Sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20 Biển Đông sẽ ra sao?

03/09/2016 06:59

Trước thềm Hội nghị G-20 ở Hàng Châu, báo chí thế giới đã đưa ra những dự đoán khác nhau về việc Trung Quốc sẽ làm Biển Đông dậy sóng như thế nào.

Sự “nhẫn nhịn” của Bắc Kinh sau phán quyết của PCA là có lý do, vì lần đầu tiên nước này được đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi. Họ chủ trương lái hội nghị chỉ bàn về kinh tế toàn cầu không đi sâu vào an ninh, nhất là không bàn đến những sai trái của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

bien dong se ra sao sau hoi nghi thuong dinh g-20 o hang chau? hinh 0
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép trên đó nhiều công trình quân sự. Ảnh: CSIS

Từ “nhẫn nhịn”

Học giả cao cấp về Chính sách Quốc phòng Harry J. Kazianis đã bình luận trên tờThời báo châu Á mới đây rằng, dù Trung Quốc gặp bất lợi sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông của Trung Quốc, không ai nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ bó tay mà chỉ là kiềm chế để chọn thời cơ mà thôi.

Bắc Kinh lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-20 từ ngày 4 đến 5/9 tại thành phố Hàng Châu. Với mục tiêu nâng cao vị thế của một siêu cường mới nổi, Bắc Kinh đã chọn kịch bản thận trọng ở Biển Đông để tỏ ra họ có vai trò nước lớn có trách nhiệm và không bao giờ là nước khơi mào rắc rối.

Mặc dù sau phán quyết từ PCA, Trung Quốc đã gửi đi những thông điệp cứng rắn, nhưng trên thực địa nước này đã không có các bước leo thang nào đáng kể trong thời gian qua.

Giới phân tích nhận định, Bắc Kinh cố “nhẫn nhịn” trước Hội nghị G-20 để phản ứng mạnh mẽ sau khi hội nghị đã kết thúc. Ngoài ra còn phải kể đến chiến thuật “giấu mình” để chờ thời điểm phản ứng thích hợp.

Thời điểm đó được cho là khi Mỹ - nước duy nhất có khả năng răn đe thực tế đối với Trung Quốc lại sắp lao vào nhiệm vụ quan trọng nhất là lựa chọn Tổng thống cho nhiệm kỳ 2017-2021.

Bắc Kinh đã chọn kịch bản kinh điển trên Biển Đông là “phát ngôn mạnh mẽ với nhiều tín hiệu, nhưng chưa có động thái leo thang”. Với tham vọng, Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tập trung bàn thảo về kinh tế, không đi sâu vào an ninh, nhất là tránh bàn đến phán quyết từ PCA vừa qua.

Đến “thời cơ”

Một học giả cao cấp về chính sách quốc phòng của Trung Quốc cho rằng tháng 9 tới, sau thời điểm kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-20, có thể là thời gian thuận lợi để Trung Quốc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ mà ít bị chú ý của dư luận quốc tế.

Giới quân sự Trung Quốc cũng cảm nhận rằng họ sẽ không phải chịu sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Obama muốn kết thúc nhiệm kỳ của mình mà không bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng ở châu Á. Đó là một thuận lợi, chắc chắn Bắc Kinh không thể bỏ qua.

Mới đây, trang tin chính trị - quân sự National Interest dẫn lời lẽ trên tờ South China Morning Post của Trung Quốc cho biết, có thể Bắc Kinh sẽ có động thái lấn tới để thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Cụ thể là cải tạo bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough mà nước này tranh chấp với Philippines.

Và phản ứng của một số nước

Theo Reuters, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có vai trò thành viên G-20 có thể sẽ không quên đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, mặc dù Jakarta vẫn ưu tiên tăng cường hợp tác song phương với nước chủ nhà, hơn là đại diện cho các nước Đông Nam Á.

Ông Pierre Marthinus, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Marthinus Academy (Jakarta), nhận định trên tờ South China Morning Post rằng: Tổng thống Widodo “tập trung vào các lợi ích chiến lược của Indonesia” nhưng ông vẫn không quên nói về vấn đề Biển Đông.

Ông Aaron Connelly, nhà nghiên cứu chuyên về Indonesia thuộc Viện chính sách quốc tế Lowy (Australia) lại có nhận định khác: “Indonesia tự xem mình là một cường quốc đang lên ở Đông Nam Á, và vì thế sẽ tìm kiếm cảm hứng từ Trung Quốc cho các nỗ lực tăng trưởng kinh tế của mình khi đến Hàng Châu - Trung Quốc”.

Quan hệ song phương của Jakarta với Bắc Kinh có tác động quan trọng lên cả ba trụ cột của chiến lược trung tâm biến Indonesia thành “trục hàng hải của thế giới” của ông Widodo muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh biên giới và bảo vệ tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế.

Chuyên gia Connelly nhận định: “Tổng thống Widodo xem Trung Quốc như một đối tác quan trọng, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng. Vì thế, ông ấy sẽ không gây tác động gì lớn lên Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sắp tới, mà chỉ tập trung vào các cơ hội song phương”.

Tính đến năm 2014, thương mại song phương hai nước Trung Quốc - Indonesia đã đạt 50 tỷ USD và Indonesia dự kiến sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong gói tài trợ đầu tư hạ tầng 87 tỷ USD trong chiến lược “Một vành đai - Một con đường” của Bắc Kinh. Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đã tăng đến 400% trong quý I/2016.

Quan hệ Jakarta - Bắc Kinh từng vấp phải căng thẳng từ đầu năm nay, xoay quanh việc Trung Quốc cho tàu cá đổ bộ hoạt động gần quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. Trong bài phát biểu với quốc dân ngày 15/8, ông Widodo cam kết sẽ “bảo vệ từng tấc đất chủ quyền” của đất nước.

Tuy nhiên, trước đây Jakarta thường nhấn mạnh việc đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng trong vài năm gần đây, nước này cũng đã bắt đầu quan ngại trước sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, khiến vấn đề này trở thành “điểm nghẽn” trong quan hệ hai nước. Indonesia cũng đã từng tuyên bố không công nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Khi Tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 7, Indonesia đã kêu gọi các bên “bảo vệ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tránh các hành động quân sự có thể uy hiếp hòa bình và ổn định khu vực”, yêu cầu Trung Quốc và Philippines tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Giới chức Trung Quốc cho đây là “động thái cho thấy Indonesia đang xa rời lập trường kiên định trước đây trong vấn đề này”.

Philippines cũng vừa mới thành lập đoàn đám phán với Trung Quốc do cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos dẫn đầu. Đây được xem là cuộc hội đàm có tính chất “phá băng” đầu tiên kể từ phán quyết của Tòa.

Trang National Interest dẫn lại nguồn tin mà báo Trung Quốc dẫn lời rằng sẽ tạo sức ép khiến Philippines phải “hòa giải”. Còn Manila một mặt sẽ phải kìm hãm tranh cãi, mặt khác phải tìm kiếm những điều khoản thỏa hiệp để đạt được một sự hòa giải với Trung Quốc, trên cơ sở phán quyết từ PCA./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20 Biển Đông sẽ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO