Sẻ chia từ gánh hàng rong

07/10/2014 10:51

(Baonghean) - Bất kể nắng hay mưa, trên những nẻo đường, góc phố thành Vinh, hình ảnh những người đàn ông lam lũ với gánh hàng rong, với những chiếc xe đạp lỉnh kỉnh hoa quả đã không còn xa lạ… Phía sau sự lam lũ, tảo tần ấy chính là sự sẻ chia của họ- những người chồng, người cha với gánh nặng mưu sinh cùng người vợ, dựng xây cuộc sống gia đình thêm no ấm, hạnh phúc...

“Gánh” hàng rong của anh Bùi Văn Chiến (quê Nam Định) trên đường phố TP. Vinh.
“Gánh” hàng rong của anh Bùi Văn Chiến (quê Nam Định) trên đường phố TP. Vinh.

Dạo một vòng trên các trục đường ở TP. Vinh, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những người đàn ông đi bộ hay cồng kềnh trên chiếc xe máy, xích lô ngược xuôi luồn lách khắp ngóc ngách đường phố bán các loại hàng như: muối, ổi, mít, chè xanh, táo, sầu riêng, dừa...

Với lỉnh kỉnh các loại quả trên chiếc xe máy, dừng bán tại điểm đường Hồng Bàng, anh Tạ Quang Tiến, quê ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu đon đả mời khách và vui vẻ cho biết: “Hết mùa vụ, để kiếm thêm đồng ra, đồng vào, mình bàn với vợ vào Thành phố Vinh làm ăn. Mùa nào thức nấy khi thì mít, ổi, táo, lúc thì đu đủ, dừa, na… chở từ quê vào thành phố bán. Thương vợ, không muốn vợ phải dãi nắng dầm mưa, tôi nhường vợ ở nhà nuôi gà, nuôi lợn, chăm sóc con cái, nhà cửa, còn tôi đi bán rong. Trước đây, tôi nghĩ, buôn bán hàng rau, quả là việc của đàn bà. Đàn ông làm việc này thấy kỳ quặc, ái ngại nhưng suy cho cùng đó là một nghề chân chính, buôn bán ngay thẳng, trung thực thì việc gì mà ngại”. Từ ngày anh Tiến đi bán hàng rong, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, con cái được học hành đầy đủ, như dịp đầu năm học mới vừa rồi, nếu không có số tiền anh gom góp gửi về, ở nhà vợ anh cũng khó xoay xở để đóng góp các khoản cho các con.

Còn với anh Bùi Văn Chiến (quê Nam Định) là người gắn bó với nghề bán hàng rong hoa quả hơn dăm năm nay. Chỗ bán hàng thân thuộc nhất của anh là khu vực Quảng trường. Với đôi dép đã mòn, anh lê từng bước mỏi mệt đẩy xe hoa quả nặng trĩu, gặp khách anh nhanh nhảu mời chào: “Mua ổi đi em ơi, ổi quê anh bán rẻ lắm!”. Sau một hồi trả giá, anh Chiến nhất trí bán với giá 25 nghìn đồng/kg. Anh chia sẻ: “Mình người Nam Định, lấy vợ quê ở Nghệ An. Gia đình khó khăn, vợ chồng phải gửi con cho bà nội trông nom vào đây mưu sinh. Hai vợ chồng đều bán hàng rong, vợ mình đi bán các mặt hàng tạp hóa, mình đi bán trái cây. Để chọn được những trái cây ngon, phải dậy từ 3h sáng vào chợ đầu mối, ban đầu chưa quen, toàn chọn phải quả bị dập, nên thường bị lỗ. Sau một thời gian, biết cách chọn, cách bảo quản để quả khỏi bị hỏng. Để kiếm được chỗ đứng bán làm sao không vi phạm an toàn giao thông, lại có thể gặp được nhiều khách cũng được anh nghiên cứu kỹ. Ngoài đứng bán xung quanh khu vực Quảng trường, anh thường đẩy xe đến một số điểm như góc đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai hay cổng chợ Hưng Dũng. Mỗi ngày nếu gặp khách, anh Chiến cũng kiếm được 70.000 - 100.000 đồng.

Trong lúc nói chuyện với anh Chiến có rất nhiều khách tới hỏi mua, người thì cân cam, người cân táo, cân ổi, có người kỹ tính đứng chọn cả buổi mới ưng ý nhưng cũng có người nhờ anh chọn giúp. Dù khách có kỳ kèo, anh Chiến vẫn rất vui vẻ trả lời từng câu hỏi của khách. Anh nói nhỏ: Bán hàng là phải vui, phải chiều khách, để lần sau người ta còn nhớ mình mà đến, cái nghề này nó cũng dạy mình tính nhẫn nhịn, chịu khó, lấy được tiền của thiên hạ đâu có dễ.

Lau vội những giọt mồ hôi, anh Chiến kể: Hai vợ chồng cùng đi bán hàng rong, chỉ dám thuê một phòng trọ bé tý ở gần Trường Đại học Vinh, buổi trưa ai lo người nấy, còn tối đến, chị thường về sớm hơn, tạt qua chợ mua mớ rau, con cá hay bìa đậu phụ về nấu cơm đợi chồng. Còn anh thì không kể, hết hàng sớm về sớm, có hôm hàng ế, phải cố đẩy hàng đi bán cho bằng hết mới thôi, có khi ăn tạm ổ bánh mì, rồi đứng bán cho đến 22h đêm. Cái thứ hàng quả này không để được lâu, kiểu chi cũng cố bán hết trong ngày để sáng mai còn đi lấy hàng mới. Hàng có ngon người ta mới mua, có như thế mới giữ được khách. Từ ngày tham gia bán hàng rong cùng vợ, cuộc sống của gia đình anh Chiến đỡ hơn rất nhiều. Mỗi tháng hai vợ chồng anh cũng tích góp được dăm triệu bạc, vài năm nữa anh sẽ sửa lại cái nhà, đầu tư cho con ăn học…

Còn anh Nguyễn Văn Hóa, quê ở Quỳnh Lưu, nhờ nghề bán hàng rong, cuộc sống của anh đã có ý nghĩa hơn. Anh chia sẻ: "Cuộc đời tôi là những tháng ngày bất hạnh. Năm 25 tuổi, vợ bị bệnh hiểm nghèo, rồi qua đời, để lại cho anh hai đứa con thơ dại. Nhà có vài thước ruộng nhưng vì gần biển nên bị nhiễm mặn, không trồng lúa được đành bỏ ruộng hoang đi làm thuê. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định vào Thành phố Vinh chở cam đi bán. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn vì đất khách quê người, lại không có mối bỏ hàng, lấy hàng. Bây giờ anh Hoá ngoài đứng bán ở các trục đường, anh còn nhập hàng cho một số quán cà phê, nước giải khát, cuộc sống của ba bố con nhờ đó đỡ vất vả…”.

Trước đây, việc bán hàng rong chủ yếu là phụ nữ, nhưng những năm gần đây, hầu như trên các con phố đã xuất hiện rất nhiều xe đẩy của các đấng mày râu tham gia đội quân này. Các anh đã góp phần làm nên một nét riêng cho những con phố và cho cuộc sống này nhiều màu sắc hơn.

Chia sẻ về câu chuyện khi đàn ông đi bán hàng rong thay phụ nữ, anh Tiến, anh Chiến đều có chung ý kiến: “Chúng tôi thuận lợi hơn chị em ở khoản sức khỏe, di chuyển và không lo bị trêu ghẹo, ít bất trắc khi gặp bọn côn đồ cướp, mua hàng không trả tiền. Đi bán hàng này, điều chúng tôi lo lắng nhất là chọn chỗ nào để không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Bởi có rất nhiều trường hợp đứng bán hàng không đúng nơi quy định, bị công an tịch thu cả xe, cả hàng, hay do chở quá cồng kềnh nên để xảy ra tai nạn… Nghĩ cho cùng nghề nào rồi cũng có rủi ro, miễn là mình phải hết sức cẩn thận”.

Thành phố đã bắt đầu lên đèn, những dòng người ngược xuôi đang hối hả về với mái ấm của mình sau một ngày làm việc mệt nhọc. Thế nhưng đâu đó trên các con đường, tuyến phố, bóng những người đàn ông vẫn cần mẫn ngồi bên xe đẩy với rất nhiều những trái ổi, trái táo … Họ đang hy vọng sẽ có thêm một vài người khách tới mua hàng, để chuyến hàng hôm nay sẽ không ế ẩm, để bánh xe quay nhanh hơn khi họ về nơi xóm trọ, để ngày mai họ lại bắt đầu một ngày mới với những hy vọng mới: đó là có tiền cho con tới trường, có tiền chữa bệnh cho vợ, có tiền để sửa lại căn nhà khi mùa mưa bão đang đến gần…

Bài, ảnh: Phạm Ngân

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Sẻ chia từ gánh hàng rong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO