Sớm ngăn chặn tình trạng "đại náo" trong bệnh viện
(Baonghean) - Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An và nhiều địa phương trong cả nước đã xẩy ra nhiều vụ người nhà bệnh nhân có hành vi đe dọa, tấn công các y, bác sỹ, gây áp lực đối với bệnh viện (BV), đòi tiền bồi thường trái quy định của pháp luật. Hiện tượng này đang ngày càng có hệ thống, có tổ chức và quy mô, gây không ít hoang mang cho đội ngũ thầy thuốc cũng như dư luận xã hội.
Đòi bệnh viện bồi thường trở thành vấn nạn
Người dân Thành phố Vinh hẳn chưa quên vụ “đại náo” xảy ra chưa lâu tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh. Ngày 4/9/2013, sản phụ Nguyễn Thị Vinh, 24 tuổi, trú tại xóm 4, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc có hiện tượng trở dạ, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thành phố Vinh để sinh. Sau khi nhập viện, khoảng 3 giờ ngày 5/9 thì chị tử vong. Bức xúc vì cho rằng BV không chữa trị kịp thời dẫn đến cái chết của mẹ con chị Vinh, sáng 5/9, hàng chục người đã mang xác mẹ con sản phụ đặt trước sảnh BV kêu gào, chửi bới, lăng nhục y, bác sỹ và có hành vi đập phá. Công an Thành phố Vinh phải huy động lực lượng đến dẹp trật tự và bảo vệ bệnh viện.
Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ, kết luận bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, một mức “hỗ trợ” lớn đã được đưa ra sau thương lượng giữa bệnh viện và người nhà bệnh nhân khiến nhân viên ngành y tế và người dân băn khoăn. Bác sỹ Nguyễn Sỹ Sáu, Giám đốc BVĐK Thành phố Vinh cho biết, do người nhà quá bức xúc, gây náo loạn mất trật tự an ninh làm cán bộ nhân viên, các y, bác sỹ và nhiều bệnh nhân đang điều trị tại đây hoang mang. Mặc dù nguyên nhân tử vong được làm rõ, trách nhiệm không phải lỗi do BV nhưng trong quá trình “đàm phán” với người nhà bệnh nhân, BV đã phải hỗ trợ khoản tiền 350 triệu đồng gia đình mới chịu...
Trước đó, cũng tại BVĐK Thành phố Vinh, lúc 23 giờ 40 phút ngày 20/1/2013, một số đối tượng là người nhà bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, 30 tuổi, trú tại Thanh Hóa vào nhập viện. Sau khi kiểm tra cho thấy bệnh nhân uống nhiều rượu, chẩn đoán bị chấn thương sọ não, kíp trực đã tiến hành chụp City, nhưng qua kiểm tra không thấy hình ảnh tổn thương đã chuyển bệnh nhân vào khoa Ngoại, đồng thời giải thích cho người nhà biết tình trạng bệnh nhân chưa tiên lượng được mà phải theo dõi. Nhưng ngay lập tức người nhà bệnh nhân đã ra tay hành hung, khiến các y, bác sỹ hoảng sợ phải bỏ chạy, cả khoa Ngoại trở nên toán loạn. Sự việc chỉ dừng lại khi có mặt của lực lượng công an.
Người nhà bệnh nhân gây náo loạn tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. |
Bác sỹ khoa Ngoại Phạm Văn Chính - người đã có thâm niên 40 năm công tác trong ngành thì đã 30 năm làm việc tại BVĐK Thành phố Vinh, cho biết: Nhiều năm tại BV liên tục xẩy ra các vụ đe dọa, hành hung cán bộ, y, bác sỹ. Những tháng gần đây, nhiều hôm cứ vào khoảng 12 giờ đêm, nhóm thanh niên uống rượu say xô xát, đánh nhau hay các băng nhóm ẩu đả nhau bị thương tích ở ngoài đường xông vào BV bắt ép các y, bác sỹ phải chữa trị băng bó, nếu không thực hiện sẽ bị hành hung. Có lần bác sỹ Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc bệnh viện trong phiên trực đã bị hành hung.
Tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cũng xẩy ra nhiều vụ người nhà bệnh nhân và các đối tượng quá khích kéo đến bao vây đe dọa, hành hung, đập phá BV. Điển hình tháng 7/2012, do nghi bị rắn cắn nên bệnh nhân Chế Hùng Cường, trú tại xóm 4, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc được đưa vào BV cấp cứu. Trong quá trình cấp cứu điều trị bệnh tình không thuyên giảm, BV đã cho chuyển đi tuyến trên. Khi xe cấp cứu ra đến Thanh Hóa thì bệnh nhân tử vong. Người nhà bệnh nhân cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân là do BV, nên đã đưa xác trở lại bao vây BV…
Những năm gần đây, tại các BV từ tuyến huyện, tỉnh và trung ương đã xẩy ra hàng loạt vụ người nhà bệnh nhân tấn công các y, bác sỹ tại nơi làm việc. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ việc một bác sĩ ở BVĐK Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã bị đâm chết... gây phẫn nộ trong dư luận. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Hoàng Văn Hảo, việc người nhà bệnh nhân tấn công các y, bác sỹ, bao vây đòi BV bồi thường ở Nghệ An diễn biến ngày càng phức tạp, có mật độ dày hơn trước. Để ngăn chặn những vụ gây rối quá khích, các BV đã có lúc phải bỏ ra kinh phí không ít “hỗ trợ” cho người nhà bệnh nhân để cho “êm chuyện” hoặc mời lực lượng an ninh trợ giúp.
Nguyên nhân phải xét từ hai phía
Nói về nguyên nhân, một số người cho rằng những hành động trên là do tức nước vỡ bờ, vì thái độ thiếu trách nhiệm của những người thầy thuốc... Ngành y tế đã để xẩy ra nhiều vụ liên quan đến y đức và chuyên môn của người thầy thuốc, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Thực tế trong một số vụ việc, kết luận của cơ quan chức năng cũng khẳng định phần lỗi không nhỏ thuộc về phía đội ngũ y, bác sỹ, trong đó bao gồm cả sự tắc trách, thái độ lơ là, vòi vĩnh người nhà bệnh nhân lẫn trình độ chuyên môn... của người thầy thuốc.
Theo các bệnh viện, những vụ việc trên thường xẩy ra ở các khoa Hồi sức cấp cứu, Chấn thương, Tim mạch, Thần kinh, khoa Sản Nhi. Thực tế, tại những khoa này bệnh nhân thường bị quá tải, gây áp lực không nhỏ đối với các thầy thuốc. Tại BV Sản Nhi Nghệ An cho thấy, trong lúc quy định chỉ 250 giường bệnh nhưng nay đã quá tải lên 320 giường, điều trị 650 bệnh nhân, trong lúc biên chế không tăng. BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An dù đã cơi nới hết cỡ nhưng vẫn quá tải gấp nhiều lần so với quy định (với khoảng 1.200 giường bệnh) đã gây áp lực không nhỏ đối với BV.
Xung quanh những vụ “đại náo” bệnh viện, một bác sỹ Trường Đại học Y khoa Vinh chia sẻ: Chúng tôi lấy làm buồn khi gần đây xảy ra không ít vụ việc người nhà “mặc cả” tính mạng người thân của mình với bệnh viện hàng trăm triệu đồng. Đạo đức nghề nghiệp thì ngành nào cũng yêu cầu, cũng cần phải có, đồng ý rằng đối với ngành y thì càng cần được coi trọng hơn bởi liên quan đến tính mạng con người. Tuy nhiên, xã hội cần nhìn nhận khách quan hơn, sẻ chia hơn với chúng tôi một chút thì sẽ công bằng hơn. Thực tế đã chọn nghề y thì chúng tôi đều xác định sẽ vất vả và không ai mong muốn để xảy ra tai nạn trong nghề, bởi tai nạn của nghề y là sinh mạng con người. Tuy nhiên, “tai biến” trong lĩnh vực này lại thường trực, không phải hàng năm, hàng tháng mà là từng phút, từng giờ. Rất căng thẳng, áp lực. Mỗi năm có hàng triệu ca bệnh được cứu chữa, có nhiều y, bác sỹ ngoài dùng chuyên môn để cứu người còn tình nguyện hiến máu cứu bệnh nhân, thức thâu đêm suốt sáng bên người bệnh hoặc để thực hiện những ca phẫu thuật khó hàng tiếng đồng hồ, thì ít được tôn vinh, khen thưởng, hay biết đến, nhưng mỗi năm ít lần sai sót hoặc có vài nhân viên là “con sâu làm rầu nồi canh”, thì chỉ trích rùm beng. Dường như nhiều người đang có cái nhìn phiến diện, thiếu sự thông cảm, sẻ chia với ngành Y.
Để ngăn chặn và giảm tình trạng trên, theo bác sỹ Nguyễn Danh Linh, Giám đốc BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An: Đối với người thầy thuốc, trước hết phải được giáo dục thường xuyên về y đức. Khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh phải được đón tiếp tận tình, chu đáo, thái độ thầy thuốc phải hòa nhã, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà khi có thắc mắc hoặc yêu cầu. Mặt khác, ngay ở phòng cấp cứu phải bố trí lực lượng bảo vệ, gắn hệ thống camera theo dõi phòng khi có sự cố bất thường xẩy ra. Đặc biệt phải tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại; quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao; quan tâm đến chế độ chính sách của người thầy thuốc tại các điểm khó khăn, vất vả. Rút ra bài học hạn chế tình trạng trên, thời gian qua ngoài việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc, BV còn “tự cứu mình” bằng việc thuê đội ngũ vệ sĩ kiểm soát chặt người nhà bệnh nhân hạn chế ra vào trong giờ thăm khám bệnh. Do vậy, nạn mất cắp, tình trạng người nhà bệnh nhân đi lại lộn xộn và những vụ tấn công thầy thuốc, đập phá trong bệnh viện giảm dần.
Đối với người nhà bệnh nhân, đa số những vụ xẩy ra đều do tâm lý lo lắng, mặt khác do nhận thức chưa đầy đủ về y tế. Từ vụ việc xẩy ra tại BVĐK Thành phố Vinh hồi đầu tháng 9/2013 như kể trên, cho thấy việc gây áp lực cho BV, đòi tiền bồi thường trái quy định của pháp luật đã trở thành hệ thống, có tổ chức, quy mô, có thể tạo tiền lệ xấu. Do vậy, thời gian tới, ngoài việc nâng cao y đức của người thầy thuốc cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về công tác khám, chữa bệnh; các cơ quan pháp luật có trách nhiệm phối hợp với ngành y tế xử lý nghiêm những kẻ có hành vi trên để bảo vệ người thầy thuốc...
Minh Thư