Sự hy sinh của người mẹ

30/07/2012 10:45

(Baonghean) Hiện là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn sống của huyện Nghĩa Đàn - mẹ Ngô Thị Tiếp cũng gần bước sang tuổi 90.

Mẹ như ngọn đèn trước gió, sống một mình giữa bạt ngàn rừng cao su thuộc xóm Bình Hải xã Nghĩa Bình - Nghĩa Đàn (Nghệ An). Người con trai duy nhất của mẹ, liệt sỹ Trần Văn Trinh đã mãi nằm lại trên chiến trường khu V trong kháng chiến chống Mỹ. Cụ ông là Trần Văn Mậu, một chiến sỹ “Cảm tử quân” từ kháng chiến chống Pháp, cũng đã mất gần 5 năm nay. Mẹ bảo rằng, nếu không có sự quan tâm chăm sóc của chính quyền địa phương, bà con lối xóm và thi thoảng, đứa cháu ngoại vừa học hết lớp 3 sang ngủ cùng thì cuộc sống của mẹ chắc sẽ cô đơn lắm…



Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Tiếp

Mẹ Tiếp quê gốc xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên - Quảng Nam). Từ hồi Nam Kỳ kháng chiến, lên 18 tuổi, mẹ Tiếp đã theo anh em du kích chiến đấu tại địa phương. Năm 28 tuổi, mẹ Tiếp xây dựng gia đình cùng ông Mậu, có với nhau một người con trai. Năm 1954, cụ ông tập kết ra miền Bắc, công tác tại Nghệ An. Ông có thư về hẹn 2 năm sau, nước nhà thống nhất, vợ chồng hội ngộ. Thế mà cuộc chiến kéo dài dằng dặc suốt hai chục năm, nhưng chưa lúc nào mẹ Tiếp quên lời hẹn “hội ngộ”. Từ đó, một mình mẹ nuôi con và cùng bà con lối xóm chống địch. Năm 1965, trong một trận càn vào căn cứ du kích, người con trai duy nhất của mẹ Tiếp, anh Trần Văn Trinh đã anh dũng hy sinh khi còn là một thiếu niên du kích . Mẹ Tiếp nhớ lại: “Khi đó, căn hầm bí mật có 3 du kích trú ẩn. Tụi Mỹ kêu hàng được 2 người, còn nó nói: “Tao không hàng”. Thế là bị bỏ lựu đạn... Năm ấy, Trinh chưa đầy tuổi 15.

Buổi chiều hôm đó, trong khi tìm thi thể con, mẹ Tiếp rơi vào tay giặc. Bị tra tấn nhiều lần nhưng mẹ Tiếp không hé nửa lời. Biết không khai thác được điều gì, lính Mỹ chuyển mẹ Tiếp vào nhà lao Quế Sơn (Quảng Nam). Trong 2 năm (từ năm 1965 – 1967), mẹ trải qua nhiều nhà tù của Mỹ - Ngụy. Từ Quế Sơn ra Đà Nẵng, Hội An và cả ở nhà tù khét tiếng có từ thời Pháp thuộc, khám Chí Hòa ở Sài Gòn. Được thả, mẹ trở về vùng núi Quế Sơn chiến đấu trong lực lượng du kích địa phương cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng…

Tháng 10 năm 1975, mẹ Tiếp gồng gánh từ Quảng Nam ra miền Tây Nghệ An tìm chồng. Mẹ tìm đến Nông trường 1/5 (Nghĩa Đàn), nơi chồng làm việc, mới biết ông Mậu đã kết hôn với một phụ nữ và có 4 con. Thời điểm này, bà vợ thứ 2 của cụ ông đang lâm bệnh nặng, mẹ Tiếp đành gạt nước mắt, chăm sóc đến khi người đàn bà ấy qua đời vào năm sau.

Từ đó, mọi khó khăn trên miền đất lạ này mới thực sự bắt đầu với mẹ Tiếp. Ngày ấy, 4 người con riêng của ông Mậu đều còn tấm bé. Việc nuôi nấng, chăm sóc đặt cả lên đôi vai mẹ. Ông Mậu tham gia “Cảm tử quân” từ năm 1947, sau hàng chục năm lăn lộn trên các chiến trường, thương tích nặng gần như mất khả năng lao động. Lo ăn học, rồi dựng vợ gả chồng cho ngần ấy con người, ngoảnh mặt nhìn lại đã thấy mình sắp bước qua tuổi “cổ lai hi”. Khi các con lập gia đình ra ở riêng, căn nhà của mẹ trở nên trống vắng. Bữa cơm hàng ngày thường chỉ có 2 người già. Lúc này, nỗi nhớ quê cũ cồn lên xâm chiếm tâm trí mẹ Tiếp. “Đã nhiều lần tui bàn với ổng vô trỏng, nhưng ổng cứ lầm lừ”. Và sự “lầm lừ” đó khiến mẹ không còn cơ hội cùng chồng trở lại quê nhà sống những ngày cuối của tuổi già bóng xế. Cách đây ba năm, ông Mậu cũng qua đời ở tuổi 93.

Từ mấy năm nay, căn nhà tình nghĩa do Báo Phụ nữ Thủ đô đóng góp xây dựng cho mẹ Tiếp trở nên quạnh vắng hơn. “Cuộc sống vật chất không thiếu thốn, chỉ nhớ quê thôi” - Mẹ Tiếp nói. Hỏi về sự quan tâm của chính quyền địa phương, mẹ Tiếp cười móm mém: “Họ cũng quan tâm lắm! Tháng 7 năm nay, họ đến từ mồng 3, sớm lắm...”.

Chúng tôi chào mẹ Tiếp ra về vào một buổi chiều hè nắng gắt. Mẹ ra hiên tiễn chúng tôi về. Trong cái nắng gắt tháng Bảy, chắc mẹ đang nhớ về cái nắng cuối ngày của xứ Quảng?


Hữu Vi

Mới nhất
x
Sự hy sinh của người mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO