“Sóng vỗ triều dâng nước vỡ bờ...”

16/08/2013 16:30

Đã 68 năm trôi qua kể từ ngày đất nước ta giành được Độc lập, cuộc sống đã trải qua bao biến đổi, thăng trầm, nhưng những ngày Thu tháng Tám vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của cụ Bùi Danh Ba. Với cụ, đó là những ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời và phải luôn trân trọng...Vẹn nguyên ký ức

(Baonghean) - Đã 68 năm trôi qua kể từ ngày đất nước ta giành được Độc lập, cuộc sống đã trải qua bao biến đổi, thăng trầm, nhưng những ngày Thu tháng Tám vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của cụ Bùi Danh Ba. Với cụ, đó là những ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời và phải luôn trân trọng...

Vẹn nguyên ký ức


Chúng tôi tìm về xóm 1 B xã Nam Thanh (Nam Đàn), mong được gặp và hỏi chuyện cụ Bùi Danh Ba. Năm nay đã bước vào tuổi 91, trông cụ Ba vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Người cán bộ tiền khởi nghĩa ấy rất đỗi vui vẻ, thân tình và say sưa khi kể về những năm tháng tuổi thơ với dấu ấn sâu đậm nhất là không khí sục sôi trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền, dựng xây nền độc lập. Cụ rưng rưng nhớ về những năm tháng đen tối, khi lính Pháp tràn đến quê hương lập đồn bốt, ngang nhiên đốt nhà, bắt đâu trò, lợn gà của bà con. “Đồng bào ta ai cũng căm hận nhưng đành nhắm mắt làm ngơ, vì chúng rất tàn tạo, lại có nhiều súng nhỏ, súng to”.

Năm cụ 8 tuổi, cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, người dân xã Nam Thanh (lúc bấy giờ gọi là Thanh Thủy) đứng lên hưởng ứng, tham gia các cuộc biểu tình lật đổ chính quyền cũ. Khi cách mạng thoái trào, bọn Pháp về lùng sục, bắt bớ và khủng bố gắt gao. Trước tình cảnh đó, bà con phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn để sơ tán vào núi Đại Huệ. Vậy mà vẫn chưa được yên với quân bạo tàn. Chúng cướp hết thóc lúa, phá nát hoa màu và đốt phá lán trại. Dịp Tết Nguyên đán, có nhà trong xóm đang nấu bánh chưng, một tốp lính khố xanh kéo đến bê cả nồi đổ ra suối. Có ngày, gia đình cụ có 2 người bị giặc bắt và xử bắn là chú ruột và một người cụ gọi là dượng. Chứng kiến cảnh địch tra tấn, đánh đập người chú đến mức máu lõa, chảy thành vũng dưới đất, trong tim cậu thiếu niên lúc ấy ngùn ngụt lửa căm thù...

Năm 1944, sau xong bậc Thành Chung, chàng thanh niên Bùi Danh Ba trở về quê và được giác ngộ cách mạng, sớm tham gia vào tổ chức Việt Minh bí mật. Đầu năm 1945, các hội quần chúng cứu quốc nằm trong Mặt trận Việt Minh nối tiếp nhau ra đời . Tình hình cách mạng ở Thanh Thủy biến chuyển rất nhanh. Khắp nơi vang lên bài ca có câu “Thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng”. Rồi các vở tuồng ca ngợi tinh thần nghĩa liệt của các vị anh hùng dân tộc như Trưng Trắc - Trưng Nhị, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Đội Cung... được biểu diễn công khai để cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.



Cụ Bùi Danh Ba bên những vần thơ ân nghĩa.

Giờ đây, cụ Bùi Danh Ba vẫn còn nhớ như in ngày 14/8/1945, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy nhận được lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ-Tĩnh với nội dung: “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập UBND Cách mạng ở làng... không câu nệ làng trước hay huyện trước”. Bức điện được phổ biến rộng rãi, mọi người đều mừng vui khôn xiết, khắp làng trên xóm dưới đều sục sôi một không khí đấu tranh. Ngày hôm sau, Ban chấp hành Việt Minh xã Thanh Thủy tiến hành cuộc họp bí mật để nhận định tình hình ở địa phương.

Các thành viên đều nhất trí khẳng định bọn cường hào, bang tá đã hoang mang cực độ; lòng căm thù của nhân dân đã lên đến đỉnh điểm; lực lượng tự vệ đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng chờ lệnh; thời cơ cách mạng đã chín muồi. Nhưng việc tổ chức cướp chính quyền lúc bấy giờ trong cả nước mới có một số địa phương ở Việt Bắc và một số xã ở miền Bắc, miền Trung tiến hành thắng lợi. Riêng ở Nghệ-Tĩnh, chưa có xã nào cướp chính quyền. Hội nghị xác định nếu tổ chức cướp chính quyền lúc này có thể mạo hiểm nhưng sẽ tạo ra một ngòi nổ khởi đầu cho phong trào Tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn huyện và toàn tỉnh. Vì vậy, các thành viên đi đến quyết định kêu gọi khởi nghĩa giành chính quyền.

Cụ Bùi Danh Ba và một số người khác lúc ấy được giao nhiệm vụ chuẩn bị kiếm, giáo, mác cho đội tự vệ bảo vệ quần chúng nhân dân.

Ngày 16/8/1945, từ sáng sớm, khắp các ngả đường, mọi người sắp thành hàng ngũ tiến đến trước nhà lý trưởng để buộc tên này phải nộp lại con dấu và các loại giấy tờ trích lục. Trước cảnh cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay khắp các ngả đường, lực lượng quần chúng cách mạng đang sục sôi, tất cả cùng hô vang “Đả đảo!”, tên lý trưởng răm rắp nghe lệnh. Quần chúng vui mừng kéo về đình Đức Nam và hò reo: “Độc Lập muôn năm! Tự do muôn năm!”. Việc lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Thanh Thủy thành công tốt đẹp. Ngay khi giành được chính quyền, Ủy ban Khởi nghĩa xã Thanh Thủy được thành lập với 12 thành viên do đồng chí Nguyễn Hữu Thái làm chủ tịch. Cụ Bùi Danh Ba cũng có mặt trong Ủy ban Khởi nghĩa xã và được phân công vào Ban tuyên truyền.

Tiếp sau đó, nhân dân các huyện trên địa bàn Nghệ An, từ Quỳnh Lưu, Vinh, Diễn Châu, Nghĩa Đàn đến Thanh Chương, Anh Sơn đều vùng lên làm cách mạng. Ở Nam Đàn, ngày 23/8, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, các làng xã nhất tề đứng dậy tạo nên một làn sóng mạnh mẽ vây bủa huyện đường. Trước khí thế cách mạng như nước vỡ bờ, tên Nguyễn Đức Hàn - Tri huyện Nam Đàn phải đầu hàng, trao lại sổ sách và súng đạn cho chính quyền cách mạng... Sau một thoáng trầm ngâm, cụ Bùi Danh Ba chia sẻ: “Cán bộ và nhân dân xã Thanh Thủy xưa, xã Nam Thanh nay luôn luôn tự hào vì địa phương mình là nơi mở đầu cho phong trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn Nghệ-Tĩnh. Ngày ấy, chúng tôi phải sống trong cảnh bị áp bức bóc lột nặng nề, bị đè đầu cưỡi cổ nên hiểu được giá trị của độc lập, tự do. Vì thế, tất cả mọi người đi theo cách mạng là đi theo tiếng gọi của con tim và khối óc”.

Vần thơ ân nghĩa

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Bùi Danh Ba được giao làm Ban chấp hành Thanh niên cứu quốc huyện Nam Đàn. Tại đây, cụ có cơ hội được tham gia các lớp nâng cao trình độ lý luận chính trị, được nghe các bậc cách mạng tiền bối như Hải Triều, Nguyễn Sơn, Hồ Tùng Mậu giảng dạy. Một thời gian sau, cụ Ba được cấp trên quyết định chuyển sang làm công tác giáo dục và giữ cương vị hiệu trưởng Trường Cấp 2 xã Kim Liên từ đó cho đến ngày nghỉ hưu (1980). Ở cương vị này, cụ cũng đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho sự nghiệp “trồng người” trên quê hương.

Trở về với gia đình, làng xã, cụ Bùi Danh Ba là tấm gương mẫu mực cho con cháu và bà con xóm giềng. Niềm vui lớn nhất của cụ là con cháu đều ngoan hiền, hiếu thảo và sống có ích cho xã hội, ít khi làm cụ phải bận tâm. Thời gian rảnh rỗi phần nhiều cụ dành cho việc làm thơ. Với cụ Ba, thơ là nơi gửi gắm tâm tình, suy từ về cuộc sống và kết nối bạn tâm giao. Hầu hết các bài thơ đều được viết bằng thể Đường luật và phần nhiều là thơ xướng họa. Đến nay, cụ Bùi Danh Ba đã cất công tuyển chọn 3 tập thơ xướng họa và lấy nhan đề là “Tôi yêu Việt Nam”. Nội dung của các tập thơ tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước đang trên bước đường đổi mới. Đồng thời, phê phán những thói hư tật xấu và các loại tệ nạn xã hội như ma túy, buôn gian bán lậu, tham nhũng, hối lộ để góp phần thức tỉnh lương tri và hướng thiện cho những ai lầm đường lạc lối. Thơ của cụ được phát thường xuyên trong chương trình văn nghệ trên sóng Đài PT-TH Nam Đàn và Đài PT-TH Nghệ An.

Mỗi lần đón chào các ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc, người cán bộ lão thành ấy lại dành thời gian để suy tư, chiêm nghiệm và viết nên những vần thơ chan chứa ân tình. Cụ Ba đọc chúng tôi nghe bài thơ vừa mới sáng tác để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay. Bài thơ liên hoàn (2 bài thất ngôn bát cú Đường luật), những câu thơ giản dị nhưng tình cảm chân thành: “Mới đó nay đà sáu tám năm/ Một thời nô lệ nhớ càng căm/ Rũ bùn đứng dậy làm cách mạng/ Quét sạch quân thù hết tối tăm/ Đọ sức năm châu vui chiến thắng/ Sánh vai cường quốc ví ngang tầm/ Làm theo lời Bác tâm trong sáng/ Ơn Đảng quang vinh đức kiệm cần” (bài 2).

Làm một người con quê Bác, luôn khâm phục nhân cách, ý chí và tài năng của Người, cụ Bùi Danh Ba đã dành khá nhiều bài thơ ca ngợi công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số đó, bài “Làng Sen” được cụ tâm đắc nhất: “Quê Bác còn đây hai nếp nhà/ Mái tranh vách nứa trải phong ba/ Ngọn đèn khung cửi lưu hồn mẹ/ Giá sách án thư nhớ bóng cha/ Võng cõi đung đưa nuôi chí lớn/ Lời ru sâu lắng ấm tình nhà/ Một thời nô lệ bao đau xót/ Cứu nước tìm đường vượt biển xa...”.

Trước lúc chia tay, cụ Bùi Danh Ba ghé tai như dặn dò với con cháu mình: “Các anh còn trẻ, dù cuộc sống thế nào cũng phải đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng. Chỉ có Đảng mới đem lại độc lập, tự do cho nhân dân, đất nước”. Được chuyện trò, chia sẻ những vần thơ và lắng nghe lời dặn dò của người cán bộ tiền khởi nghĩa, tâm hồn lớp trẻ chúng tôi càng thêm phơi phới niềm tin!


Công Kiên

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
“Sóng vỗ triều dâng nước vỡ bờ...”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO