“Sống chung với lũ”: Kinh nghiệm ở Nam Đàn, Hưng Nguyê­n

22/06/2012 17:56

(Baonghean) Sau nhiều năm “sống chung với lũ”, người dân tại các xã ngoài đê Tả lam đãcó những kinh nghiệm quý và có nhiều giải phápđể tự bảo vệ mình và của cải .

Hưng Nhân (Hưng Nguyên) là xã hàng năm luôn phải hứng chịu sự tàn phá của thiên tai.Tâm lý “sống chung với lũ” cũng được hình thành từ những tháng ngày cả gia đình ngồi trên nóc nhà, ăn dè từng gói mì tôm và chờ nước rút.Mùa màng bị mất trắng, nhà cửa, đồ dùng bị lũ cuốn và nhiều người bị thiệtmạng. Ngườidân đã tự đúc rút cho chính mình những kinh nghiệm quý báu để chống chọi lại với thiên tai.



Cồn chống lũ và làm gác xép trong nhà để chứa lương thực ở xã Hưng Nhân .

Bà Hoa Thị Liên, xóm 4, xã Hưng Nhân chỉ tay về ngấn nước ngang cửa sổ của đợt lũ tháng 10/2011 còn in hằn trên bức tường: “Năm ngoái, lũ vào nhà và ngập đến đây nhưng cả gia đình tôi không thiệt hại một đồ dùng hay vật dụng nào cả. Con người, trâu bò, lương thực đều được bảo vệ an toàn. Đó là nhờ gia đình xây dựng được cồn chống lũ ngay trong nhà”. Rồi bà Liên giới thiệu về cồn chống lũ của gia đình. Đó là một cái chòi cao, có cầu thang lên xuống để dành cho trâu bò. Mỗi cái chòi rộng từ 10- 15m2 và là nơi chứa rơm rạ, lúa má, gia súc, gia cầm khi lụt về. Độ cao của chòi thiết kế lấy đỉnh lũ lịch sử năm 1978 cộng thêm 1 mét.

Đến nay, toàn xã Hưng Nhân đã có gần 500/942 hộ xây cồn chống lũ như bà Liên. Việc xây dựng cồn chống lũ này đều là tự phát của người dân và chưa có nguồn hỗ trợ nào từ phía chính quyền hay các tổ chức xã hội. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã thì để xây một cái cồn chống lũ tốn khoảng tầm từ 25-40 triệu đồng, tùy diện tích. Nhưng do nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chưa có điều kiện để xây. Đối với những hộnày, khi mưa lụt đến, họ phải dắt trâu bò gửi tạm sang nhà hàng xóm hoặc vượt lũ đưa lên đê lánh nạn. Mỗi gia đình ở đây còn sắm sửa cho mình một chiếc thuyền nhỏ để di chuyển trong lũ. Bắt đầu từ tháng 8, người dân chuẩn bị lương thực, thuốc men, nước uống đầy đủ để đối phó với lũ về đột ngột. Những gia đìnhlàm nhà về sau, nhà nào cũng cố gắng nâng nền nhà cao lên so với mặt đường khoảng gần 1 mét.

Nhằm tránh thiệt hại trong mùa màng, người dân cố gắng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ lúa xuân. Đến nay, toàn xã đã thu hoạch xong và đang tiến hành gieo cấy vụ hè thu. “Lũ thường về vào khoảng sau rằm tháng 8 (15/8 ÂL), vì thế chúng tôi đang chỉ đạo người dân gieo cấy sớm để có thể thu hoạch xong vụ hè thu trước khi lũ về”, ông Hoan chia sẻ.

Còn với người dân các xã vùng 9 nam của huyện Nam Đàn, mỗi nămthường phải hứng chịu từ 2-3 cơn lũ. Người dân nơi đây ngoài việc xây nền nhà cao lên và sắm sửa thuyền để di chuyển thi nhiều nhà còn làm các gác xép bằng gỗ, bình thường là nơi để cất lúa, ngô, khoai, khi lũ đến là nơi trú ẩn cho cả nhà. Nhiều nhà có điều kiện còn xây thêm một cái chòi nhỏ trên tầng 2. Chòi này có thể được xây hoặc làm bằng gỗ. Đây là nơi để họ có thể ở khi nước dâng lên cao.

Ông Lê Văn Hồng, xã Nam Cường (Nam Đàn) chỉ vào căn nhà cũ có căn gác nhỏ chồng lên: “Nhà này xây cái chòinhỏ thế này thôi, chủ yếu để tránh lũ chứ bình thường thì sinh hoạt ở dưới, mùa lũ thì mới lên trên. Bây giờ xây được cái nhà như thế này phải 70 – 80 triệu đồng. Nhờ cái chòi này mà gia đình chúng tôi không bị thiệt hại gì sau những trận lũ vài năm trở lại đây”.

Bên cạnh đó, những người dân xã Nam Phúc (Nam Đàn) có những kinh nghiệm nhỏ được áp dụng thành công. Khi xây nhà, người dân cần có cửa thoát hiểm ở đốc, vĩ ruồi sao cho khi cần có thể thoát hiểm hoặc tiếp viện lương thực được dễ dàng. Trong nhà nên trồng chuối hoặc chuẩn bị nứa mét để khi cần có thể đóng thành bè mảng để dành nơi cho lợn gà, gà vịt trú đậu khi nước dâng. Các đồ vật bằng gỗ như giường, tủ… nên cho ra ngoài nhà và buộc chằng với nhau để tránh sóng dồn đập vào tường gây đổ tường, sập nhà. Ngoài ra, các gia đìnhchuẩn bị đầy đủ về nước sạch, thức ăn và các vật dụng cần thiết.

Mặc dù lũ lên cao và nhanh, gây ngập lụt trên diện rộng nhưng hầu như tài sản trong nhà của người dân được bảo vệ. Kinh nghiệm sống chung với lũ trong nhiều năm qua đã tạo cho người dân Nam Đàn sự chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để có thể sống chung với lũ lụt dài ngày.Trong mùa lũ, người dân ở đây đã chọn một vùng đất cao nhất rồi dựng lều bạt, chuẩn bị thức ăn và đưa trâu bò lên để tránh lũ. Các hộ chăn nuôi trâu bò thực hiện chia phiên chăn giữ để giảm bớt công và đi lại bằng ghe thuyền qua những khu vực sâu nguy hiểm đến tính mạng.

Sự chủ động của người dân luôn là yếu tố tiên quyết trong công tác phòng chống lụt bão hiện nay. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế và đặc thù của mỗi địa phương nên nhiều gia đình chưa có điều kiện để xây cồn, mua thuyền nhỏ hay làm gác xép trong nhà. Vì thế, người dân đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và tổ chức xã hội nhằmyên tâm khi “sống chung với lũ”.


Phạm Bằng

Mới nhất

x
“Sống chung với lũ”: Kinh nghiệm ở Nam Đàn, Hưng Nguyê­n
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO