Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố: Cơ hội tăng thu nhập cho cán bộ
Tinh giản lại hệ thống theo hướng hiệu lực, hiệu quả thì những người trực tiếp làm cũng có cơ hội tăng thu nhập.
Thời gian này, việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Việc sáp nhập này là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn hệ thống chính trị từ cơ sở, giảm số cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố, nâng cao hoạt động quản lý ở thôn, bản, tổ dân phố theo hình thức tự quản. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh về vấn đề này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. |
PV: Hiện nay cả nước có hơn 135.000 thôn, tổ dân phố với gần 838.000 người hoạt động không chuyên trách, tức là bình quân 6,2 người trong một thôn, tổ dân phố. Tổng số lương hưu của cán bộ công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đã bao gồm bảo hiểm xã hội là hơn 32.000 tỷ đồng/năm.... Ông có bình luận gì về những con số này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Qua những con số này, có thể thấy kết cấu chính trị hết sức cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều tầng lớp trung gian, dẫn đến đội ngũ công chức, viên chức rất lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả trong điều hành có phần hạn chế, đặc biệt là chiếm số lượng chi rất lớn. Nếu hệ thống này tính chung trong cả nước, chi thường xuyên (trong đó có lương) cho đội ngũ công chức này chiếm gần 70% tổng chi của cả nước.
PV: Thực tế, với khối lượng công việc ở cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố thì có cần nhiều nhân sự như vậy không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trong thực tế, có nhiều công việc chồng chéo nhau, giữa việc nọ với việc kia đổ cho nhau, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Vì vậy, tiến tới chúng ta cần xác định, phân rõ trách nhiệm, một việc thì một người làm và phải chịu trách nhiệm chính.
Cho nên, cần tổ chức lại hệ thống chính trị theo hướng gọn nhẹ, tinh giản để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ kèm theo đó cũng phải bớt đi thì mới đảm bảo nâng cao trách nhiệm, rõ công việc hơn. Còn như bây giờ có một việc nhưng nhiều người làm và cuối cùng lại không có ai chịu trách nhiệm.
PV: Trong bối cảnh như vậy, ông đánh giá thế nào về chủ trương sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Không chỉ có thôn, xóm, tiến tới là xã, phường và cả hệ thống đều tổ chức, sắp xếp lại. Nghị quyết 18, 19 cũng đã nói rất rõ là sắp tới chúng ta sẽ phải làm rất mạnh.
PV: Nhìn nhận trong thực tế thời gian qua, ông thấy việc sáp nhập như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong thời gian qua chúng ta đã tiến hành sắp xếp lại từ bộ, ngành, các địa phương. Đặc biệt các địa phương đã tiến hành sắp xếp thôn, xóm, tổ dân phố và sắp tới là xã, phường, huyện, tỉnh.
PV: Theo con số thống kê, chỉ riêng 1 tỉnh, để chi trả thù lao cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, xóm, tổ dân phố lên tới khoảng 250 tỷ đồng/năm. Nếu giảm 850 xóm, tổ dân phố không đủ điều kiện thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 70-80 tỷ đồng tiền ngân sách?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đây là ở 1 địa phương, còn ở tất cả địa phương trong cả nước thì chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều và cuối cùng mục tiêu vẫn là hiệu lực, hiệu quả.
Một việc phải giao cho 1 người làm và phải có người chịu trách nhiệm cuối cùng. Chứ nhiều người nhưng không rõ việc, không có ai chịu trách nhiệm cuối cùng thì công việc sẽ không chạy.
PV: Ngoài mặt hiệu quả về ngân sách cũng như giảm đội ngũ cồng kềnh, ông có nghĩ rằng khi chúng ta tập trung được nguồn lực hoặc tập trung vào con người thì cũng sẽ tạo ra động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đúng như vậy. Tinh giản lại hệ thống theo hướng hiệu lực, hiệu quả thì những người trực tiếp làm cũng có cơ hội tăng thu nhập.
Như việc tiến hành khoán quỹ lương ở một số đơn vị, số lượng có thể định biên là 10 nhưng đơn vị có thể làm đến 5 nhưng vẫn được trả lương là 10, rõ ràng là tăng thêm thu nhập, là động lực thúc đẩy sự tích cực của người lao động.
Ví dụ ở Thanh Hóa, đây là một tỉnh lớn, có nhiều xã, thôn, tổ dân phố và kết quả đã đạt được sau quá trình sáp nhập là khá tốt. Đây là kết quả bước đầu và việc sáp nhập vẫn sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới.
Chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố là một chủ trương lớn, rất đúng cho nên phải quán triệt rõ, làm một cách quyết liệt. Từ chỉ đạo quyết liệt phải xây dựng phương án kỹ càng, khi triển khai phải tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được lợi ích của việc sáp nhập để tạo sự đồng thuận. Trong quá trình làm có những khó khăn, vướng mắc thì phải có cách giải quyết kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông!