Sẽ khen thưởng GV, HS tích cực xây dựng THTT-HSTC
Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ trao tặng bằng khen tối đa cho mỗi tỉnh/thành phố 1 cán bộ/giáo viên và 1 học sinh có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực” năm học 2010-2011.
Theo đó, ở cấp học phổ thông, tiêu chí đánh giá học sinh tích cực bao gồm việc hiểu và tuyên truyền 5 nội dung phong trào, có ít nhất 1 việc làm tốt được thầy cô và bạn bè công nhận. Biết tự chăm sóc tốt sức khỏe bản thân và bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổ. Có tinh thần ham học hỏi, có phương pháp học tập tốt, biết liên hệ với thực tiễn để bổ sung kiến thức; chuẩn bị đầy đủ bài ở nhà và hăng hái tham gia phát biểu xây dựng bài ở lớp; giúp đỡ bạn cùng tiến bộ; kết quả học tập, hạnh kiểm có tiến bộ so với học kỳ trước hoặc giữ được ở mức cao nhất.
Mỗi tỉnh, thành sẽ có 1 HS được vinh danh trong phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực.
Chủ động và tích cực vận động bạn tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, công tác xã hội; thường xuyên tham gia ít nhất một trong các môn thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ hoặc một câu lạc bộ trong, ngoài trường tổ chức. Có kỹ năng, hành vi ứng xử văn hóa, giúp đỡ nhau về học tập, đời sống hàng ngày, phòng chống bạo lực, tệ nạn xã hội ở trường, gia đình và cộng đồng, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Tiêu chí trẻ tích cực ở mầm non được đánh giá thông qua việc chủ động, tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, học tập; tham gia các trò chơi dân gian, hát dân ca. tự tin, biết bày tỏ cảm xúc và ý kiến cá nhân; yêu quí và hoà đồng với các bạn. Mạnh dạn trong giao tiếp, lễ phép với người lớn. Có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; giữ vệ sinh cá nhân. Có thái độ biểu hiện yêu quí cây xanh, vật nuôi và chấp hành quy định về an toàn giao thông.
Để chuẩn bị sơ kết 3 năm thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bộ GD&ĐT cũng đề nghi các Sở GD&ĐT làm đầu mối của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết 3 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua ở các cấp thuộc phạm vi chỉ đạo và quản lý.
Trong đó tập trung vào các kết quả nổi bật, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp khắc phục ở cơ sở, cấp huyện và ở cấp tỉnh; sự tham mưu và chỉ đạo của ngành giáo dục và công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện phong trào thi đua; định hướng phát triển phong trào thi đua trong những năm tới (các vấn đề cụ thể cần tập trung giải quyết); xây dựng mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực ở mỗi cấp học phù hợp ở địa phương để mở rộng bền vững ở cấp tỉnh và các sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh.
Theo GD&TĐ