Sau Tết, bệnh nhân nhập viện tăng đột biến

13/02/2014 15:05

(Baonghean.vn) - Thời tiết diễn biến phức tạp sau Tết nguyên đán đã khiến người già, trẻ em thi nhau nhập viện. Lượng bệnh nhân tăng đột biến cùng với sự xuất hiện của bệnh sởi ở trẻ em đang khiến nhiều người dân lo lắng.

Bệnh nhân tăng đột biến

Chúng tôi đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vào một ngày giữa tháng 2, đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa phùn, gió bấc khiến trời càng rét buốt. Từ ngoài sảnh bệnh viện, hàng trăm người dân tay bế, tay bồng đưa con mình đi khám bệnh. Tại Khoa khám bệnh, người dân ngồi la liệt ở ghế đợi dọc hành lang để chờ đến lượt. Ai cũng lo lắng, mắt trũng sâu. Các em bé nhỏ tuổi được bọc trong những chiếc chăn, chiếc áo phao lớn và được người thân thay nhau bế trên tay. Chốc chốc, vì lo lắng cho con không đủ ấm, họ lại nhờ người nhà tiếp thêm áo ấm, thêm chăn.

Bệnh nhân chờ siêu âm, chụp X- Quang tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.
Bệnh nhân chờ siêu âm, chụp X- Quang tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Ngồi co ro trước chờ đến lượt trước cửa hành lang phòng khám số 1, cụ bà Nguyễn Thị Dung ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc lo lắng hướng mắt vào phòng khám, chốc chốc lại cúi nhìn đứa cháu nội đang ngủ ngon lành trong chăn ấm đang được bà bế trên tay. Bố đi làm ăn ở miền Nam, bé trai 20 tháng tuổi ở nhà với mẹ và bà nội. Từ hơn 1 tuần nay, bé có biểu hiện nhác ăn, sốt kèm theo ho. Điều trị ở nhà không có kết quả, bà Dung cùng cô con dâu quyết định đưa cháu đi khám ở bệnh viện Sản Nhi. Đi từ giữa buổi sáng nhưng đến đầu giờ chiều, cháu của bà mới đến lượt khám với kết luận là viêm họng, viêm phổi, phải nhập viện điều trị.

Cùng chung hoàn cảnh như mẹ con bà Dung, nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng mang con đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám với tâm trạng lo lắng, bất an. Tất cả những bệnh nhi đến khám ở bệnh viện đều có từ 2 - 3 người nhà đi theo với đồ đạc lỉnh kỉnh càng khiến cho khu vực làm hồ sơ và khu vực khám bệnh, chờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện trở nên quá tải. Cảnh các ông bố, bà mẹ ngồi dặt dẹo ở khắp các dãy hành lang, các ghế đợi, tay xách nách mang túi đồ, mắt dõi theo con em mình với tâm trạng lo lắng trong tiết trời lạnh lẽo khiến cho không khí ở bệnh viện càng trở nên ngột ngạt.

Chen chúc chờ kết quả xét nghiệm.
Chờ kết quả xét nghiệm.

Không riêng gì khoa Khám bệnh mà tại các khoa khác như Cấp cứu, Hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, truyền nhiễm,… lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến. Tại một số khoa, phòng, bệnh viện đã phải kê thêm giường ở ngoài hành lang các phòng để phục vụ bệnh nhân.

Chị Quách Thị Thanh Bình, Điều dưỡng trưởng, Khoa khám bệnh cho biết, từ sau Tết Nguyên Đán, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 bệnh nhi vào khán và nhập viện điều trị tại bệnh viện. Các em vào viện với các triệu chứng như sốt cao, nôn, tiêu chảy, ho. Rất nhiều em ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa vào viện trong tình trạng bệnh nặng, phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng khoa khám bệnh – Bệnh viện sản nhi Nghệ An cho biết, tình trạng trẻ em nhập viện là do thời tiết thay đổi đột ngột, rét buốt kéo dài, một số phụ huynh chủ quan, không giữ ấm tốt cho các bé. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện trong những ngày gần đây là do sốt vi rút, sổ mũi, viêm phổi, tiêu chảy cấp. “Những ngày giá rét, các phụ huynh cần phải giữ ấm cho trẻ, hạn chế cho các em ra ngoài trời. Khi bệnh nhi có các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi, phụ huynh cần đưa con em đi khám ở các cơ sở y tế nơi gần nhất, tránh tình trạng vào nhập viện khi bệnh đã quá nặng”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà khuyến cáo.

