Sông Lam Nghệ An và bài toán phản công
Với lối chơi thiên về phòng ngự thì những pha phản công là cơ hội để cho Sông Lam Nghệ An tạo nên sự khác biệt. Tuy vậy, tính hiệu quả trong những pha phản công của đội bóng xứ Nghệ là chưa cao.
Trong trận gặp Quy Nhơn Bình Định, đoàn quân của huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn có không dưới 3 cơ hội phản công ngon ăn nhưng rất tiếc là những cầu thủ tấn công của Sông Lam Nghệ An không thể tận dụng thành công.
Đó là tình huống Nguyễn Trọng Tuấn băng xuống rất thoáng ở phút thứ 73 nhưng đã xử lý thiếu dứt khoát khiến cho cơ hội trôi qua. Sau đó ít phút là tình huống 3 đánh 3 với sự tham gia của Michael Olaha, Benjamin Kuku và Nguyễn Trọng Tuấn. Nhưng 1 lần nữa, đường chuyền quá sâu của tiền vệ trẻ sinh năm 2006 này đã không thể giúp cho Sông Lam Nghệ An có thêm được bàn thắng để kết đội chủ nhà.
Đáng tiếc nhất là tình huống cuối cùng ở trận đấu vừa qua. Đây cũng là 1 tình huống mà hàng tấn công của đội bóng xứ Nghệ có nhiều quân số hơn so với Quy Nhơn Bình Định. Tuy vậy, sự thiếu ăn ý và thiếu tập trung của các cầu thủ tấn công đã khiến cho Sông Lam Nghệ An chỉ có được 1 điểm rời sân Quy Nhơn.
Không chỉ phung phí các cơ hội phản công ở trận gặp Quy Nhơn Bình Định mà Sông Lam Nghệ An còn phung phí khá nhiều cơ hội ở trận gặp Thép Xanh Nam Định ở vòng 4 V.League. Lần lượt Nguyễn Quang Vinh, Michael Olaha và Benjamin Kuku đã được đặt vào những tình thế thuận lợi để có thể tìm kiếm bàn thắng mở tỷ số. Nhưng vẫn là sự thiếu quyết đoán và thiếu ăn ý ở khâu cuối cùng đã khiến cho đội bóng xứ Nghệ không thể tìm được bàn thắng. Hệ quả là đoàn quân của huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn đã phải nhận 1 thất bại đậm đà 4-1.
Có thể nói, Sông Lam Nghệ An đã tận dụng không tốt các cơ hội phản công có được để tạo ra khác biệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho đội bóng xứ Nghệ chưa thể có được chiến thắng sau 5 vòng đấu đầu tiên của V.League 2024/2025. Do đó, Sông Lam Nghệ An phải có những thay đổi để nâng cao hiệu quả trong các tình huống phản công.
Đầu tiên là quân số trong các đợt tham gia phản công của đội bóng xứ Nghệ. Đó hầu hết là công thức 2+1 với 2 ngoại binh trên hàng công và 1 tiền vệ. Điều này làm giảm đi các phương án để Sông Lam Nghệ An có thể phối hợp và khiến cho đối phương dễ dàng bắt bài.
Vì vậy, cần tăng cường quân số trong những tình huống phản công là điều cần thiết của đội bóng xứ Nghệ. Nhưng, đây không phải là việc dễ dàng khi đội hình Sông Lam Nghệ An thường xuyên lùi sâu nên việc dâng lên nhanh chóng cần thể lực và tốc độ tốt của các cầu thủ.
Những vị trí thích hợp nhất để tham gia các đợt phản công này là bộ đôi tiền vệ trung tâm và 2 cầu thủ chạy cánh. Khi đó, Sông Lam Nghệ An sẽ có 4-5 cầu thủ để gia tăng sức ép lên hàng thủ đối phương.
Có đủ quân số rồi thì đội bóng xứ Nghệ sẽ phải cải thiện những tình huống phối hợp cuối cùng. Trong các pha phản công của Sông Lam Nghệ An chỉ có tình huống Benjamin Kuku làm tường cho Nguyễn Quang Vinh ở trận gặp Thép Xanh Nam Định là đáng xem nhất. Tuy vậy, tiền vệ trẻ sinh năm 2005 này đã bị hụt hơi ở nhịp cuối khiến cho cơ hội trôi qua.
Trong khi các tình huống còn lại thì đa số còn lúng túng trong việc quyết định xử lý cá nhân hay phối hợp. Điều này chỉ ra Sông Lam Nghệ An chưa có sự nhuần nhuyễn trong các tình huống phản công. Do đó, đây chính là điểm mấu chốt đội bóng xứ Nghệ cần cải thiện trong các tình huống phản công.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải dành lời khen cho đoàn quân huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn. Đó là những đường chuyền sáng nước của tuyến tiền vệ hay sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ của bộ đôi ngoại binh đã mở ra nhiều cơ hội phản công nhanh nguy hiểm.
Tin rằng, chỉ cần cải thiện khâu cuối cùng thì những đường phản công của đội bóng xứ Nghệ sẽ sớm chuyển hóa thành các bàn thắng. Qua đó, tạo nên lợi thế để Sông Lam Nghệ An duy trì lối chơi phòng ngự phản công.