Sáp nhập các ngân hàng: Xu hướng tất yếu

08/11/2011 16:38

Ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về quan điểm và định hướng triển khai chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà trung ương vừa đưa ra. Theo đó, trong 5 năm tới, củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng, nhằm thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

(Baonghean) - Ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về quan điểm và định hướng triển khai chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà trung ương vừa đưa ra. Theo đó, trong 5 năm tới, củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng, nhằm thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát triển hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, có hiệu quả trên cơ sở năng lực tài chính và quy mô hoạt động đủ lớn, hệ thống quản trị, công nghệ ngân hàng tiên tiến. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4 quan điểm và nguyên tắc cơ bản đối với quá trình tái cơ cấu này.

Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.

Thứ tư, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của ngân hàng cụ thể sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý.



Ứng dụng công nghệ thông tin ở các ngân hàng.

Trên thực tế, những bất ổn của hệ thống ngân hàng đang bộc lộ ngày càng rõ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong thời gian gần đây với những diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Với sự vi phạm nghiêm trọng, phổ biến đối với việc vượt trần lãi suất huy động, "lách" trần tín dụng, bản chất của hoạt động tiền tệ, ngân hàng bị làm méo mó, khó kiểm soát, các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền với sự tham gia của các cán bộ ngân hàng ngày càng gia tăng. Trong tháng gần đây, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến sự sa sút về đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. Vào thời điểm cuối tháng 8/2011, Nguyễn Trọng Hưng - cán bộ hành chính Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Chi nhánh Nghệ An, sau khi đã lợi dụng tín nhiệm lừa đảo, vay mượn bạn bè, hàng xóm, người thân hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn, xin thôi việc. Cho đến khi Hưng tuyên bố vỡ nợ, nhiều người mới sực tỉnh và hoài nghi về tính cách lịch thiệp, hào phóng, chu đáo thường ngày của Hưng - một cán bộ ngân hàng vốn được mọi người tin tưởng đến nỗi đưa cho Hưng vay hàng tỷ đồng mà chỉ biên nhận bằng một tờ giấy viết tay, không yêu cầu thế chấp bất cứ tài sản gì...

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt tạm giam Đặng Nam Hải - nguyên Trưởng phòng Khách hàng cá nhân và thẩm định của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Vinh vì hành vi "lừa đảo". Lợi dụng quyền hạn của một trưởng phòng, Đặng Nam Hải đã làm khống hồ sơ vay vốn ngân hàng và tài sản thế chấp của khách hàng đi vay. Đồng thời, thông qua thông tin của những khách hàng gửi tiết kiệm ở ngân hàng, Hải đã lấy số tài khoản, số hiệu trên sổ tiết kiệm để làm một khế ước vay tiền và làm giả hồ sơ vay vốn. Hải đã rút của khách hàng gần 4 tỷ đồng, ngoài ra Hải còn nợ các đối tượng ngoài gần 17 tỷ đồng...

Đó là hai vụ tiêu biểu về sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng trên địa bàn Nghệ An trong thời gian gần đây. Và có thể vẫn còn tiềm ẩn những "ung nhọt" tương tự đang được bưng bít chưa đến lúc "vỡ" ra. Câu hỏi đặt ra là tại sao đối với những món tiền cho vay lớn như vậy, mà ngân hàng lại buông lỏng việc thẩm định kỹ lưỡng đối với nguồn gốc các tài sản thế chấp, bìa đất, cũng như tính khả thi của dự án vay vốn? Và ban lãnh đạo điều hành của ngân hàng đó vì sao để cán bộ nhân viên của mình xảy ra hành vi lừa đảo một cách dễ dàng như vậy?

Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn Nghệ An cũng mang tính hai mặt. Bên cạnh đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng và sự phát triển của bộ mặt đô thị, thì sự xuất hiện ngày càng nhiều các chi nhánh, tổ chức tín dụng đã làm "xáo trộn" thị trường tiền tệ, ngân hàng. Khi thị phần bị co hẹp, ngân hàng nào cũng tung ra các chiêu khuyến mãi, gửi tiền trúng thưởng lớn... để hút vốn, tranh giành khách lẫn nhau. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên xuất phát từ những yếu kém về năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành của một số ngân hàng thương mại và sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng. Chính sự yếu kém đó đã khiến cho những ngân hàng này nỗ lực duy trì sự tồn tại bằng mọi giá thông qua việc áp dụng nhiều hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Ngày 7/9/2011, Ngân hàng Nhà nước ra Chỉ thị 02 với chế tài xử phạt nghiêm khắc, quyết liệt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trần lãi suất huy động vốn; Trật tự thị trường đã được lập lại, không còn tình trạng "vượt" trần quy định như trước nữa. Cùng với việc điều chỉnh đồng bộ các chính sách cho phù hợp với diễn biến mới, Ngân hàng Nhà nước đang dần lập lại trật tự của thị trường tiền tệ ngân hàng. Cũng từ đây, những yếu kém vốn có của hệ thống ngân hàng càng bộc lộ rõ hơn. Chính vì vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng hiện nay.

Hiện tại, hành lang pháp lý cho quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng đã tương đối hoàn chỉnh. Trong đó quyền lợi của khách hàng và người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại được pháp luật bảo vệ. Do đó, khách hàng của các tổ chức tín dụng này hoàn toàn yên tâm về quyền lợi của mình. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng có nguyện vọng sáp nhập, hợp nhất.

Để đảm bảo an toàn hệ thống, việc ngân hàng lớn chia sẻ, hợp tác với các ngân hàng nhỏ, hoạt động lành mạnh để giúp họ đứng vững và phát triển là rất đáng khuyến khích. Nhưng với những ngân hàng yếu toàn bộ (yếu vốn, yếu khả năng quản trị rủi ro, nợ xấu lớn), thì Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp dứt điểm, rõ ràng.


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Sáp nhập các ngân hàng: Xu hướng tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO