Siết chặt quản lý trọng tải xe

(Baonghean) - Tình trạng xe quá tải, quá khổ gia tăng làm hư hại nghiêm trọng các công trình giao thông đường bộ và mất an toàn giao thông. Để giải quyết vấn nạn này, việc siết chặt quản lý tải trọng xe đã được triển khai với nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý vận tải. 

Than phiền và trốn tránh!
Chiếc xe tải mang BKS 72N – 6299 là một trong số các phương tiện được lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông Nghệ An yêu cầu đưa vào Trạm cân lưu động đặt tại khu vực Đền Cuông (xã Diễn An - Diễn Châu) để kiểm tra tải trọng xe. Theo sổ đăng ký, xe tải này có tải trọng cầu, đường là 16 tấn, nhưng đã chở đến hơn gần 30 tấn và đã quá hạn kiểm định. Lý giải về hành vi chở quá tải quá mức này, tài xế xe phân trần: "Nếu cân 10 chiếc xe hàng thì hầu như 10 xe đều chở quá tải, có điều quá tải ít hay nhiều mà thôi. Mình chở vượt tải như thế này biết là vi phạm nhưng vẫn làm liều mới đủ trang trải cho chuyến xe. Nếu chở đúng tải thì không đủ chi phí, chỉ có nước bỏ nghề thôi "...
Trạm kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1A đặt tại Đền Cuông - xã Diễn An (Diễn Châu).
Trạm kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1A đặt tại Đền Cuông - xã Diễn An (Diễn Châu).
Một giờ đứng với lực lượng liên ngành xử lý xe quá tải tại khu vực đền Cuông cho thấy, việc kiểm tra và xử lý xe quá tải lưu thông trên Quốc lộ 1 qua địa phận Nghệ An nảy sinh khá nhiều vấn đề. Khi có trạm cân, nhiều tài xế xe tải tính nước "nằm ì" tại các quán cơm, cây xăng hoặc đậu ở bãi tập kết ven QL1 ở 2 đầu trạm cân giám sát thời gian nghỉ ca của trạm để cho xe chạy. Có xe  còn "cố thủ" trong nhà dân 2 bên đường để trốn tránh; Hoặc di chuyển theo kiểu đối phó, bám đuôi xe trước nhằm qua mặt lực lượng chốt chặn tại trạm cân. Một chiêu thức nữa để né trạm cân là các tài xế cho vài xe tải chạy không tải lên dẫn đầu đoàn, khi đến trạm cân, các xe "mồi" này bỗng dưng bị hư máy gây ách tắc đường dẫn vào trạm cân, các xe tải còn lại ở phía sau cứ thế tiến lên. Tình trạng các tài xế lợi dụng lúc chờ đoàn liên ngành giao ca để nối đuôi nhau vượt trạm cũng phổ biến. "Xe đang quá tải, qua trạm lúc này chắc chắn bị phạt nặng nên dừng lại rồi tính sau. Nói thật, chở quá tải cũng là kiểu "rút ruột ăn dần" thôi, vì vừa nguy hiểm, vừa nhanh hao mòn phương tiện. Trong tình cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao, chi phí đầu tư, sửa chữa phương tiện lớn, rồi đủ thứ thuế phí có tên, không tên, chúng tôi chỉ còn cách duy nhất để cân bằng thu chi là chở quá tải, mới bảo đảm có giá cước vận tải mà thị trường có thể chấp nhận được" - một tài xế lái xe tải chạy tuyến Thanh Hóa - Đà Nẵng không giấu giếm...
Theo quy trình kiểm soát tải trọng xe, sau khi cân xe nếu phát hiện vi phạm tải trọng, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu lái xe, chủ hàng phải hạ tải, tức là bốc dỡ số hàng quá tải xuống khỏi xe, tập kết tại các bãi chứa. Khi đúng tải trọng (theo giấy đăng kiểm của xe) thì mới được tiếp tục lưu thông.Theo đánh giá chung của cơ quan chức năng, những ngày đầu thực hiện cân tải trọng xe, hầu hết các xe đều chở quá chỉ số so với quy định cho phép; đã phát hiện hàng loạt xe được cơi nới, nâng thùng, thậm chí làm biến đổi kết cấu ban đầu của xe vận tải để chở hàng hóa vượt quá chỉ số cho phép. 
Kiên quyết xử lý
Từ sau ngày 1/4, người và phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu đã có phần "dễ chịu" hơn bởi mật độ phương tiện xe trọng tải lớn giảm đáng kể. Anh Hoàng Văn Chính ở xã Diễn An - Diễn Châu cho hay: "Đều đặn mỗi ngày hai lượt tôi đi từ Diễn An đến Thị trấn Diễn Châu để làm việc. Dù luôn ý thức phải cẩn thận khi tham gia giao thông, song mỗi khi đi gần các xe tải trọng lớn, các container tôi vẫn thấy "run" tay lái. Mấy ngày nay mật độ xe trọng tải lớn giảm nên tôi thấy việc di chuyển thuận lợi hơn".
Ông Nguyễn Khắc Chương - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: "Hiện một số đoạn tuyến QL1A qua địa phận tỉnh ta đang được thi công nâng cấp mở rộng nên việc tìm kiếm mặt bằng để đặt trạm cân gặp nhiều khó khăn và không bảo đảm ATGT khi đặt trạm (theo yêu cầu của trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động phải có nhiều vị trí đặt trạm khác nhau trên tuyến để hạn chế các xe đi đường vòng tìm cách tránh, vượt trạm, mặt bằng đặt trạm phải đủ rộng để có thể hạ tải). Việc các tài xế dừng xe trên đường, hàng quán, trạm xăng cơ quan chức năng không thể xử phạt vì họ không vi phạm lỗi gì. Vì vậy, muốn xử lý dứt điểm tình trạng xe né trạm thì các địa phương phải làm đồng bộ, quyết liệt, thực hiện lâu dài và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Nếu không mạnh tay, không xử lý công khai, minh bạch, chỉ cần lơ là xe quá tải sẽ "tái diễn".
Cũng theo ông Chương, theo Quyết định số 1196/QĐ-UBND phê duyệt nhân sự của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tổng số cán bộ, chiến sỹ, nhân viên làm việc tại trạm là 28 người, gồm lực lượng điều hành, vận hành trạm 10 người; lực lượng phối hợp 18 người. Trạm hoạt động liên tục 24h/24h trong ngày và được chia làm 3 ca, mỗi ca làm việc có 2 cảnh sát giao thông, 2 thanh tra giao thông và 1 kiểm soát quân sự. Tuy nhiên đến nay, Công an tỉnh mới điều động 6 cảnh sát, trong đó chỉ có 2 cảnh sát giao thông làm việc tại trạm, còn thiếu 4 cảnh sát giao thông.
Qua thực tế hoạt động của trạm thì các diễn biến trong quá trình kiểm tra tải trọng xe rất phức tạp, để đủ quân số và duy trì làm việc liên tục 3 ca/ngày đêm thì lực lượng phối hợp trong 1 ca làm việc phải có 7 người của lực lượng phối hợp. Như vậy lực lượng phối hợp cần có 21 người nhưng hiện nay mới chỉ bố trí, điều động được 13 người. Tổng số cán bộ, chiến sỹ làm việc tại trạm hiện nay so với yêu cầu mới có 13/31 người, chỉ đạt 45% số lượng cần thiết. Trong khi đó, mỗi ngày lưu lượng xe vận tải qua địa bàn Nghệ An có tới khoảng gần 1.000 lượt xe qua lại nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra. Mặc dù khó khăn nhưng thời gian tới Sở GTVT sẽ đưa trạm cân lưu động hoạt động trên tất các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lộ có lưu lượng xe tải đi lại nhiều như Tỉnh lộ 532, 536, 537...
Theo số liệu tổng hợp của trạm cân, tính từ ngày 1 - 17/4, trạm cân lưu động tại Nghệ An đã tiến hành xử phạt 188 phương tiện quá khổ, quá tải trong tổng số hơn 400 phương tiện được kiểm tra, (trong đó quá tải trọng trên 50 % là 128 xe, quá tải trọng từ 30- 50% là 23 xe, quá khổ là 6 xe...). Đã ra quyết định xử phạt 167 trường hợp, với số tiền phạt 872.100.000 đồng; tước Giấy phép lái xe thời hạn 1 tháng với 13 trường hợp, thời hạn 2 tháng đối với 108 trường hợp. Các xe tải trọng vượt quá mức quy định thường chở xi măng, sắt thép và hoa quả… Với đặc thù phương tiện chở hàng hóa đặc biệt như gas, xăng, dầu và hàng đông lạnh chở bằng container không thể tháo rời, có kẹp chì của cơ quan Hải quan thì được giải quyết bằng biện pháp phù hợp. Trung bình mỗi ngày trạm cân tiến hành kiểm tra được khoảng 30 xe tải khi đi qua địa bàn (mỗi xe kiểm tra mất gần 20 phút).
Những chiếc xe tải né trạm cân hiện vẫn còn tiếp diễn. Nhưng sự trốn tránh này hoàn toàn không phải là cách lâu dài, bởi các tài xế và chủ xe khó lọt qua tất cả các trạm kiểm tra tải trọng dọc tuyến quốc lộ được đặt trên tất cả các tỉnh, thành. Thay vì trốn tránh, các doanh nghiệp, nhà xe nên tính toán lại cách làm ăn, chấp hàng chở đúng tải để hoạt động kinh doanh vận tải của mình được ổn định, góp phần bảo vệ các công trình giao thông và an toàn giao thông.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng xe quá tải vào năm 2015 theo Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3/2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/4/2014 các tỉnh đã đồng loạt ra quân xử lý, chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải chở hàng quá tải trọng. Theo đó, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo cho 63 tỉnh, thành trên cả nước lắp đặt trạm cân di động trên những tuyến đường trọng điểm nhằm kiểm tra, giám sát tải trọng của các xe tải khi lưu thông. Ở Nghệ An, việc kiểm tra tải trọng xe đã được gấp rút tiến hành trên tuyến QL 1; trạm cân được đặt tại khu vực đền Cuông (xã Diễn An- Diễn Châu). Qua đánh giá của Sở GTVT, việc triển khai kiểm tra tải trọng xe đã "lật tẩy" hàng loạt xe có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải đang lưu thông hiện nay.

tin mới

Còn đâu tình làng nghĩa xóm…

Còn đâu tình làng nghĩa xóm…

(Baonghean.vn) - Giữa hai gia đình là hàng xóm, từng có thời gian thân tình “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng từ khi vướng vào tranh chấp đất đai thì hai bên xảy ra nhiều hiềm khích. Đỉnh điểm là việc hai cha con đã đoạt mạng hàng xóm khi người này vác dao sang nhà “nói chuyện”.

Quy trình đổi Giấy phép lái xe ô tô trực tuyến trong vòng 5 phút

Quy trình đổi Giấy phép lái xe ô tô trực tuyến trong vòng 5 phút

(Baonghean.vn) -Việc đổi giấy phép lái xe qua internet không chỉ giúp người dân tiết kiệm được thời gian công sức, mà còn giảm được khá nhiều chi phí do không phải đến tận nơi làm thủ tục. Hãy thực hiện quy trình đổi Giấy phép lái xe trực tuyến trong vòng 5 phút theo thứ tự các bước sau đây:

Cảnh báo muôn kiểu lừa đảo qua mạng và dấu hiệu nhận biết

Cảnh báo muôn kiểu lừa đảo qua mạng và dấu hiệu nhận biết

(Baonghean.vn) - Mặc dù các  ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, là hành vi lừa đảo tình cảm qua mạng xã hội...

Chiêu lừa đảo của 'nhà báo rởm'

Chiêu lừa đảo của 'nhà báo rởm'

(Baonghean.vn) - Thuê người làm giả thẻ nhà báo, “nổ” là Phó Tổng Biên tập một tờ báo điện tử, Nguyễn Thị Vân Anh đã lừa một đại gia đình ở huyện Diễn Châu hơn 12 tỷ đồng, khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khốn đốn, lâm cảnh nợ nần…

Thấy gì qua một vụ việc 'xâm hại' lòng đập thủy lợi?

Thấy gì qua một vụ việc 'xâm hại' lòng đập thủy lợi?

(Baonghean.vn) - BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã tròn 9 tháng. Nhưng, tại Nam Đàn, thời gian qua đã diễn ra sự việc "khó lý giải":  xúc, vận chuyển đất "xâm hại" lòng đập thủy lợi...