Sớm giải quyết vướng mắc vùng nguyên liệu TH và người dân Yên Thành

(Baonghean) - Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng đông bắc Nghệ An (xã Lăng Thành, Yên Thành) đã thực hiện đền bù GPMB, tuy nhiên, một số hộ dân có “giấy tờ giao đất lâm nghiệp” gây cản trở quá trình sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Vấn đề đặt ra là cần tháo gỡ khó khăn, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và giải quyết vướng mắc của các hộ dân để hai bên cùng có lợi. 

Năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An cho phép Tập đoàn TH đầu tư mở rộng dự án chăn nuôi bò sữa được chuyển đổi từ Tổng đội TNXP 6 ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành và giao cho Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Sĩ Đa - Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc cho biết: Sau khi Tổng đội TNXP 6 bàn giao cho Tập đoàn TH, chúng tôi đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng trên 280 tỷ đồng với diện tích 2.167 ha. Nhưng 2 năm qua có 12 hộ dân gây cản trở trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với nhà đầu tư ở các khu vực Nhà Đũa, Đá Đen xã Lăng Thành và Kim Thành.

Có 5 hộ dân ở xã Lăng Thành phát đốt trái phép một số diện tích của Công ty. Trong 2 năm qua có 8 hộ dân của xã Kim Thành đã trồng cây trên diện tích 45 ha của Công ty, chúng tôi đã báo cáo chính quyền địa phương xã Kim Thành nhiều lần lên giải quyết, nhưng không thành công. Trong ngày 24/4/2017, hộ gia đình bà Trần Thị Nghĩa ở xã Kim Thành đã huy động hơn 20 người tổ chức trồng cây trên đất của Công ty, chúng tôi đã yêu cầu phải dừng việc trồng cây. Nhưng đến ngày 30/4, bà Nghĩa lại tiếp tục huy động hơn 30 người đến trồng cây. 

Người dân xã Kim Thành (Yên Thành) đến vùng rừng Nhà Đũa để trồng cây. Ảnh: Văn Trường
Người dân xã Kim Thành (Yên Thành) đến vùng rừng Nhà Đũa để trồng cây. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Sĩ Đa cho biết thêm: Số hộ dân trên đều có giấy tờ giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02-CP ngày 15/1/1994. Vấn đề vướng mắc ở chỗ là thời điểm năm 2003, UBND tỉnh giao đất cho Tổng đội TNXP 6 với trên 3.000 ha, trong đó chồng lấn cả một số diện tích đất lâm nghiệp của bà con, nhưng ngành chức năng cũng không đền bù GPMB cho bà con để giao đất cho Tổng đội TNXP 6.

Sau này, Tổng đội TNXP 6 chuyển đổi cho Tập đoàn TH, thì Tập đoàn  đã đền bù bồi thường GPMB cho Tổng đội TNXP 6. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra rạch ròi, để chúng tôi có mặt bằng sạch thực hiện sản xuất kinh doanh mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Về phía người dân, qua trao đổi, bà Nguyễn Thị Lan ở xóm Nhà Đũa, xã Kim Thành (Yên Thành) - một trong những hộ dân khiếu nại,  cho biết: Gia đình tôi được giao 173,4 ha đất rừng, vào ngày 14/4/1998, tôi đã nhận được 7 quyển sổ lâm bạ. Năm 2003, Tổng đội TNXP 6 về tại địa phương, phối hợp với UBND xã mượn đất làm kinh tế vườn đồi, nhưng không thông qua dân và cũng không có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền. Hiện trong 173,4 ha đất sổ lâm bạ đều mang tên chồng tôi là Nguyễn Văn Đồng thì chúng tôi đang sử dụng hơn 20 ha, còn lại 153 ha đất rừng hiện nay Tập đoàn TH đang sử dụng.

Mong muốn của chúng tôi là được các cấp, ngành giải quyết để chúng tôi lấy lại số đất trên... Bà Trần Thị Nghĩa cũng ở xóm Nhà Đũa, xã Kim Thành, chia sẻ: Năm 1998, chúng tôi có quyết định giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp với 2,6 ha. Từ năm 2003, Tổng đội TNXP 6 đã lấy đất của chúng tôi. Do không có đất để sản xuất nên chúng tôi đã lên vùng đất này để trồng cây keo tràm và có xảy ra va chạm với người của Tập đoàn TH. 

Tổng diện tích được cấp bìa lâm bạ cho 8 hộ dân ở xã Kim Thành nằm trong diện tranh chấp là trên 250 ha, trong đó hộ có diện tích đất tranh chấp nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Lan với 173,4 ha, ông Nguyễn Phúc Hòa: 63 ha, ông Hoàng Vũ Phượng: 21 ha... Theo các hộ dân thì ngay thời điểm bàn giao đất có cán bộ lâm nghiệp của các cấp tỉnh, huyện, xã đến bàn giao đất, chủ yếu là phát lô để đánh dấu nên thời điểm này để xác thực được vị trí đâu là đất của mình.

Ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Kim Thành nói: Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng cây trên đất của dự án, nhưng tình hình vẫn phức tạp, nhiều bà con vẫn cố tình trồng keo, tràm trên đất này. Vì vậy ngành chức năng cần phải có phương án để tháo gỡ vướng mắc tranh chấp đất đai ổn định an ninh trên địa bàn.

Bìa đất lâm nghiệp của một số hộ dân. Ảnh: Văn Trường
Bìa đất lâm nghiệp của một số hộ dân. Ảnh: Văn Trường

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh, UBND huyện Yên Thành đã họp bàn các phương án để tháo gỡ khó khăn. Ngày 25/3/2016, UBND tỉnh đã có thông báo số 170/TB-UBND về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Viết Đường (nay là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh) tại buổi làm việc về khiếu nại của công dân liên quan đến công tác bồi thường GPMB tại Tổng đội TNXP 6.

Nói về vấn đề tranh chấp đất đai giữa Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu TH và một số người dân các xã Kim Thành và Lăng Thành (Yên Thành), đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND huyện Yên Thành cần sớm rà soát xong diện tích nằm trong vùng tranh chấp và trình UBND tỉnh; UBND tỉnh sẽ xem xét và giải quyết theo pháp luật.

Ngày 24/9/2016, UBND huyện cũng có Kết luận số 195/TB-UBND tại cuộc họp để xử lý các vướng  mắc trong công tác GPMB tại Tổng đội TNXP 6. Ngày 8/3/2017, UBND huyện Yên Thành có Thông báo số 34/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp xử lý các vướng mắc trong GPMB tại dự án của Tập đoàn TH. Tuy nhiên, đến thời điểm này thực trạng trên  vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. 

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Thực tế thì diện tích đất bà con tranh chấp với dự án của Tập đoàn TH đều có bìa đất lâm nghiệp. Mâu thuẫn là năm 2003, tỉnh giao đất cho Tổng đội TNXP 6 nhưng cũng không rà soát xem một số diện tích đất đã có bìa đất lâm nghiệp hay chưa, dẫn đến tình trạng cấp đất chồng chéo, người dân đòi hỏi quyền lợi.

Để giải quyết tình trạng trên, trước mắt UBND huyện sẽ cho rà soát lại các diện tích đất của các hộ dân bị chồng lấn, thực địa có phù hợp với hồ sơ được cấp hay không. Sau khi rà soát xong thì sẽ có ý kiến với UBND tỉnh xin được xử lý. Thời gian này, huyện phối hợp với UBND các xã Kim Thành, Lăng Thành tuyên truyền, vận động người dân không cản trở nhà đầu tư, đảm bảo an ninh trật tự để chờ ngành chức năng giải quyết thấu đáo. 

Hiện nay nhà đầu tư đang rất cần mặt bằng “sạch” để sản xuất, kinh doanh đảm bảo tiến độ, trong khi người dân đang đòi hỏi quyền lợi. Cơ quan chức năng có chức trách thẩm quyền cần sớm điều tra, làm rõ để ổn định tình hình.

Hải An

tin mới

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.