Thể thao

Sông Lam Nghệ An và bài toán kiểm soát bóng, dứt điểm

Yến Thanh 03/11/2024 20:30

Sau 6 trận không thắng, SLNA bộc lộ nhiều khuyết điểm ở cả hàng phòng ngự lẫn hàng tấn công. Không những thế, tuyến giữa của đội bóng xứ Nghệ với những tiền vệ quá trẻ cũng là điều đáng lo vào lúc này.

Lối chơi mà HLV Phạm Anh Tuấn đang xây dựng cho SLNA là lối chơi phòng ngự chặt, phản công nhanh. Tuy nhiên, khâu chuyển đổi trạng thái sau khi đoạt được bóng từ sân nhà lên tuyến trên đang khá chậm. Nguyên nhân đến từ việc các tiền vệ SLNA còn hạn chế trong khả năng chuyền dài, chuyển hướng tấn công.

Những tình huống chuyển đổi trạng thái của SLNA đang phụ thuộc khá nhiều vào thủ môn Văn Việt và trung vệ Zaracho, Nguyên Hoàng, những cầu thủ có khả năng chuyền dài tốt tại SLNA. Trong khi Quang Vinh và đặc biệt là Quang Tú không có nhiều đường chuyền dài một cách chính xác.

Ở tình huống bị VAR từ chối bàn thắng trong phút đầu trận gặp TP. Hồ Chí Minh vừa qua, người đưa ra đường chuyền cho B. Kuku là trung vệ Zaracho. Đây là một tình huống tấn công điển hình của sơ đồ 3-5-2 (hoặc 5-3-2). Tuy nhiên, đáng tiếc là bàn thắng đẹp mắt của Quang Vinh sau pha băng lên dứt điểm đã không được công nhận vì Kuku đã rơi vào thế việt vị trước đó.

Khả năng chuyển đổi của SLNA từ phòng ngự sang tấn công đang phụ thuộc khá nhiều vào các tiền đạo cắm. Olaha, Kuku phải lùi sâu vì “đói bóng” thường xuyên diễn ra trong các trận đấu gần đây. Rõ ràng, sự thiếu vắng Phan Bá Quyền nơi hàng tiền vệ đang khiến SLNA thực sự khó khăn trong bài toán nơi tuyến giữa.

Ảnh 1: Tiền đạo Olaha thường xuyên phải lui về hỗ trợ phòng ngự và thu hồi bóng khiến hàng công SLNA thường xuyên thiếu người. Ảnh: Chung Lê
Tiền đạo Olaha thường xuyên phải lui về hỗ trợ phòng ngự và thu hồi bóng khiến hàng công SLNA thường xuyên thiếu người. Ảnh: Chung Lê

Để có thể tổ chức tấn công hoặc phản công, đảm bảo an toàn cho khung thành thì vai trò tiền vệ đánh chặn là rất quan trọng. Ở những trận đấu vừa qua, tiền vệ Quang Tú chưa thực sự làm tốt vai trò này. Vẫn còn rất nhiều bàn thua đến từ những tình huống 2, ngay sát vạch 16m50 và phần lớn đều không có sự áp sát quyết liệt đến từ Quang Tú, Xuân Tiến hay Quang Vinh. Vai trò của 3 cầu thủ này trên sân đang chưa thực sự rõ nét, mặc dù Xuân Tiến đã bắt đầu dần lấy lại cảm giác thi đấu của mình. Cả 3 đều chưa phải là những cầu thủ có tố chất thủ lĩnh giữa sân, cầm bóng, điều tốt và phân phối nhịp độ trận đấu.

SLNA đang thực sự thiếu những cầu thủ như Quốc Vượng, Văn Bình, Quang Tình hay Khắc Ngọc trước đây hoặc thiếu một cầu thủ ngoại cho vị trí này. Tuy nhiên, thật khó để đánh đổi một tiền đạo ngoại bằng một tiền vệ ngoại ở sân chơi V.League vốn chỉ được đăng ký 3 suất ngoại binh.

Theo thống kê của Fstat, trong những trận đấu đã qua, Sông Lam Nghệ An đều có tỷ lệ kiểm soát bóng khá thấp. Ở trận đấu gần nhất, Đội bóng xứ Nghệ chơi khá tốt trong hiệp 1, nhưng lại sớm đánh mất thế trận trong hiệp 2 vào chân đối phương. Trong suốt 90 phút, đội chủ nhà SLNA chỉ kiểm soát bóng với tỷ lệ 40%.

Con số này ở trận hòa Q. Bình Định là 45%, trận gặp thua T. Nam Định là 45,1%, trận hòa HL Hà Tĩnh là 45,2%, trận thua HAGL là 44% và ở trận hòa SHB Đà Nẵng là 43%. Nhìn chung, tỷ lệ kiểm soát bóng của Sông Lam Nghệ An chỉ là 47%.

Có thể hiểu, lối chơi dựa trên sơ đồ 5 hậu vệ không phải là lối chơi kiểm soát bóng nhiều, nhưng những con số và thực tế trên sân cho thấy hàng tiền vệ trẻ trung của SLNA không thể làm chủ khu vực giữa sân, họ mất bóng hoặc bị lấn lướt quá nhiều. Khi không có bóng để thi triển, dễ khiến thể lực của các cầu thủ nhanh sụt giảm và phụ thuộc quá nhiều vào những tình huống phản công.

Ảnh 2: Tiền đạo B. Kuku đã có 2 bàn thắng, 2 kiến tạo nhưng vẫn là người bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất của SLNA. Ảnh: Chung Lê
Tiền đạo B. Kuku đã có 2 bàn thắng, 2 kiến tạo nhưng vẫn là người bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất của SLNA. Ảnh: Chung Lê

Việc hàng tiền vệ chưa làm tốt vai trò của mình khiến Olaha phải lùi sâu cũng khiến cho khả năng phối hợp giữa anh và tiền đạo B. Kuku chưa thực sự tốt. Tiền đạo B. Kuku có 1 bàn thắng từ đá phạt và 1 bàn từ kiến tạo của đồng đội Long Vũ, cùng 2 kiến tạo thành bàn. Chỉ có 1 pha kiến tạo thành bàn cho Olaha. Rất nhiều tình huống B. Kuku chưa thể đón được những đường chuyền của Olaha chỉ vì không hiểu ý nhau khiến cơ hội trôi qua một cách đáng tiếc.

Những thống kê cũng cho thấy SLNA đang phung phí quá nhiều cơ hội. Chỉ riêng ở trận gặp TP. HCM vừa qua, SLNA đã tung ra 16 pha dứt điểm so với 7 của đối thủ, nhưng chỉ có 5 trúng đích và 0 bàn thắng. Tỷ lệ dứt điểm trung bình mỗi trận của SLNA sau 6 trận đã qua là tương đối cao tại V.League với 9.67 lần/trận, trúng đích trung bình 5 lần/trận nhưng mới chỉ có 4 bàn thắng.

Về hàng phòng ngự SLNA, thời gian qua gặp tổn thất nghiêm trọng vì những chấn thương dai dẳng và liên tục, nhận 9 bàn thua. Tuy nhiên, ở trận gặp TP. Hồ Chí Minh vừa rồi, với Văn Cường, Nguyên Hoàng, Zaracho, Văn Thành và Văn Huy, hệ thống phòng ngự 5 người của Sông Lam Nghệ An này bắt đầu tạo được cảm giác yên tâm. Đó là lý do Đình Hoàng chưa được sử dụng ở trận đấu vừa qua dù đã sẵn sàng trở lại.

Dù sao đi chăng nữa, để vận hành một trận đấu, muốn giành chiến thắng, điều trước hết là đảm bảo phòng ngự. Và một khi đã có những cơ hội nhưng không thể tận dụng và giải quyết được trận đấu bằng những bàn thắng thì 6 trận chưa biết đến mùi chiến thắng của SLNA cũng là điều dễ hiểu. Mong rằng HLV Phạm Anh Tuấn và các cộng sự sẽ có cách để cải thiện những điều này trong giai đoạn sắp tới để có chiến thắng đầu tiên./.

Mới nhất

x
Sông Lam Nghệ An và bài toán kiểm soát bóng, dứt điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO