Sớm làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Vinh

04/03/2014 09:56

(Baonghean) - Những ngày qua, trên sông Vinh xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt khiến người dân lo lắng, hoang mang. Việc ô nhiễm sông Vinh không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của những người làm nghề chài lưới trên sông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.

(Baonghean) - Những ngày qua, trên sông Vinh xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt khiến người dân lo lắng, hoang mang. Việc ô nhiễm sông Vinh không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của những người làm nghề chài lưới trên sông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.

Hơn 50 tuổi nhưng ông Đoàn Văn Vinh ở khối 2, phường Trung Đô, Thành phố Vinh đã có hàng chục năm làm nghề chài lưới. Địa bàn hoạt động chính của bố con ông là khu vực sông Vinh, đoạn từ Ba ra Bến Thủy đến cầu Cửa Tiền. Hàng ngày, với chiếc thuyền nhỏ, không kể mưa hay nắng, hai bố con ông đều chèo thuyền đi thả lưới, đánh cá trên sông, lượng cá đều đặn đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng mấy ngày nay, việc đánh cá buộc phải ngưng lại vì cá chết nổi trắng trên sông. Sáng 3/3, sau một hồi thả lưới nhưng không có kết quả, hai bố con ông buồn bã chèo thuyền dọc sông, dùng chiếc vợt để gom cá chết, thu dọn mặt sông. Những con cá trắm, mè, chép và cả những con cá rô phi lớn bằng bàn tay chết nổi trắng bụng, bốc mùi hôi thối nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nằm lẫn trong những lớp bèo tây.

Ông Vinh tâm sự, vì xót xa quá nên hai bố con dùng vợt gom lại một chỗ chứ số cá chết này không ai dám vớt về dùng vì không hiểu nguyên nhân chết là do đâu? “Nghĩ mà tiếc, mà xót xa. Chúng tôi giăng lưới cả ngày cũng chỉ mong để bắt được vài con cá thế này thôi. Giờ cá chết trắng sông nhưng không biết làm sao cả. Mấy hôm nay, thả lưới đều không được con nào. Chắc là cá chết hết rồi”, ông Vinh buồn bã. Phía dưới chân cầu Đen thuộc phường Trung Đô, một số người dân khác cũng mang câu đi thả nhưng vì nước sông bốc mùi hôi thối, cá chết nổi lờ đờ trên mặt nước và bắt đầu phân hủy nên đành mang lưới về. Vừa dùng tay bịt mũi vừa cuốn dây câu, anh Nguyễn Đức Mạnh cho biết, thường ngày, sông Vinh là địa chỉ đi câu khá thú vị, nước chảy chậm, cá nhiều nhưng mấy hôm nay cá chết hàng loạt, thả mồi xuống không ăn trong khi mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.

Ông Đoàn Văn Vinh gom cá chết đã phân hủy trên sông Vinh.
Ông Đoàn Văn Vinh gom cá chết đã phân hủy trên sông Vinh.

Theo một số ngư dân chèo thuyền thả lưới trên sông Vinh, chúng tôi đi xuống Ba ra Bến Thủy. Ngay ở chân cống, lẫn trong đống bèo tây là những túi bóng, rác rưởi cùng những con cá chết đã bắt đầu phân hủy. Cạnh đó, đàn cá hàng trăm con khác cũng nổi lờ đờ trên mặt nước. Ông Bùi Xuân Lân (khối 2, phường Trung Đô) người có nhiều năm trồng rau, nuôi gà sát mép sông Vinh khu vực Ba ra Bến Thủy cho biết, mấy hôm trước, cá chết trắng cả khúc sông nhưng sau đó Ba ra Bến Thủy mở cửa để điều tiết nước, cá theo dòng chảy hết ra sông Lam. “Từ lâu lắm rồi mới thấy cá chết nhiều như thế này. Nguyên nhân cá chết là do dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen ngòm, bốc mùi hôi, rác rưởi, xác súc vật tấp đầy sông. Chúng tôi không thể sử dụng nguồn nước sông để giặt giũ, sinh hoạt như trước đây nữa”, ông Lân bức xúc.

Ông Lê Đình Nam, Trạm trưởng Trạm Ba ra Bến Thủy, người có thâm niên 20 năm gắn bó với đoạn sông Vinh ở cuối nguồn cho biết, sông Vinh có vai trò quan trọng, vừa cung cấp nước thủy lợi, phục vụ nông nghiệp, vừa là nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân Thành phố Vinh. Sông chảy từ Nam Đàn về, qua nhiều khu dân cư khác nhau, trong đó đoạn chảy từ cầu Cửa Tiền về đến hạ nguồn Ba ra Bến Thủy ô nhiễm trầm trọng nhất. “Nếu khoảng 10 ngày mà Ba ra không mở cống thì ngay lập tức có hiện tượng cá chết vì nguồn nước bị ô nhiễm từ phía thượng nguồn, tích tụ lại ở chân Ba ra. Nếu mở cống liên tục thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước, các trạm bơm thủy lợi trên sông sẽ không đủ nước để bơm phục vụ người dân”, anh Nam cho biết. Theo phân tích của anh Nam, nguyên nhân dẫn đến việc sông Vinh đoạn chảy qua các phường Cửa Nam, Vinh Tân, Trung Đô và xã Hưng Lợi (Thành phố Vinh) bị ô nhiễm là do ý thức của người dân quá kém. Các khu dân cư dọc sông thường xuyên xả rác, các loại xú uế và nước thải sinh hoạt xuống sông. Đây là nguyên nhân đã khiến dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Điểm tập kết rác nằm ngay mép sông
Điểm tập kết rác nằm ngay mép sông

Ông Nguyễn Xuân Huân, Chủ tịch UBND phường Trung Đô cho biết, cách đây 2 năm, trên sông Vinh cũng đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt như mấy ngày vừa qua. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mà còn gây tâm lý nghi ngại cho người dân, nhiều người đoán già đoán non không hiểu sông Vinh đang ô nhiễm mức nào. “Chính quyền và người dân chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, đánh giá mức độ ô nhiễm cũng như hậu quả của việc ô nhiễm trên dòng sông này”, ông Huân cho biết.

Được biết, khi phát hiện tình trạng cá chết bất thường trên sông, UBND Thành phố Vinh đã đề nghị Phòng Tài nguyên & Môi trường phối hợp với các xã, phường dọc sông kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống cửa xả, cống xả dọc sông. Ông Lê Quốc Hồng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nào xả thải trực tiếp ra sông Vinh. Do khu vực bị ô nhiễm nằm ở cuối nguồn, trong khi sông chảy qua nhiều khu dân cư ở trong và ngoài Thành phố Vinh nên chưa thể kết luận được nguyên nhân vì sao cá chết cũng như chưa xác định được điểm gây ô nhiễm chính nằm ở khu vực nào.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc sông Vinh từ đoạn chân Ba ra Bến Thủy ngược lên phía Cửa Tiền thuộc khu vực phường Vinh Tân có rất nhiều bãi tập kết rác tập trung. Rác được chất ngay bên bờ sông, tràn xuống tận mép cùng những dòng nước đen ngòm, chỉ cần một trận mưa nhỏ là tất cả đều bị trôi thẳng xuống sông…

Bài, ảnh: Thùy Linh

Mới nhất

x
Sớm làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO