Sinh ra từ làng
(Baonghean) - Trong tuần qua, bài viết "Giải bài toán "ly nông bất ly hương" của nhóm tác giả Khánh Ly-Mỹ Hà đăng trên trang 5 Nhật báo ngày 7/2 nhận được số phiếu đề cử cao nhất với 38 phiếu. Bài viết đặt ra nhiều vấn đề khiến người đọc phải suy ngẫm, nhất là những thanh niên sinh ra từ làng. Sau đây là lời bình dành cho bài viết:
Những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ này, đọc trên các báo, có rất nhiều thông tin, hình ảnh những dòng người nêm chật trên những chuyến xe vào Nam, ra Bắc. Họ là những người lao động sau kỳ nghỉ Tết, nay trở lại các khu công nghiệp để bắt đầu một năm mưu sinh nhọc nhằn. Việc người dân "ly hương" lẫn "ly nông" đi lao động, làm ăn xa từ lâu nay vẫn là vấn đề làm đau đầu các cấp quản lý. Đó là một bài toán còn đành lòng để ngỏ lời giải, vì đây không phải là một phép cộng trừ đơn giản…
Tác giả đã khá mạnh dạn khi đặt tít "Giải bài toán ly nông bất ly hương". Bởi xét cho cùng, với một đất nước có 70% dân số sống ở vùng nông thôn, gắn bó lâu đời với nền canh tác "con trâu đi trước...", thì chuyển đổi, bứt phá nó không phải là chuyện một sớm một chiều. Với 3 tiểu mục, các tác giả đã tỏ ra tự tin cho cách giải của mình. Đó là khẳng định việc "Ly hương vẫn nghèo", cạnh đó, nêu lên một số điển hình "Những triệu phú làng quê" và cuối cùng kết lại bằng "Lời giải nào cho bài toán ly hương". Với dung lượng trên dưới 2.500 chữ để tìm lời giải cho vấn đề lớn, thiết nghĩ nhóm tác giả cũng đã phải dày công để chắt lọc ý tưởng, ngôn từ.
Như chúng ta đã biết, nông dân đang ly hương, đó là một sự thật đắng lòng. Với hơn 70% dân số gắn bó với đồng ruộng, đóng góp 20% GDP nhưng kinh tế nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ; các hộ gia đình nông thôn phải tìm nhiều công việc khác nhau để vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, khi về một miền quê, ta cảm nhận rất rõ sự đìu hiu, vắng vẻ khi mà những người trong độ tuổi lao động túa đi làm ăn khắp nơi, chỉ còn lại người già và trẻ con ở lại, thậm chí, số phụ nữ trong độ tuổi lao động ở lại quê nhà cũng không nhiều.
Tuy nhiên, mặc dù người nông dân ly hương, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám khó có thể dứt rời. Trong bài viết này, chúng ta đã được gặp chị Lê Thị Ngọc ở Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) khi đi đăng ký xin hưởng chế độ thất nghiệp sau 12 năm làm việc tại một công ty da giày ở Bình Dương. Trừ tiền nhà trọ, sinh hoạt và hàng trăm thứ khác, số tiền tích góp sau 12 năm ly hương chẳng còn lại là bao. Buồn hơn cả, chị vẫn dừng chuyến đò cuộc đời ở bến không chồng. Bài báo dẫn lời bà Lâm Thị Quế, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho thấy số người đăng ký thất nghiệp cuối năm thường cao hơn ngày thường. Điều này cho thấy, người lao động đã bắt đầu "chán" các khu chế xuất, khu công nghiệp mà "ánh hào quang" của nó đã mê hoặc họ một thời với mức lương trung bình hiện tại chỉ từ 2,5 - 3 triệu đồng. Một con số bèo bọt giữa thời kỳ bão giá quay cuồng, làm chóng mặt những thân phận ly hương. Cũng có thể sự ly hương lại ảm đạm theo cách khác, đấy là việc Nguyễn Thị Hà (Nghi Thịnh, Nghi Lộc) đã trót làm mẹ sau 2 năm lưu lạc làm ăn ở trong Nam. Đó chỉ là chấm phá của một bức tranh mang gam màu xám chủ đạo.
Trong một phát biểu mới đây, tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho rằng: "Việc chuyển dịch lao động là quy luật, là yếu tố tất yếu của quá trình phát triển, là động lực tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội, góp phần phân bố lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, giải quyết việc làm và phải được coi là bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phải chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây trồng có năng suất cao vào sản xuất. Việc quản lý lao động di cư phải theo hướng phát triển một thị trường lao động thống nhất, xóa bỏ các phân biệt giữa lao động đô thị và lao động nhập cư là điều kiện cơ bản và quyết định để lao động di cư hòa nhập vào đời sống xã hội nơi đến tại đô thị".
Như vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc đưa các cây trồng có năng suất cao vào sản xuất chính là một phần của giải pháp cho bài toán mà nhóm tác giả Khánh Ly - Mỹ Hà đã đề cập. Thực chất, đó chính là phần 2 của bài viết "Những triệu phú làng quê". Ở đây, nhiều người "bất ly hương" đã quyết tâm bám trụ làng quê. Quan trọng là họ biết tiếp thu cái mới để vươn lên như Hoàng Minh Khánh (Hưng Long - Hưng Nguyên) được giải thưởng Lương Định Của của TƯ Đoàn, chuyên sản xuất hàng XK mây tre đan với tổng doanh thu 3,5 đến 4 tỷ đồng. Hoặc như Trần Song Thành (Nghĩa Bình - Nghĩa Đàn) phát triển kinh tế VAC với tổng doanh thu trên 300 triệu đồng, tạo viêc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động... Đó cũng là những tấm gương không hiếm với người biết quyết tâm bám trụ, bền gan thay đổi cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương.
Thực tế thì hiện nay, tỉnh ta còn trên 1 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30. Đó là con số không nhỏ, ít nhất là nhìn từ cung cách làm ăn vẫn còn rất lạc hậu của nền nông nghiệp. Dẫu tỉnh đang cố gắng bứt phá, nhưng cũng mới ở giai đoạn khởi động. Huyện Nam Đàn với 2 nhà máy may Hanosimex và Havina Kim Liên cũng chỉ chứa được một số lượng nhất định con em Nam Đàn chứ chưa thể là số đông. Bức tranh này cũng là chung cho các huyện khác trong tỉnh.
Để phần nào giải quyết bài toán này, bài báo đưa ra một số giải pháp: Phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế trang trại, tạo việc làm ở khu vực nông thôn; cải tiến nông nghiệp, nâng cao năng suất của khu vực này, tăng các thị trường đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, phát triển các thị trường tài chính nông thôn; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để bảo đảm chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý nhưng phải hướng tới an ninh lương thực quốc gia… Ngoài sự quan tâm của Nhà nước và của tỉnh, rất cần sự hưởng ứng, chia sẻ của chính người dân trong việc tự trang bị, tìm kiếm việc làm phù hợp cho mình để không phải rời bỏ quê hương đến các tỉnh, thành phố để lăn lộn, kiếm sống bằng những công việc giản đơn, trong khi đó, những ngành nghề đó vẫn có thể tìm kiếm ngay tại quê hương.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ tiềm lực về khu vực nông thôn đầu tư sản xuất, thu hút con em địa phương vào làm việc. Và cuối cùng, như bài viết gợi mở, quan trọng nhất vẫn là "lao động trẻ ở nông thôn phải tự vận động, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, xác định, lựa chọn đúng hướng đi phù hợp khả năng và điều kiện thực tế của bản thân, của gia đình...".
Người Xây Dựng