Sáng ngời đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'

Huệ Anh 27/07/2019 07:58

(Baonghean.vn) - Đất nước chúng ta vẫn còn trên 200.000 liệt sỹ đang nằm ở đâu đó, hơn 300.000 liệt sỹ tuy đã quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được tên tuổi, quê quán. Điều day dứt, trăn trở ấy đang đặt ra cho thế hệ hôm nay và mai sau về trách nhiệm làm tròn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa.

Hàng chục năm qua, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được các cấp, ngành và nhân dân cả nước thực hiện bằng nhiều hành động, thể hiện lòng tri ân đối với thương bình, gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng. Đặc biệt, trong tháng Bảy, các bộ, ngành, địa phương, cá nhân có những hoạt động cụ thể, thiết thực đến thăm, tặng quà, động viên thương binh, gia đình liệt sỹ, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cùng đó là những chương trình nghệ thuật ngợi ca sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; đó là những ngọn nến tri ân thắp sáng lên trong các nghĩa trang liệt sỹ, làm sáng lên đạo lý, nghĩa tình tri ân của lớp lớp cháu con hôm nay khi nghĩ về cha ông mình. Để từ đó, càng trân quý hơn về giá trị hòa bình, hạnh phúc hôm nay được đánh đổi bằng máu, xương của nhiều thế hệ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đến thăm, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Yêm ở xóm 5, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Đào Tuấn
Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) hàng năm đã trở thành một ngày đầy ý nghĩa để nhân dân ta thể hiện văn hóa tri ân. Đó cũng chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến, kể từ khi Người cho thành lập Trại Cứu chữa thương binh tại vùng đất Đại Từ (Thái Nguyên) trong những ngày chỉ đạo cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Để rồi, ngày 27/7 trở thành ngày truyền thống, ngày của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Xác định đền ơn đáp nghĩa là công tác lâu dài, liên tục, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, với nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ – TB&XH, các địa phương, các tổ chức xã hội và người dân cả nước đã, đang tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Hàng năm tìm kiếm quy tập hàng nghìn hài cốt liệt sỹ ở trong nước và ngoài nước về các nghĩa trang; bằng thực chứng và giám định gen chúng ta đã xác định được tên tuổi cho hàng trăm liệt sỹ hy sinh trong và ngoài nước.

Đưa  các anh trở về đất Mẹ. Ảnh: Tiến Hùng
Đưa các anh trở về đất Mẹ. Ảnh tư liệu

Việc quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, Campuchia vẫn được các Đội Công tác đặc biệt thực hiện liên tục. Tại cuộc họp mới đây của Ban Công tác đặc biệt 2 nước Việt Nam – Lào, hai bên đã xác định quyết tâm: “Tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đến khi không còn thông tin”.

Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ đang gặp nhiều khó khăn. Đó là việc thiếu thông tin về liệt sỹ, hài cốt liệt sỹ; hồ sơ, sơ đồ quy tập, địa hình, địa vật phức tạp và thay đổi; số lượng hài cốt nhiều, nằm rải rác khắp nơi ở trong nước và ngoài nước, số mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ cần phân tích quá lớn; hài cốt liệt sỹ được an táng và di chuyển nhiều lần, được chôn cất trong thời gian quá dài (40 - 50 năm) cho nên bị phân hủy nhiều, chất lượng gen ADN lưu lại kém, rất khó khăn cho việc lấy mẫu và phân tích ADN.

Trong khi đó, thân nhân liệt sỹ phần lớn tuổi đã cao, sức yếu, nên việc lấy mẫu sinh phẩm khó khăn, cá biệt có những liệt sỹ không còn thân nhân để lấy mẫu theo dòng mẹ. Cùng đó, việc lưu giữ và so sánh kết quả phân tích ADN của hài cốt liệt sỹ và sinh phẩm thân nhân liệt sỹ; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị giám định chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…

Khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Tân Thành (Yên Thành).Ảnh: Anh Tuấn
Những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan thực hiện việc tiếp nhận thông tin về quy tập hài cốt liệt sỹ, mộ liệt sỹ để báo tin về liệt sỹ và phần mộ liệt sỹ cho gia đình liệt sỹ.

Cùng đó Bộ chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện công tác xác định hài cốt liệt sỹ. Nhờ vậy, một số địa phương đạt được hiệu quả cao trong việc xác định danh tính liệt sỹ như: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Trị...

Nhiều điểm ở rừng sâu, các chiến sĩ phải đi bộ băng rừng suốt nhiều giờ mới có thể đưa được hài cốt liệt sĩ trở về. Ảnh: Tiến Hùng
Nhiều điểm ở rừng sâu, các chiến sĩ phải đi bộ băng rừng suốt nhiều giờ mới có thể đưa được hài cốt liệt sĩ trở về. Ảnh tư liệu

Việc ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật vào công tác tìm kiếm, quy tập, giám định danh tính liệt sỹ cũng như chăm sóc người có công, thân nhân, gia đình liệt sỹ được ngành LĐ-TB&XH ứng dụng tích cực. Cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tại địa chỉ www.thongtinlietsi.gov.vn đã thông tin về gần 847.000 mộ liệt sỹ ở hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ; hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ đã được cán bộ, nhân viên Bưu điện Việt Nam chụp lại.

Thông qua việc thu thập dữ liệu từ địa chỉ chi tiết, tọa độ, người liên hệ, Bưu điện Việt Nam cũng lập danh sách số mộ liệt sỹ chưa biết tên cần khắc lại bia là hơn 53.000 mộ; cần rà soát, bổ sung thông tin gần 136.000 mộ. Đây là kho dữ liệu quý giá phục vụ người dân và thân nhân liệt sỹ tra cứu, cập nhật, cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ trong phạm vi cả nước. Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH cũng đang tích cực thực hiện việc xây dựng ngân hàng gen để lưu trữ, đối khớp ADN của hài cốt liệt sỹ và sinh phẩm thân nhân liệt sỹ.

Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 4 kiểm tra Đội quy tập tỉnh Nghệ An làm nhiệm vụ tại bản Xam, huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Ảnh: PV
Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 4 kiểm tra Đội quy tập tỉnh Nghệ An làm nhiệm vụ tại bản Xam, huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Ảnh: tư liệu

Với dân tộc Việt Nam, mỗi người đều thấm thía nỗi đau mất mát người thân khi cả nước cùng lên đường đánh giặc. Sự hy sinh của thế hệ cha anh cho hòa bình, thống nhất đất nước vô cùng to lớn. Bởi vậy, đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là trách nhiệm, là văn hóa của cả một dân tộc.

Tặng quà Bà mẹ VNAH Hồ Thị Xích ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: tư liệu
Tặng quà Bà mẹ VNAH Hồ Thị Xích ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: tư liệu

Cũng chính vì thế, các đội công tác đặc biệt đang tiếp tục băng rừng, lội suối, có mặt khắp những cánh rừng đại ngàn để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Và việc chăm sóc, phụng dưỡng thương binh, gia đình liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến thực hiện các chính sách hỗ trợ gia đình có công được các thế hệ cháu con thực hiện với lòng tri ân sâu sắc. Tất cả là những ngọn nến lung linh, sáng ngời đạo lý, văn hóa tri ân của cả dân tộc.

Mới nhất

x
Sáng ngời đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO