Sẽ trồng giống cao su mới thích nghi với gió bão ở Nghệ An

20/07/2017 09:11

(Baonghean.vn) - Trong 7 năm qua, người trồng cao su trên địa bàn Nghệ An gánh chịu 2 cơn bão, hàng trăm ha cao su bị đổ gãy; cần có giống cây cao su mới thích nghi với gió bão để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Anh Đặng Văn Thanh buồn bã trước vườn cao su bị đổ gãy do cơn bão số 2 tàn phá. Ảnh: Xuân Hoàng
Anh Đặng Văn Thanh buồn bã trước vườn cao su bị đổ gãy do cơn bão số 2 tàn phá. Ảnh: Xuân Hoàng

Đứng trước lô cao su vừa đổ gãy sau cơn bão số 2, anh Đặng Văn Thanh, xóm Tân Thái, xã Tân Phú (Tân Kỳ) buồn bã: Sau 7 năm trồng chăm sóc, những tưởng gia đình có khoản thu nhập ổn định từ 1,1 ha cao su, ai ngờ chỉ sau 1 đếm gió bão, gần như toàn bộ gần 600 cây cao ssu đổ gãy, không còn cơ hội khôi phục.

Cách đây 7 năm cũng vườn cao su này, một cơn bão của năm 2010 bẻ gãy hoàn toàn, gia đình anh đã đầu tư trồng lại, ai ngờ giờ lại bị bão tàn phá. Giờ chỉ biết chặt bỏ bán củi, nhưng chưa có khách đến mua nên chưa chặt.

Những vườn cây cao su trên 7 năm tuổi ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ bật gốc do bão số 2 gây nên. Ảnh: Xuân Hoàng
Những vườn cây cao su trên 7 năm tuổi ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ bật gốc do bão số 2 gây nên. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo anh Thanh, phía Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con cần có giải pháp chuyển đổi cây trồng khác, chứ không nên trồng lại cao su nữa, vì sợ bão lại tàn phá. Để trồng mới 1 ha cao su, người dân đầu tư khoảng 30 triệu đồng, sau 5 - 6 năm mới cho khai thác, nếu gặp bão thì trắng tay. Anh Thanh cho rằng, phía công ty cần tìm giống cao su mới có thể chống chọi với gió bão thì người dân mới yên tâm trồng cao su.

Cạnh đó là vường cao su 12 năm tuổi của gia đình bà Phan Thị Liên cũng bị đổ gãy rất nhiều cây. Bà Liên cho biết: Qua kiểm tra thấy tỷ lệ cây bị đỏ gãy chiếm trên 50% số cây, gia đình sẽ xin công ty thanh lý toàn bộ vườn cao su. Còn trồng cây gì thay thế thì chờ phương án thống nhất giữa công ty và người dân.

Bà Lê Thị Thủy, đội Yên Thái, xã Tân Phú có 2 ha cao su bắt đầu cạo mủ năm đầu tiên thì bị gió bão bẻ gãy 1,3 ha. Những cây nhỏ bị đổ, chặt làm củi, cây to thì tìm thương lái bán làm gỗ, những cây có thể khôi phục được thì chặt bớt cành, dựng lên dùng cây chống đỡ. Tuy nhiên những cây khôi phục sẽ giảm năng suất, vì bộ rễ không ổn định.

Vợ chồng bà ..... xót xa khi phải chặt cành để khôi phục những cây cao xu bị gió bão thổi nghiêng. Ảnh: Quang An
Vợ chồng bà Lê Thị Thủy xót xa khi phải chặt cành để khôi phục những cây cao xu bị gió bão thổi nghiêng. Ảnh: Quang An

Ông Phạm Ngọc Minh, đội trưởng đội Thái Yên (Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con) chia sẻ: Sau bão, anh cùng với các chủ vườn cao su thống kê thiệt hại một cách cụ thể từng gia đình, báo cáo với lãnh đạo Công ty để có giải pháp khắc phục. Đội Thái Yên có 24,5 ha cao su đang khai thác và 67 ha cao su đang giai đoạn kiến thiết, nhìn chung vườn nào cũng bị đổ gãy, tùy theo mức độ.

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con, đơn vị có hơn 215 nghìn cây cao su kinh doanh/537,59 ha và 336 ha cao su kiến thiết cơ bản với 151 nghìn cây. Trong đó hơn 86 nghìn cây cao khi kinh doanh bị đổ gãy, bật gốc (tương đương khoảng 200 ha) và hơn 60 nghìn cây cao su kiến thiết cơ bản bị đổ gãy (tương đương 150 ha).

Ông Phan Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con cho biết: Những diện tích thị thiệt hại từ 50% số cây trở lên, công ty cho thanh lý, trước mắt cho bà con trồng mía ổn định cuộc sống; những diện tích có tỷ lệ cây bị đổ gãy dưới 50% thì hướng dẫn bà con khôi phục. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ quy hoạch của UBND tỉnh 1.000 ha cao su, công ty tiếp tục có chính sách khuyến khích, động viên bà con trồng mới cao su trên vùng đất khác.

Ông Hùng cho rằng: Để đối phó với gió bão, tới đây công ty sẽ tìm giống cao su mới thích nghi với gió bão, cung ứng cho bà con trồng. Hiện nay một số tỉnh phía Nam đã trồng giống cây cao su chống chọi với gió bão, hiệu quả.

Báo cáo của UBND huyện Tân Kỳ cho thấy, cơn bão số 2 vừa qua đã làm cho 897 ha cây cao su trên địa bàn huyện bị đổ gãy tỷ lệ từ 30 - 70%.

X.Hoàng - Quang An

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Sẽ trồng giống cao su mới thích nghi với gió bão ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO