Sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH ở Nghĩa Đàn

04/03/2013 18:31

Trong những năm qua,  Nghĩa Đàn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xóa nghèo bền vững. Một trong những biện pháp quan trọng mang lại hiệu quả đó là sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH huyện với xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng địa phương. Từ đây đã có hàng chục nghìn lượt hộ được vay vốn và có cơ hội thoát nghèo.

(Baonghean) - Trong những năm qua, Nghĩa Đàn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xóa nghèo bền vững. Một trong những biện pháp quan trọng mang lại hiệu quả đó là sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH huyện với xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng địa phương. Từ đây đã có hàng chục nghìn lượt hộ được vay vốn và có cơ hội thoát nghèo.

Gia đình chị Đinh Thị Yên xóm 1 xã Nghĩa Yên trước đây thuộc hộ nghèo, ở trong căn nhà xiêu vẹo, 7 năm trước chị không dám nghĩ có ngày mình xây được nhà, mua xe máy nếu như không được vay nguồn vốn để sản xuất từ Ngân hàng CSXH huyện. Nhờ được vay 20 triệu đồng và được hướng dẫn đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, từ một con trâu mẹ chị đã có thêm 4 con trâu con. Nhờ tiền bán trâu mà gia đình chị đã dành dụm được tiền xây nhà, mua vật dụng trong gia đình. Có vốn chị đầu tư trồng dưa hấu, đến nay gia đình không chỉ chăn nuôi trâu, gà, lợn mà còn có 1 ha dưa, mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng.

Chị Đinh Thị Yên vui mừng chỉ cho chúng tôi căn nhà đang ở và chia sẻ: “Ngày trước có mơ cũng không dám, nghèo rớt mồng tơi. Được vay tiền để mua trâu cũng lo sợ nhưng được xóm, xã động viên nên mình cũng mạnh dạn. Giờ vợ chồng cũng cố gắng tích góp từ chăn nuôi, trồng trọt để nuôi các con ăn học”. Cũng như gia đình chị Yên, nhiều hộ nghèo được vay vốn cũng rất phấn khởi khi nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH là cứu cánh giúp họ thoát nghèo.



Mô hình trồng rau thoát nghèo ở xóm Đồng Trường, xã Nghĩa Hội

Với hơn 70% số hộ sản xuất nông nghiệp, việc hướng dẫn người dân đầu tư trồng cây, chăn nuôi phù hợp với tình hình từng địa phương được chú trọng. Nhiều chương trình đã thật sự có sức lan tỏa, nhiều dự án cây trồng đã gắn bó và trở thành cây thoát nghèo ở Nghĩa Đàn như mía, cao su hay cam. Nhiều dự án có hiệu quả cao được nhân rộng như dự án trồng mía năng suất cao ở xã Nghĩa Yên, Nghĩa Hồng do Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thực hiện; Dự án cánh đồng 50 triệu đồng trồng dưa hấu của Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn, Dự án trồng cây cao su ở Nghĩa Lạc, Nghĩa Yên.

Từ đây, người nông dân đã chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, vì vậy năng suất cây trồng đã không ngừng tăng lên. Xã Nghĩa Yên là 1 điển hình trong việc phát triển các mô hình xóa nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay. Từ chỗ năm 2003 tỉ lệ hộ nghèo của xã là hơn 55%, đến nay còn 33,8%. Hộ nghèo được vay vốn thông qua các kênh như: cho vay hộ nghèo, vay hộ sản xuất ở vùng khó khăn. Ông Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: “Nghĩa Yên được vay từ Ngân hàng CSXH huyện đến thời điểm này là 17,7 tỷ đồng từ 7 chương trình với 934 hộ được vay. Để nguồn vốn phát huy được hiệu quả, kinh nghiệm của xã là nguồn vốn vay được đầu tư trồng mía, dưa hấu hay chăn nuôi gia súc, nên khi người nghèo được vay vốn thì xã đã mở các lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt, định hướng cho người dân đầu tư có hiệu quả hơn. Đồng thời 17 tổ vay vốn sẽ thường xuyên giám sát và báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn cũng như xã thường xuyên kiểm tra các mô hình để đánh giá hiệu quả và nhân rộng”.

Không chỉ ở Nghĩa Yên mà xã Nghĩa Thắng cũng là một điển hình trong việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Đây là một trong những xã khó khăn của huyện Nghĩa Đàn với 53,7% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua, bằng việc thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tập trung vào nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH mà xã đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Với việc giúp người dân vay vốn phát triển kinh tế, trong đó xây dựng các mô hình tiêu biểu như trồng mía QĐ 159, từ đó nhân rộng ra toàn xã, đưa các giống lúa chất lượng cao về áp dụng, chuyển giao KHKT cho nông dân phát triển kinh tế… Tỷ lệ hộ nghèo của Nghĩa Thắng giảm từ 17% năm 2011 xuống còn 12% năm 2012.

Với tổng số dư nợ đến thời điểm này của Ngân hàng CSXH huyện là hơn 262 tỷ đồng, để quản lý tốt nguồn vốn, ngân hàng đã phối hợp với 4 tổ chức đoàn thể là Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân nhận ủy thác và quản lý vốn theo thôn xóm. Đây là hệ thống "chân rết" có nhiệm vụ giám sát việc sử dụng vốn, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ do ngân hàng ủy thác và quản lý nguồn vốn theo thôn xóm để mang lại hiệu quả. Bà Hồ Thị Nhung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Ngân hàng thực hiện 9 chương trình cho vay với đối tượng chủ yếu là người nghèo, gia đình chính sách, chọn đúng đối tượng mà ngân hàng quan tâm đến hiệu quả nguồn vốn vay. Do được tuyên truyền nên nhiều người dân cũng chấp hành trả nợ và tiền lãi đúng kỳ hạn, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà trở thành những chủ trang trại, những mô hình phát triển kinh tế của huyện”.

Nhờ những nỗ lực đó, trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nghĩa Đàn đã làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho hơn 28,6 nghìn hộ nghèo, hơn 12 nghìn lượt hộ nghèo ở Nghĩa Đàn nhờ nguồn vốn từ chương trình này đã có cơ hội xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Ông Phan Tiến Hải - Phó Bí thư huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: “Nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ một nguồn vốn không nhỏ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn thoát nghèo. 28 nghìn lượt gia đình được vay vốn và đây là nguồn vốn rất quan trọng giúp người dân cải thiện cuộc sống, có điều kiện nâng cao thu nhập. Bình quân mỗi năm Nghĩa Đàn giảm từ 2 đến 3% hộ nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, vùng xa”.

Thời gian tới, Nghĩa Đàn tiếp tục nhân rộng các mô hình xóa nghèo bền vững đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Ngân hàng Chính cách Xã hội huyện trong việc hỗ trợ nguồn vốn và định hướng trong phát triển kinh tế cho người dân.


Đinh Thùy (Đài Nghĩa Đàn)

Mới nhất

x
Sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH ở Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO