Sau phiên chợ tình

04/02/2013 21:54

Cái lạnh miền sương không bớt đi, nhưng đại ngàn Kỳ Sơn vẫn tràn trề sức sống. Chỉ vài đợt mưa xuân là núi rừng nơi đây choàng tỉnh, lộc biếc nõn nà xanh ngát, tách chồi rào rạt. Sức sống cũng chảy tràn trong trái tim của nhiều chàng trai, cô gái. Chợ tình Huồi Tụ (xã Huồi Tụ) nhìn xa như bức tranh đa sắc màu hòa quyện trong tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn của đôi lứa mến thương nhau.

(Baonghean) - Cái lạnh miền sương không bớt đi, nhưng đại ngàn Kỳ Sơn vẫn tràn trề sức sống. Chỉ vài đợt mưa xuân là núi rừng nơi đây choàng tỉnh, lộc biếc nõn nà xanh ngát, tách chồi rào rạt. Sức sống cũng chảy tràn trong trái tim của nhiều chàng trai, cô gái. Chợ tình Huồi Tụ (xã Huồi Tụ) nhìn xa như bức tranh đa sắc màu hòa quyện trong tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn của đôi lứa mến thương nhau.

Ở đây, cứ mỗi mùa Xuân về, cứ mỗi dịp chợ tình dập dìu thì người ta lại hát những bài ca cho tình yêu đôi lứa. Có những đôi trai gái đã mến thương nhau thì cô gái mong được chàng trai “bắt” về làm vợ. Khi yêu nhau, họ không cần biết mình đã đến tuổi được phép kết hôn hay chưa. “Ở Kỳ Sơn, vấn đề hạn chế tảo hôn là chuyện lâu dài, khó khăn” – Phó Ban Tuyên giáo huyện Kỳ Sơn - ông Đậu Việt Cường cho biết.



Những cô gái Mông rực rỡ giữa mùa Xuân.

Lầu Y Gầu (bản Phà Nọi, xã Đoọc Mạy) lấy Hờ Bá Lông (xã Nậm Cắn) khi cả hai đang còn học cấp III. Sau lễ cưới, họ rời mái trường, gắn bó cuộc đời mình với suối sâu đèo cao, vĩnh viễn gác lại những ước mơ tuổi trẻ vừa nhen sáng. Quả thật, các em mới vừa kịp lớn, chưa kịp khôn và không hề có một hành trang nào đảm bảo cho mái ấm. Thậm chí, cô bé Lô Thị Thiêm (bản Sa Vang, xã Tà Cạ) chưa học xong lớp 7 nhưng sau Tết Nguyên đán đã xuống trường xếp quần áo, trả sách vở cho nhà trường, về nhà lấy chồng. Đâu có ai quan tâm tới việc đã đủ tuổi hay chưa? Thầy cô vào tận nhà khuyên nhủ, nghe phụ huynh phân bua: “Nó nói không cho lấy thì nó ăn lá ngón tự tử”, cũng đành thở dài, cười méo xẹo khi nâng ly rượu chúc mừng hạnh phúc cho học trò của mình. Còn nhớ cách đây 4 năm, Lầu Y No (học sinh lớp 8C, trường nội trú huyện) là một học trò chăm ngoan và học giỏi, nhưng sau mùa Xuân đã không trở lại trường. Ngỡ rằng em đã làm vợ ai đó, sau những buổi chợ tình, dù người làm thầy, làm cô có thể tiếc nhưng còn đỡ xót đau hơn là khi nghe tin em đã phản ứng khi mẹ can thiệp vào chuyện lấy chồng của mình bằng cách ăn lá ngón! Ngay cả chuyện học sinh cấp II đi học, con ở nhà đã tròn vài tuổi không phải là không có!

Trên mảnh đất còn bộn bề khó khăn này, những câu chuyện nhói lòng như thế vẫn còn nhiều lắm. Lầu Y Bâu, mới học lớp 7 thôi, gương mặt em đã hằn sâu cam chịu. Người ta nói con gái Mông có “sức” cam phận rất giỏi, có khi cả cuộc đời chỉ thấy mỗi bàn chân nứt nẻ của chính mình mà không biết mặt trời mọc, lặn khi nào. Khi tôi hỏi “Nếu mùa Xuân này có người bắt em về làm vợ mà em không thích thì em có chấp nhận không?”. Lầu Y Bâu cúi mặt. Tôi thấy rõ sự phản kháng trong mắt em, vô cùng yếu ớt: “Em không muốn, nhưng nếu bố mẹ hai bên đồng ý thì em cũng chấp nhận”. “Nếu lấy chồng rồi em còn muốn đi học nữa không?”. “Chắc là không được nữa cô à, em ở nhà đi làm rẫy”. “Nếu em không thích, sao không nhờ chính quyền can thiệp?”. “Ở xã, họ không mấy quan tâm đến chuyện này”. Mẹ Y Bâu đang mắc bệnh ung thư gan, khuôn mặt và đôi mắt thăm thẳm buồn của em cứ ám ảnh tôi đến day dứt, nghẹn ngào. Không biết chính quyền địa phương nghĩ gì khi chứng kiến những cảnh đời như thế này?

Mỗi câu chuyện tảo hôn đều để lại những hệ lụy không nhỏ. Có những em học trò lớp 8-9, khi hỏi tuổi cô giáo của mình, mới bẽn lẽn: “Mẹ em cũng sinh năm 1984 như cô, mà không đẹp bằng cô đâu”. Đó là em Lỳ Y D, bố ở trại giam vì tội buôn thuốc phiện từ khi em còn ẵm ngửa, mẹ về “làm vợ không chồng” mười mấy năm, không biết hạnh phúc được mấy tháng ngày. Cậu học trò Lô Khăm K còn tội hơn, khi mỗi lần nhận thư bố mẹ từ trại giam Thanh Hóa gửi về trường, đều khóc nức nở. Cũng chỉ vì không biết sự nguy hại chết người của trò buôn ma túy, mà họ đã “bỏ rơi” hai đứa con vô tội cho họ hàng. K đã lớn nên rất đau khổ và xấu hổ. Em không biết sau khi tốt nghiệp cấp II, cuộc đời mình sẽ trôi dạt về đâu vì bố mẹ “ra đi không có ngày về”, sự cưu mang của anh em cũng chỉ đến có vậy!

Sau mỗi mùa Xuân, Trường cấp III huyện Kỳ Sơn lại “rơi tự do” không ít học sinh. Đó đã là chuyện “vốn dĩ nó phải thế”. Trong tôi, thấp thoáng hình ảnh những bà mẹ trẻ địu con đứa trước, đứa sau, mũi quẹt ngang lem nhem, ngơ ngác ở gốc cây ban, ngẩn ngơ nghe tiếng sáo chợ tình…

Tiếng sáo gọi mùa Xuân, gọi bạn tình đứng từ xa nghe đã thấy lòng xao xuyến, bồi hồi. Và tình yêu luôn không có tội. Chỉ mong ánh sáng mùa Xuân về kịp khắp mọi bản làng để ai cũng biết tìm cho mình một cách sống hạnh phúc, bớt xót đắng, khổ đau!


Mạc Khuê (Trường THCS Dân tộc Nội trú Kỳ Sơn)

Mới nhất
x
Sau phiên chợ tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO