Suy ngẫm

Sống biết đủ

Phước Anh 06/07/2024 09:00

Tôi nghĩ tiết kiệm là một loại giá trị sống: sống đường hoàng biết đủ, sống chỉn chu giữ mình, sống văn minh và sang trọng tự thân, sống chủ động và độc lập. Một người biết tiết kiệm đúng cách sẽ thẳng lưng mà sống, cả đời không lo đói kém mà chẳng cần dựa dẫm vào ai.

Hôm rồi, tôi và em gái có cuộc trao đổi nhỏ. Chúng tôi không đồng quan điểm về thái độ chi tiêu và ý thức tiết kiệm. Em gái tôi sinh năm 2000 - là thế hệ Z điển hình - luôn biết sống cho bản thân mình. 24 tuổi, cô bé ngày nào thắt bím tóc hai bên, chạy lắc lư túm lấy vạt áo chị, lẽo đẽo đòi theo chị đi khắp nơi, giờ đã thật sự trưởng thành, gia nhập vào giới “công nhân văn phòng” lương tháng hơn ngàn đô.

Theo quan điểm của em, đời sống thật ngắn ngủi, tiền làm ra là để tiêu dùng, để phục vụ chính mình, nên cứ tiêu thôi đừng ngại ngần. Thích gì thì mua, muốn ăn gì thì ăn, muốn mặc gì thì mặc, tiền hết thì kiếm lại được chứ nhiều khi niềm vui thoáng qua đã để lỡ rồi sẽ trôi đi vĩnh viễn. Nghe phóng khoáng nhỉ?

tieu-tien-hoang-phi-12.jpg
Không ít người trẻ hiện nay chạy theo "chủ nghĩa tiêu dùng", thiếu ý thức tiết kiệm cho tương lai. Ảnh minh hoạ

Tôi là 8X tiêu biểu, dẫu hiện đại hơn so với thế hệ trước, nhưng về mặt chi tiêu vẫn căn cơ tính toán khoản mục rõ ràng và luôn có phương án dự phòng cho mọi thứ. Tiền kiếm được 10 đồng sẽ để riêng ít nhất 2 đồng tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm được kha khá sẽ xem xét thị trường để đầu tư vào đâu cho hiệu quả, tránh để “tiền ngủ đông”. Trong cuộc sống thường ngày, tôi và nhiều bạn bè mình luôn có ý thức mua sắm thiết thực, ăn uống vừa đủ, tái sử dụng những đồ dùng hữu ích. Việc cần tiêu sẽ tiêu không đắn đo, nhưng tiêu pha không vô độ, không quá tay, không vung tiền như rác.

Em gái tôi cho rằng thái độ chi tiêu như tôi là bủn xỉn với chính bản thân mình. “Chị là người làm ra tiền chứ không phải tiền làm ra chị. Chị là chủ nhân của đồng tiền chứ không phải nô lệ của nó!” - em gái tôi nói.

Tôi thì nghĩ thế này: Tiết kiệm và bủn xỉn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu như bủn xỉn là hà tiện, keo kiệt đến mức quá đáng, không nỡ chi dùng từng cắc, chỉ cảm thấy yên tâm khi tiền nằm yên trong túi mình; thì tiết kiệm lại là đức tính quý, người sở hữu đức tính này sẽ trân trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt để cân nhắc tiêu tiền vào mục đích đúng đắn, không vung tay quá trán, không dựa vào tiền để lấy le với thiên hạ, không dùng tiền để tự khoác lên mình ảo tưởng “ta đây là người có tiền”. Tiết kiệm cho bản thân mỗi người cuộc sống an toàn, và xa hơn, đóng góp vào nền tài chính lành mạnh cho xã hội.

1-1719993007646.png.jpg
Tiết kiệm lại là đức tính quý. Ảnh minh hoạ

Tôi thường xuyên khó hiểu trước thói quen chi dùng bừa bãi của người trẻ - như em gái tôi. Làm sao lại có thể để tình trạng chưa hết tháng đã cạn tiền, mà tháng nào cũng vậy? Làm sao lại nhanh chóng quyết định đổi chiếc điện thoại mới, chỉ vì phiên bản cập nhật có màu “vàng sa mạc”, trong khi điện thoại đang dùng mới mua cách đó vài tháng? Làm sao lại chẳng ngại vay tiền bạn bè để tổ chức tiệc sinh nhật linh đình, với nhà hàng, bóng bay, hoa tươi ngoại nhập và bữa ăn kiểu Tây dưới ánh nến? Làm sao lại có thể đứng dậy và quay lưng rời đi mà không mảy may tiếc nuối mâm đồ ăn ê hề như chưa từng đụng đũa, và xem việc gói đồ ăn thừa mang về nhà là hành động đáng hổ thẹn?

Tôi đã gặp nhiều người trẻ hành xử với tiền như thể một thứ để che đậy sự tự ti trong sâu thẳm. Họ sẵn lòng gọi taxi để di chuyển vì đi xe máy thì nắng nóng, đen da và không tiện mặc đồ thời trang, nhìn kém sang - bất chấp lương tháng chỉ vài triệu đồng cơ bản; gọi trà sữa và bánh ngọt mỗi ngày - ngót nghét trăm ngàn đồng tiền đồ uống - trong khi bố mẹ ở quê vẫn đang cần mẫn trên đồng dưới bãi để gửi tiền lên phố cho con ăn học. Không ít người trẻ nợ tiêu dùng đầm đìa, và tấm thẻ tín dụng trở thành vật bất ly thân, rồi cũng chính nó là con dao kề cổ với những khoản lãi vô tận.

Từ phung phí tài chính cá nhân, dẫn đến lãng phí và vô độ với những tài sản chung: vào nhà vệ sinh công cộng, rút hàng chục tờ giấy lau tay rồi vứt bừa bãi rơi rớt xuống cả sàn nhà; rửa tay ở vòi nước ngoài công viên, cứ xả mạnh và xả thoải mái, bất chấp vượt quá lượng nước cần dùng; rót nước lọc miễn phí trong quán cà phê là rót ly to bự đầy tràn, mà không màng cân nhắc xem liệu có uống hết nổi không… Vậy thì, sự bừa bãi đã không dừng ở việc tiêu dùng của riêng mình, mà đã trở thành thái độ sống thiếu trách nhiệm, kém văn minh với cộng đồng.

Nhiều người “sính ngoại” thường hâm mộ và hướng tới lối tiêu dùng xa xỉ của người dân các nước. Nhưng thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới giờ đây đang gánh hậu quả nhức nhối của lối tiêu dùng không tiết kiệm. Thống kê gần nhất được VTV trích dẫn là thế giới vứt đi 100 tỷ USD mỗi năm vì lãng phí thực phẩm; 250 tỷ m3 nước được dùng để sản xuất số thực phẩm ấy cũng bị lãng phí theo. Chính quyền Mỹ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc… đều đang rốt ráo đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn lãng phí thực phẩm và thói quen tiêu dùng vô độ của người dân.

Sau cùng, tôi nghĩ tiết kiệm là một loại giá trị sống: sống đường hoàng biết đủ, sống chỉn chu giữ mình, sống văn minh và sang trọng tự thân, sống chủ động và độc lập. Một người biết tiết kiệm đúng cách sẽ thẳng lưng mà sống, cả đời không lo đói kém mà chẳng cần dựa dẫm vào ai.

Mới nhất

x
Sống biết đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO