Bất nhẫn trước cảnh hàng nghìn học sinh vùng sâu, vùng xa phải tự lo cho bản thân trong những căn phòng trọ tồi tàn để theo học cấp THPT, tại Hội nghị góp ý Dự thảo “Thông báo về hoạt động của MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền năm 2023; ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh; đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh về những vấn đề cần thiết”, tôi đã kiến nghị MTTQ tỉnh có ý kiến đến cấp có thẩm quyền, để quan tâm xem xét lại việc xóa chính sách nội trú trong trường THPT các huyện vùng cao. Cùng dự hội nghị có đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bà Hoàng Thị Thu Hiền. Nữ đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm vấn đề này, và kể ra một hiện tượng tại các huyện vùng cao mà theo bà thì đó là điều không bình thường.
Cụ thể, qua nhiều chuyến thực tế cơ sở ở các huyện vùng cao của tỉnh, bà Hoàng Thị Thu Hiền nhận thấy cứ vào dịp đầu Hè thường có những chuyến xe chở trẻ em ở độ tuổi học sinh phổ thông đi vào miền Nam. Đấy là những chuyến xe đưa các cháu vào với bố mẹ cho đến khi qua hết những tháng Hè. Từ thực tế này, nữ đại biểu Quốc hội tìm hiểu thì biết ở nhiều bản làng các huyện vùng cao, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống luôn thiếu người trong độ tuổi lao động, hầu hết chỉ còn người già và trẻ nhỏ.
Điều đáng nói là những cặp vợ chồng trong độ tuổi lao động ấy khi rời quê hương kiếm sống thì thường trang bị cho con mình smartphone để tiện việc liên lạc. Trong khi trên smartphone đầy rẫy các thông tin xấu độc. Các cháu sống cùng ông bà, thiếu sự quản lý của bố mẹ nên rất dễ bị tiêm nhiễm, chịu những tác động xấu. “Ở vùng núi cao đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên đang gia tăng. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng đấy là sự thật. Vì thế, chúng tôi nghĩ cần phải nhìn những chuyến xe chở trẻ nhỏ vào miền Nam trong những ngày hè là điều không bình thường để có sự quan tâm…” – đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hoàng Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Sự thật là dù thường xuyên ngược lên các huyện miền núi của tỉnh nhưng tôi chưa biết về những chuyến xe chở trẻ em hướng vào miền Nam. Nhưng tin là có những chuyến xe như vậy, và cũng nghĩ đấy là điều không bình thường.
Tin và nghĩ vậy bởi đã chứng kiến nhiều hình ảnh phản ánh điều tương tự trong tháng 9/2023, qua những chuyến đi dài ngày đến 5 huyện miền núi cao của tỉnh gồm: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu và Quế Phong. Ở những huyện này, phần lớn thời gian của chúng tôi dành cho việc tìm hiểu điều kiện sống, nền nếp sinh hoạt học tập của các học sinh từ vùng sâu vùng xa về trung tâm huyện ở trọ để theo học cấp học THPT. Thấy ở đó, là những đứa trẻ thiếu vắng sự quản lý của gia đình. Nhiều em đầu tóc bù xù, cặp mắt đỏ quạch, khuôn mặt ngái ngủ, bên những chiếc smartphone. Cùng với sự thấy, còn được nghe rất nhiều lời ta thán, băn khoăn, lo lắng về tình trạng mất an ninh trật tự, về chất lượng học tập của học sinh sa sút, về tệ nạn xã hội xâm nhập vào những căn phòng trọ. Một ví dụ được nghe từ chính những người làm công tác giáo dục là ở huyện Quỳ Châu có 4 học sinh vi phạm pháp luật khi sa vào tệ nạn ma túy. Trong đó, có 3 học sinh đã phải chịu án từ 5 – 7 năm tù, một học sinh bị cải tạo không giam giữ với thời gian 10 tháng.
Tin và nghĩ vậy còn bởi biết trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ trường có học sinh dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã nhìn nhận: “Chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh còn có sự chênh lệch lớn; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Trường, lớp học chưa đảm bảo, các yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; nơi ăn, chỗ ở của học sinh các trường có học sinh dân tộc bán trú còn nhiều thiếu thốn; chế độ cho học sinh, giáo viên, nhân viên còn một số bất cập; sự bất bình đẳng cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục ngày càng lớn. Bất bình đẳng trong giáo dục xói mòn động lực phấn đấu của người trẻ, làm giảm mức độ năng động của sự dịch chuyển xã hội, là nguồn gốc tạo ra bất ổn xã hội”.
Và như Bí thư Huyện ủy Tương Dương, ông Nguyễn Văn Hải đã nói ra: “Hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới toàn diện giáo dục; và thực hiện Chương trình giáo dục năm 2018. Nhưng phải nói thẳng nói thật là chúng ta chưa đảm bảo sự đồng bộ để thực hiện. Đặc biệt khi ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện thì chưa được đầu tư một cách đồng bộ…”.
Tin và nghĩ vậy thì mong muốn chất lượng giáo dục ở các huyện vùng cao của tỉnh được nâng lên. Bởi Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị “về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ ra, dù miền Tây Nghệ An đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; và có yêu cầu phải thúc đẩy phát triển bền vững miền Tây Nghệ An.
Mà để giúp miền Tây Nghệ An phát triển bền vững được, trong những điều cần thì cần hướng đến con người. Ở đây, là công tác giáo dục thế hệ trẻ. Vì nếu vẫn nguyên tình trạng trẻ em trọ học, thiếu vắng sự quản lý của gia đình và nhà trường, thì sẽ vẫn tái diễn những điều không bình thường phải day dứt!