Lượng bệnh nhi tăng đột biến khiến Khoa hô hấp phải kê thêm giường ngoài hành lang để cho bệnh nhân nằm.
Lượng bệnh nhi tăng đột biến khiến Khoa hô hấp phải kê thêm giường ngoài hành lang để cho bệnh nhân nằm.

Không riêng gì bệnh viện Sản Nhi mà tại các bệnh viện khác trên địa bàn Nghệ An, lượng bệnh nhân đi khám, nhập viện điều trị cũng tăng cao, đặc biệt là các bệnh liên quan đến người già, thần kinh, hô hấp. Tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, trung bình có hàng trăm bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị. Tại khoa Thần kinh, dù chỉ có 80 giường bệnh nhưng luôn trong tình trạng quá tải, Khoa phải kê thêm giường ở hành lang để phục vụ bệnh nhân.

Nỗi lo bệnh sởi lan rộng

Những ngày vừa qua, thông tin về một số bệnh nhi ở Hà Nội tử vong do bệnh sởi đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, trong số hàng trăm bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã có 10 cháu bé được xác định là bị bệnh sởi kèm theo biến chứng như viêm phổi nặng do phát hiện muộn. Hiện cả 10 cháu bé đều đang được điều trị tích cực tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện sản – nhi Nghệ An.

Ôm đứa con đầu lòng gần 8 tháng tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Hằng, ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu lo lắng cho biết, cách đây 10 ngày, con chị có những biểu hiện như sốt cao, khó thở, miệng bị nổi nốt và lở, chị đưa con đi khám và được chỉ định vào điều trị ở Khoa hô hấp. Thời gian điều trị tại đây, cháu bé có biểu hiện của bệnh sởi và được chuyển sang Khoa truyền nhiễm, điều trị ở khoa truyền nhiễm theo phác đồ bệnh sởi. Đến nay, tình trạng bệnh của bé có tiến triển hơn nhưng hai vợ chồng vẫn hết sức lo lắng vì bé vẫn đang phải nằm ở phòng cấp cứu của khoa. Thỉnh thoảng vẫn phải sử dụng máy thở. Chị Hằng cho biết, vì nhiều lí do khác nhau nên chị chưa đưa con mình đi tiêm phòng.

Bác sĩ kiểm tra một em bé bị mắc bệnh sởi đang điều trị ở Khoa truyền nhiễm.
Bác sĩ kiểm tra một em bé bị mắc bệnh sởi đang điều trị ở Khoa truyền nhiễm.

Nằm ở gần phòng cấp cứu, chị Nguyễn Thị Thu (SN 1987), trú tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc cũng rất lo lắng cho tình trạng bệnh của con trai Hoàng Tuấn Phát (14 tháng tuổi). Cách đây ít hôm, bé Phát được đưa vào viện trong tình trạng viêm họng nặng, có dấu hiệu bị bệnh tim và được nhập vào khoa Tim mạch để điều trị. Sau đó, bé có những biểu hiện của bệnh sởi như nổi phát ban đỏ, sốt, khó thở và được chuyển xuống Khoa truyền nhiễm điều trị. Tại đây, các bác sĩ xác định bé bị bệnh sởi. “Khi nghe tin con bị bệnh sởi, cả gia đình tôi đều rất lo lắng vì mấy hôm nay nghe thông tin bệnh sởi nguy hiểm ở Hà Nội. Hi vọng là cháu sẽ nhanh khỏi bệnh để sớm được ra viện trở về”, chị Thu tâm sự.

