi nhà tình nghĩa; sửa chữa, nâng cấp 7.576 ngôi nhà; tặng 38.898 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách có công và xây dựng, tôn tạo hàng trăm công trình nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ.

Công tác chăm sóc thân nhân liệt sỹ và người có công cũng được các tổ chức đoàn thể và toàn dân trong tỉnh tích cực tham gia, có sự phân công cụ thể. Hiện nay, 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời và được chăm sóc chu đáo. Vào các dịp lễ Tết, tỉnh đều dành ngân sách từ 3 đến 3,5 tỷ đồng để thăm hỏi tặng quà và trợ giúp gia đình chính sách gặp khó khăn. Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành chính sách đào tạo nghề giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương, bệnh binh nặng.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng thực hiện tốt việc đưa hàng ngàn thương bệnh binh nặng điều dưỡng tại các trung tâm trong cả nước về sinh sống với gia đình bằng nhiều hình thức khác nhau như cấp đất ở, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ ngày công sản xuất… Các địa phương trong tỉnh đều tổ chức chăm lo, giúp đỡ cho thương binh nặng và gia đình họ có cuộc sống ổn định, nhiều đồng chí đã vượt thương tật, bệnh tật để làm giàu cho bản thân và gia đình như ông Thái Đại Phong thương binh 3/4, Giám đốc Công ty TNHH Thái Đại Phong; ông Nguyễn Tiến Định thương binh 3/4, Giám đốc công ty TNHH, ông Trần Đình Thọ bệnh binh 1/3, thương binh 2/4 giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân; ông Lê Văn Long thương binh 1/4 ở xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) làm trang trại phát triển kinh tế...Đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn hộ gia đình chính sách nào phải ở nhà tạm bợ dột nát; gần 100% số hộ có mức sống ngang bằng và cao hơn mức bình quân nơi cư trú; 100% các mẹ liệt sỹ đều được nhận phụng dưỡng suốt đời và được chăm sóc; hơn 1.600 thương, bệnh binh nặng được chuyển về chăm sóc tại gia đình...

Thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày TBLS (27/7/1947 - 2012), tiếp tục phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, Sở LĐTBXH đã và đang tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, như: Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách người có công với cách mạng. Tập trung thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, các chế độ chính sách cho người có công, nhất là việc xác nhận giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đẩy mạnh công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người có công. Tổ chức đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh đi báo công và gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tham quan các di tích lịch sử, văn hoá, các công trình kinh tế - xã hội tiêu biểu của đất nước; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành tổ chức lễ mít tinh, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 65 năm ngày TBLS tại TP. Vinh.


Bùi Nguyên Lân - Sở LĐ–TB&XH

Mới nhất
x
Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO