Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp ngành nông nghiệp - Bài 1: Nhận diện hạn chế, bất cập
(Baonghean) - Hàng chục năm trước, những vùng đất đai rộng lớn của miền Tây Nghệ An vốn chỉ có rừng hoang hoặc trồng keo, bạch đàn; sau đó với sự ra đời của các công ty nông, lâm nghiệp, đã dần được phủ lên màu xanh bạt ngàn của cà phê, cao su, chè, cam, mía… Các công ty ấy là đầu tàu trong chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo cho nhiều huyện miền Tây; nhưng cũng đã dần bộc lộ bất cập và tỏ ra kém cạnh tranh trên thương trường.
Trên vùng đất rộng lớn tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) do nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành quản lý và sử dụng xanh bạt ngàn một màu xanh của cam; gặp chị Nguyễn Thị Thơm ở Đội 12 đang chăm sóc cam, chị cho biết: Trước đây, trên vùng đất này chỉ có cây bụi và sau đó là mía. Mía ở đây có thể xóa đói giảm nghèo, nhưng năng suất thấp không làm giàu được. Sau khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng của công ty, năm 2012 nhà chị đầu tư trên 100 triệu đồng chuyển qua trồng cam. Sau 3 năm chăm bẵm, cam của gia đình chị bói lứa quả đầu tiên. Trên vùng đồi nắng gió là những gốc cam cho quả sai lúc lỉu, trĩu cành. “Giống cam của Malaysia này cho thu hoạch sớm hơn, khoảng tháng 10 là hái được, năng suất theo tình hình này chắc cũng sẽ rất cao. Còn 1 ha cam ở quả đồi bên kia trồng giống Valenxia, năng suất không cao bằng nhưng chín muộn, bán vào dịp trước và sau tết, rất được giá. Hy vọng mưa thuận gió hòa, đồng vốn bỏ ra thu về xứng đáng”- chị Thơm nói.
Chăm sóc chè giống ở Anh Sơn. |
Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành là doanh nghiệp xếp hạng II, có 100% vốn nhà nước, sản xuất kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, được tỉnh giao quản lý và sử dụng trên 1.685 ha đất. Giám đốc Công ty - ông Hoàng Văn Minh cho biết: Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (gần 1.360 ha) đã được giao khoán cho cán bộ, công nhân và nhân dân trong vùng, đơn vị chỉ giữ lại một phần diện tích trên 7 ha để làm mô hình khảo nghiệm ứng dụng các tiến bộ KHKT (cây giống, các loại phân bón và thuốc BVTV). Công tác quản lý, quy hoạch đất đai chặt chẽ và hiệu quả. Việc giao khoán đất đai, vườn cây được thực hiện công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy hoạch về sử dụng đất bố trí cây trồng.
Từ đó đã tạo động lực đầu tư phát triển sản xuất, hiệu quả sử dụng đất ngày càng nâng cao, sản phẩm cam cho thu nhập bình quân 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, nhiều ha đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Đến nay đã có trên 80% diện tích tập trung phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa cây ăn quả có múi (cam, quýt) và cây công nghiệp dài ngày (cao su). Toàn đơn vị có 725 ha cam, quýt; 491 ha cao su; 142 ha mía nguyên liệu, khối lượng sản phẩm bình quân hàng năm là 5.000 - 5.500 tấn cam quýt, 250 - 300 tấn mủ cao su khô và 10 - 12 nghìn tấn mía nguyên liệu. Doanh thu hàng năm bình quân đạt 100 - 120 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 650- 800 triệu đồng, nộp BHXH 7- 8 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng đất bình quân 70 triệu đồng ha/năm, thu nhập người lao động 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Là một doanh nghiệp mạnh, nhưng sản xuất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành bộc lộ thiếu tính bền vững. Công ty đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, bảo vệ và xây dựng thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Vinh, hàng năm tổ chức nhiều chương trình tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước và quốc tế, góp phần lớn vào việc nâng cao giá bán và hiệu quả cây cam; nhưng thị trường đầu ra chưa ổn định. Bên cạnh đó, mặc dù đã làm tốt công tác quy hoạch, khuyến nông, quản lý chặt chẽ các loại giống cây trồng, song do thực hiện mô hình kinh tế hộ, các hộ nhận khoán chủ động toàn diện từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nên quá trình điều hành quản lý của công ty bị hạn chế. Lợi ích kinh tế chủ yếu được tập trung cho các hộ nhận khoán, nhà nước chưa có chủ trương chính sách thật cụ thể để thu được các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của các hộ nhận khoán cây cam.
Nhập nguyên liệu mía vào sản xuất tại Công ty mía đường Sông Con |
Nằm trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An từng có thời kỳ hoàng kim với các cơ chế giao khoán, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cà phê, cao su, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cũng như xây dựng cơ sở chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người nhận khoán đã tạo cho vùng Phủ Quỳ một màu xanh giá trị của cà phê, cao su xuất khẩu. Cao điểm diện tích cà phê có khi đã lên tới 1.000 ha (hiện chỉ còn 200 ha). Đơn vị có 5 nông trường trực thuộc, được tỉnh giao quản lý, sử dụng trên 4.000 ha đất và đến nay đã tổ chức giao khoán đến hộ sản xuất được trên 3.739 ha. Theo ông Trần Đức Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An kiêm giám đốc Nông trường Tây Hiếu 1, thì: Công ty đã thực hiện cơ bản tốt, công tác quản lý, sử dụng đất cơ bản được thực hiện chặt chẽ, ít xảy ra hiện tượng tranh chấp và sử dụng sai mục đích.
Toàn bộ diện tích Công ty quản lý được giao khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng cho cán bộ, CNV và người lao động trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và điều hành sản xuất, khuyến khích các hộ nhận khoán huy động thêm nguồn vốn, lao động trong đầu tư thâm canh vườn cây và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Công tác chuyển dịch cơ cấu cấu cây trồng thực hiện tốt theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai. Công tác đầu tư, chăm sóc vườn đảm bảo đầy đủ. Đồng thời, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nhận khoán được tăng cường, nhất là khâu dịch vụ KHKT cho người lao động. Hiện toàn đơn vị có trên 635 ha cây ngắn ngày như lúa, mía và cây màu; gần 3.000 ha cây công nghiệp (cao su gần 2.500 ha, gần 200 ha cà phê, trên 200 ha cây ăn quả); nhìn chung chất lượng các loại sản phẩm tốt, vẫn còn tiêu thụ được tuy giá thấp. Đơn vị cũng đã đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm theo công nghệ chế biến ướt của Brazil đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang các nước châu Âu; chế biến cao su được áp dụng dựa theo công nghệ Malaysia thành phẩm là mủ cốm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng như hầu hết các đơn vị nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay hoạt động của Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An cũng đang dần bộc lộ những bất cập; sử dụng đất màu mỡ nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận thấp, năng suất và giá trị các loại cây trồng theo thu nhập chưa cao (cà phê đạt doanh thu khoảng 50 triệu đồng/ha/năm; cao su 30 triệu đồng/ ha/năm); năng lực tiêu thụ còn thông qua ủy thác đối với cà phê, còn sản phẩm cao su đang phụ thuộc hoàn toàn vào phía đối tác Trung Quốc.
Nghệ An hiện có 12 công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp gồm: các công ty lâm nghiệp của các huyện Quỳnh Lưu, Tương Dương, Con Cuông, Đô Lương, Sông Hiếu; Các công ty nông nghiệp An Ngãi, Sông Con, 1-5 Nghệ An; Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An; Công ty nông công nghiệp 3/2; Công ty cà phê - cao su Nghệ An. Tổng quỹ đất mà 7 Công ty TNHH MTV nông nghiệp được giao quản lý, sử dụng là trên 16.155 ha; tổng quỹ đất các công ty TNHH MTV lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng là trên 59.500 ha; với tổng số động ở các đơn vị là 5.667 người. Tuy chưa thực hiện đầy đủ cơ chế khoán, quản lý theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ - CP của Chính phủ, nhưng những năm qua, các công ty đều có đầu tư theo hình thức cho vay (cây giống, vật tư, phân bón…) và thu hồi công nợ qua sản phẩm. Đồng thời có hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật, thu mua tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu cho người nhận khoán, cũng như quản lý và sử dụng những diện tích đất được giao theo đúng quy hoạch của nhà nước.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm. Doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, nộp thuế đầy đủ, có đóng góp cho ngân sách, bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tạo thêm việc làm cho hàng chục ngàn lao động là các hộ dân trên địa bàn vùng trung du, miền núi, vùng biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh...
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tốc độ tăng trưởng ở các đơn vị này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu. Bên cạnh đó bộ máy cồng kềnh, lực lượng lao động lớn, không tinh và khó quản lý. Các công ty đang sử dụng diện tích đất khá lớn nhưng diện tích ứng dụng công nghệ cao để cho ra sản phẩm giá trị còn quá ít. Ngay như Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chè Nghệ An là doanh nghiệp đã khá mạnh của ngành nông nghiệp, xuất khẩu chè đến các nước Pakistan, Trung Quốc, Nga, Afganistan, Anh… Sản lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 1.300 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 triệu USD. Hiện đơn vị đang quản lý, sử dụng 4.300 ha, trong đó có trên 2.000 ha chè. Nhưng cũng như những doanh nghiệp nhà nước khác, Công ty gặp khó khăn trong cạnh tranh, bị tranh mua tranh bán nguyên liệu gay gắt, thiếu vốn để đầu tư kho bảo quản, nâng cấp dây chuyền công nghệ và đầu tư cho vùng nguyên liệu, đời sống người lao động chưa cao. Bởi vậy, việc chuyển đổi hình thức sở hữu trong bối cảnh mới là cơ hội quan trọng.
Hay Công ty TNHH MTV 1/5 hiện đang có phương án chuyển đổi theo hình thức thành lập Công ty TNHH 2TV với sự góp vốn của Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU). Lãnh đạo đơn vị cho biết: Việc chuyển đổi này sẽ giúp đơn vị có nguồn vốn lớn hơn để đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt có thể chuyển 200 ha mía của đơn vị sang làm Trung tâm nghiên cứu giống mía và nhân giống mía phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu của NASU; đồng thời phối hợp hiệu quả trong nâng cấp, sử dụng Cơ sở chế biến phân bón của Công ty.
Thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, Nghị định số 118/NĐ – CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông, lâm trường, Thông tư số 02 của Bộ NN và PTNT, Thông tư số 17 của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Nghệ An đã có tờ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đề nghị phương án, sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông lâm nghiệp. Theo đó tùy từng doanh nghiệp mà có phương hướng sắp xếp khác nhau.
Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: Hiện phương hướng về sắp xếp, cổ phần hóa các DN nông lâm nghiệp toàn tỉnh cơ bản được xếp đặt vào từng vị trí hợp lý. Các công ty đã rà soát lại diện tích đất cần sử dụng, diện tích đất cần trả lại, số lao động dôi dư, bộ máy quản lý sau sắp xếp, tài sản nhà nước là bao nhiêu. Tỉnh có 5 công ty lâm nghiệp sẽ duy trì và củng cố làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Các công ty nông nghiệp tùy vào quy mô, vốn, hiệu quả để có hình thức sắp xếp khác nhau. Ví dụ như Công ty ĐT&PT chè Nghệ An là một doanh nghiệp có số vốn lớn nên cổ phần hóa để thu hút vốn đầu tư; Công ty lâm nghiệp tháng 5 là doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là vườn cây của người lao động, nên thành lập Công ty 2 thành viên, thực hiện liên doanh…
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Châu Lan - Phú Hương