Một trong những biểu hiện của bệnh sởi ở trẻ em là nổi ban đỏ sau khi sốt.
Một trong những biểu hiện của bệnh sởi ở trẻ em là nổi ban đỏ sau khi sốt.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An cho biết, cả 10 bệnh nhân sởi đều được phát hiện muộn, đã chuyển sang biến chứng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ sẽ rất nguy hiểm. Ngoài nguyên nhân chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đủ liều thì một trong những nguyên nhân dẫn đến các cháu mắc bệnh sởi là do điều trị không đúng phác đồ hoặc gia đình tự điều trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn cho biết, một số cơ sở y tế hoặc các gia đình quá lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc corticoid dẫn đến các cháu nhỏ không còn sức đề kháng và bệnh sởi dễ thâm nhập. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo các bậc phụ huynh cũng như các cơ sở y tế tuyến dưới không nên quá lạm dụng kháng sinh và corticoid khi trẻ không bị nhiễm trùng hay viêm nhiễm. Đối với người dân, nếu trẻ có các biểu hiện như sốt, ho, khó thở cần phải đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và có các phác đồ điều trị đúng cách. “Từ 2 – 3 năm lại nay, bệnh sởi mới quay trở lại. Năm nay, bệnh sởi xuất hiện sớm và có những biến chứng nguy hiểm chính vì vậy các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý, đề phòng”, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo.

Điều đặc biệt, trong số 10 cháu bé nhập khoa điều trị vì bệnh sởi thì có một nửa là chưa được tiêm phòng, một nửa còn lại mới chỉ được tiêm phòng 1 mũi. Vấn đề này có sự liên hệ với những lo ngại về vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem sau những sự việc xảy ra liên tục trong năm 2013 khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không đưa con đi tiêm phòng. Điều này dẫn đến việc cuối năm 2013, tỷ lệ tiêm phòng trên toàn tỉnh chỉ đạt 90% so với 95% chỉ tiêu đặt ra. Bác sĩ CKI Phan Văn Công, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Vắc xin sinh phẩm, Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An cho biết, việc các cháu bé bị bệnh sởi ở Nghệ An chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đủ liều theo chỉ định 9 – 11 tháng tuổi phải tiêm phòng mũi 1, đến 18 tháng tuổi tiêm phòng mũi thứ 2 là điều đáng lo ngại. Trong thời gian tới, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh sẽ rà soát và tìm biện pháp nâng cao tỉ lệ tiêm chủng đạt và vượt mức 95% như kế hoạch.

Trước sự xuất hiện của bệnh sởi ở Nghệ An, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã có công văn gửi Trung tâm y tế các huyện, thành, thị trong tỉnh đề nghị tăng cường giám sát tích cực, phát hiện sớm các ca bệnh sốt phát ban nghi sởi/rubella ở các tuyến, gửi mẫu bệnh phẩm và phiếu điều tra về Trung tâm y tế dự phòng để chuyển ra Viện dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm. Các trung tâm y tế cơ sở cần tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về bệnh sởi, cách nhận biết và biện pháp phòng chống; tăng cường tỷ lệ tiêm chủng, kiểm tra, rà soát tỷ lệ tiêm vắc xin sởi tại các xã và có biện pháp tăng cường vắc xin cho những xã có tỷ lệ tiêm phòng thấp,…

Nhiều người lo lắng vì thời tiết giá rét kéo dài, trẻ  dễ bị ốm.
Nhiều người lo lắng vì thời tiết giá rét kéo dài, trẻ dễ bị ốm.

Thời điểm đầu năm cũng là dịp gắn với nhiều lễ hội, nhiều cuộc du lịch, du xuân trong khi các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp gồm các dịch bệnh cúm nguy hiểm đang hoành hành ở Trung Quốc. Nghệ An là tỉnh có nhiều điểm vui chơi, nhiều lễ hội thu hút du khách thập phương, việc kiểm soát dịch bệnh tránh lây lan là điều hết sức cần thiết. Bác sĩ Phan Văn Công cho biết, ngành y tế đang chủ động cùng với các ngành khác có biện pháp kiểm soát, không cho các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập qua khách du lịch, những người nhập cảnh, xuất cảnh từ vùng có dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An khuyến cáo khách du lịch cũng như người dân nếu có các biểu hiện bệnh cần phải đến cơ sở y tế để khám, tránh tình trạng tự điều trị ở nhà. Người dân cũng cần sử dụng các loại thực phẩm nhất là gia cầm sạch, có nguồn gốc rõ ràng bởi hiện nay, ở một số quốc gia, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lây lan sang người.

Trước đó, trong công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân, phấn đấu không để bệnh cúm A(H7N9) và các dich bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tại các lễ hội; bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh.

Đào Tuấn - Nguyên Khoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Sau Tết, bệnh nhân nhập viện tăng đột biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO