Sâu thẳm cõi thiêng...

19/07/2013 17:56

Nếu được đặt tên cho những tháng ngày, tôi đặt cho tháng Bảy là Tấm Gương Soi. Có phải không, đã bao năm qua, trên đất nước của chúng ta - một đất nước vụt sáng dậy từ những đêm trường chiến tranh, giặc dã, chúng ta đã dành tháng Bảy cho một cõi thiêng của lòng mình để nhớ về quá khứ, để ghi ơn những con người đã ngã xuống để giữ được tên làng, tên núi, tên sông.

(Baonghean) - Nếu được đặt tên cho những tháng ngày, tôi đặt cho tháng Bảy là Tấm Gương Soi. Có phải không, đã bao năm qua, trên đất nước của chúng ta - một đất nước vụt sáng dậy từ những đêm trường chiến tranh, giặc dã, chúng ta đã dành tháng Bảy cho một cõi thiêng của lòng mình để nhớ về quá khứ, để ghi ơn những con người đã ngã xuống để giữ được tên làng, tên núi, tên sông.

Trong tấm gương ấy, chúng ta sẽ thấy trên con đường bình yên ta vẫn đi hàng ngày, con đường xanh màu cỏ cây hoa lá, là con đường xưa “cả nước cùng ra trận”, có “tiếng bước chân đi mòn đá núi”, có những hàng cọc tiêu trắng kiên cường trong bão đạn, có tiếng ầm ì những chuyến xe vượt ngầm, vượt dốc hướng về phía Nam, có tiếng cuốc, tiếng xẻng chen trong tiếng hát, tiếng cười và tiếng bom gầm...

Trong tấm gương ấy, ta gặp những gương mặt sạm đen gió nắng, những mái đầu bạc nghiêng lại bên nhau trong cuộc hội ngộ ở chiến trường xưa. Cũng là họ, nhiều năm trước, là gương mặt thanh xuân nghiêng bên căn hầm trú ẩn, tỳ tay lên ba lô dọc đường hành quân để viết những dòng thương nhớ gửi về hậu phương. Cũng chính họ là những người đã chích máu mình để viết huyết tâm thư mong được ra chiến trường, mong được đối diện với kẻ thù để bảo vệ những gì mình yêu thương nhất, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong tấm gương ấy, ta gặp những dòng sông sóng cuộn, gặp những bè hoa, những ngọn nến rưng rưng. Bè hoa ấy, ngọn nến ấy đang trôi về miền tưởng nhớ, về những máu xương đã đổ xuống đất này, về những thanh xuân mãi mãi nằm lại với dòng nhật ký còn dở dang: “Mẹ ơi, chắc con không thể sống để nhìn thấy mẹ nữa...” (Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh - hy sinh trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị). Trong số những bàn tay của người thả hoa trên dòng Thạch Hãn, có bàn tay người lính đã từng ôm xác đồng đội trong lần vượt sông, cách cái chết một viên đạn lạc… Có bao nhiêu dòng sông của đau thương, chia cách bây giờ đang chảy hiền hòa dưới những chân cầu nối hai bến bình yên trên đất nước ta?



Mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Thanh đến với con trong đêm tri ân tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt Lào - Anh Sơn. Ảnh: Thành Chung.

Trong tấm gương, ta như nghe thật khẽ, giọt nước mắt của mẹ. Mẹ ngồi bên mâm cơm lặng im với những đôi đũa, chiếc bát bao năm qua mẹ vẫn dọn để chờ các con về. Mẹ gọi tên con trên những tấm di ảnh, khi lau bụi mờ trên những tấm huân chương... Bóng mẹ đổ xiêu chiều nghĩa trang, lưng mẹ như còng hơn xuống từng hàng bia mộ.

Ta cũng gặp khi soi vào tháng Bảy, niềm xúc động khôn cùng khi đứng trước những di tích, chứng tích, những kỷ vật kháng chiến. Chúng đến với ngày hôm nay bằng cách vượt qua không gian, thời gian, để hiện lên là chứng nhân lịch sử, thành cầu nối của quá khứ đến hiện tại và tương lai. Giờ đây chúng ta đang đối diện với quá khứ, để nhắc mình và nhân lên sức mạnh.

Quá khứ ấy, có đau thương, nhưng mãi là những tháng ngày cao đẹp nhất của dân tộc, của mỗi số phận con người mà sự bình yên bình hôm nay không cho phép lãng quên!


Nghệ An cuối tuần

Mới nhất
x
Sâu thẳm cõi thiêng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO