Sẻ chia với những gia đình thiếu nước sinh hoạt
(Baonghean.vn) - Nắng hạn gay gắt làm gia tăng tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, nhiều gia đình phải thuê thợ khoan giếng sâu hàng chục mét mới có nước để dùng. Chia sẻ với khó khăn của người dân, nhiều thợ khoan giếng đã giảm giá thành, hỗ trợ các gia đình tìm nguồn nước.
Anh Ngô Trí Hùng (bên phải) xóm 11 xã Nghi Mỹ ( Nghi Lộc) hành nghề khoan giếng hơn 13 năm nay. |
Đến thời điểm này, hầu hết các giếng đào ở các xã vùng Tây của huyện Nghi Lộc đều cạn nước. Chính vì vậy nhu cầu khoan giếng ngày càng nhiều, nhất là các gia đình ở địa hình cao hơn. Có gia đình khoan đến 60 m mới có nước. Mỗi giếng khoan chi phí từ 10- 20 triệu đồng, nhiều hộ phải vay mượn tiền để khoăn giếng có nước sinh hoạt.
Anh Ngô Trí Hùng xóm 11 xã Nghi Mỹ ( Nghi Lộc) làm nghề khoan giếng hơn 13 năm nay cho hay: Gia đình đầu tư hơn 150 triệu đồng mua giàn máy khoan giếng. Năm nào cũng vậy, mùa khô đến là anh lại di chuyển giàn khoan đi khắp nơi để phục vụ người dân. Tuy nhiên, năm nay nắng hạn khốc liệt nên nhu cầu người dân khoan giếng tăng cao, do đó anh góp nhóm mua thêm 1 máy khoan, nhưng có những hôm vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng.
Để đảm bảo công việc trôi chảy, anh Hùng phải huy động hết các thành viên trong gia đình, đồng thời thuê thêm 1 thợ để trông coi và vận hành máy. Tháng cao điểm, 2 giàn máy của anh khoan được 12 giếng. Sau khi trừ chi phí nhân công, tiền dầu, anh thu về khoảng 30 triệu đồng/tháng, tuy nhiên anh cho hay gia đình nào khó khăn quá mình phải bớt giúp cho họ.
Anh Hùng chia sẻ: "Nhiều hộ khó khăn quá anh phải cho nợ đến mùa thu hoạch lúa mới lấy tiền công. Gặp những gia đình neo đơn, khó khăn chúng tôi đều giảm cho họ từ 1 - 1,5 triệu đồng/ giếng.
Hiện trên địa bàn Nghi Lộc có khoảng 50 chủ giàn khoan, mỗi chủ có từ 1-2 máy.
Anh Ngô Văn Tuấn- Thợ khoan giếng chia sẻ: sau khi mũi khoan đến độ sâu khoảng 50m mà vẫn chưa gặp được mạch nước thì đến 80% là giếng không có nước. |
Anh Lê Hồng Sơn, quê ở Yên Thành cũng làm nghề đào giếng. Anh Sơn cho biết: Tuy là quê ở huyện Yên Thành nhưng vào mùa khô hầu như năm nào anh cũng được nhân dân xã Nghi Văn (Nghi Lộc) gọi đến để khoan giếng.
Trong suốt quá trình khoan giếng, để giàn khoan hoạt động liên tục, chủ nhà thường lo cơm trưa cho thợ. Anh cam kết khi nào có nước mới thôi, bất kể khoan sâu bao nhiêu, vất vả bao nhiêu. Nếu trường hợp khoan hàng chục mét không có nước, anh chỉ đề nghị chủ nhà hỗ trợ tiền cơm và ít tiền dầu. Còn đối với hộ nghèo, anh phải giảm chi phí cho họ.
Các thợ khoan giếng cho biết: Khoan giếng có nước hay không tùy thuộc vào mạch nước ngầm. Những năm gần đây, do vào mùa khô mạch nước ngầm hạ xuống rất thấp nên nhiều chủ giàn khoan đối diện với nguy cơ vỡ hợp đồng. Có khi trong cùng một khu dân cư, nhà này chỉ cách nhà kia có bờ rào mà khoan nhà này có nước, còn nhà kia thì không. Đặc biệt, có nhiều lúc, mũi khoan đến độ sâu khoảng 50m mà vẫn chưa gặp được mạch nước thì đến 80% là giếng không có nước.
Trong khi đó, trước khi khoan giếng thường chủ nhà và chủ giàn khoan thực hiện theo hợp đồng đã ký như: phải khoan đạt độ sâu từ 35-60m; phải khắc phục sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng trong thời gian 2 tháng. Khoan khi có nước mới được lấy tiền... Gần đây do nắng hạn quá khốc liệt cho nên tỷ lệ khoan thành công chiếm khoảng 80%; còn 20% còn lại thì chủ giàn khoan bị vỡ hợp đồng (không có nước).
Anh Ngô Văn Tuấn thợ khoan giếng chia sẻ: "Có những giếng phải khoan trên 10 ngày. Thế nhưng nhiều lúc anh em kíp thợ buồn lắm, bởi khoan mãi mà không có nước. Lúc đó, chủ nhà, thợ và chủ giàn khoan đều không vui”.
Niềm vui sướng của gia đình bà Tuyến ở xóm 20 Nghi Văn sau khi khoan giếng có nước. |
Thu Hiền
Đài Nghi Lộc
TIN LIÊN QUAN