Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
(Baonghean.vn) - Tổng thống Nga Putin bất ngờ cách chức 16 quan chức cấp cao; Châu Âu tìm giải pháp ngăn chặn người di cư; Mỹ sẽ bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt Iran; Nước Mỹ 'nóng' vì sắc lệnh cấm nhập cảnh;... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua.
1. Tổng thống Nga Putin bất ngờ cách chức 16 quan chức cấp cao
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ cách chức 16 quan chức cấp cao thuộc Bộ các tình trạng khẩn cấp, Bộ Nội vụ và Ủy ban Nghiên cứu quốc gia Nga.
Trong số 16 quan chức bị mất chức có 2 tướng lĩnh bị sa thải hoàn toàn khỏi quân đội. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm 2 vị trí lãnh đạo mới ở Bộ các tình trạng khẩn cấp bao gồm ông Vladlen Aksionov, Phó cục trưởng Cục phòng cháy chữa cháy và ông Pavel Barshev, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Ông Putin cũng phê chuẩn ông Oleg Kamshilov làm Công tố viên bán đảo Crimea, thay thế bà Natalia Paklonskaya, người trúng cử vào Hạ viện Nga hồi tháng 9 năm ngoái.
Thông cáo của điện Kremlin không nêu rõ thông tin chi tiết về lý do dẫn tới những sự thay đổi về mặt nhân sự này.
Đây là đợt cải tổ nhân sự mới nhất do Tổng thống Putin tiến hành. Trước đó, ông Putin đã nhiều lần mạnh tay sa thải hàng loạt quan chức cấp cao của Chính phủ do những người này không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Châu Âu tìm giải pháp ngăn chặn người di cư
Những người tị nạn bật khóc bên bờ biển sau khi đặt chân đến châu Âu (Ảnh: CNN). |
Ngày 3/2, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) đã khai mạc tại Malta trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức đe dọa tới sự tồn tại của thể chế gần 60 năm tuổi.
Đây là cuộc họp mới nhất trong một loạt những hội nghị khẩn cấp được triệu tập kể từ khi nước Anh quyết định rời EU (Brexit) hồi tháng 6 năm ngoái.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, mục đích chính của hội nghị là ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Libya tới Châu Âu. Châu lục sẽ thúc đẩy triển khai các biện pháp hành động cụ thể bổ sung để đối phó hiệu quả hơn với các mạng lưới buôn người. Theo dự thảo, EU sẽ ưu tiên huấn luyện và trang bị cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya.
Ngoài ra, EU cũng đề xuất tiền viện trợ cho Libya cũng như các nước Châu Phi khác nhằm phong tỏa đường biên giới, ngăn chặn dòng người di cư muốn tìm đường tới Châu Âu.
3. Mỹ sẽ bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt Iran
Quan hệ Mỹ - Iran trở nên căng thẳng sau vụ Iran thử tên lửa đạn đạo ngày 30/1/2017. |
Nhà Trắng sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với các thể chế của Iran. Đây là thông tin được đăng tải trên trang mạng CNN hôm nay, 3-2.
Theo CNN, các lệnh trừng phạt bổ sung mà Mỹ áp dụng là nhằm lên án vụ thử tên lửa đạn đạo mà Iran vừa tiến hành trong ngày 30-1 vừa qua.
Sắc lệnh trừng phạt mới dự kiến sẽ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký trong ngày hôm nay. Hàng chục cá nhân, công ty và cơ quan chính phủ của Iran có thể sẽ là đối tượng nằm trong diện bị trừng phạt. Trước đó, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã từng có động thái tương tự sau các vụ thử tên lửa đạn đạo của quốc gia Trung Đông này.
Trong một lá thư gửi tới Tổng thống Donald Trump ngày 2-2, một nhóm nghị sỹ thuộc 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi tăng cường trừng phạt Iran. “Các nhà lãnh đạo Iran cần phải giảm bớt các hành động gây bất ổn nghiêm trọng, từ việc tài trợ cho các nhóm khủng bố tới việc liên tiếp thử tên lửa đạn đạo. Việc áp dụng đầy đủ các biện pháp cấm vận hiện tại và bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là điều cần thiết”, lá thư có đoạn viết.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang kể từ vụ thử tên lửa đạn đạo ngày 30-1 vừa qua. Sau vụ thử tên lửa của Iran, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn đã gọi đây là một hành động khiêu khích, đi ngược lại nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, phía Iran khẳng định, việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo là một động thái phòng vệ chính đáng và cảnh báo Mỹ không nên làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước.
4. Hạ viện Anh mở đường cho Thủ tướng Theresa May kích hoạt tiến trình rời EU
Theo AP, ngày 2/2, với tỷ lệ 498 phiếu thuận và 114 phiếu chống, các nghị sĩ thuộc Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua giai đoạn đầu tiên của một dự luật, mở đường cho Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Dự luật này sau đó sẽ được chuyển lên Thượng viện để thảo luận từ ngày 20-2 và có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 7-3. Thủ tướng T.May đang đứng trước áp lực phải có được sự phê chuẩn nhanh chóng của Quốc hội Anh do đã cam kết với các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ khởi động tiến trình đàm phán 2 năm về Brexit trước khi tháng 3 kết thúc.
Trước đó, London cũng đã tìm cách tự kích hoạt điều khoản này mà không thông qua Quốc hội. Tuy nhiên, sau đó Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết buộc Chính phủ của bà T.May phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội. Các cuộc đàm phán rời EU của Anh dự kiến kéo dài khoảng 2 năm và được dự báo sẽ là một trong những cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử hình thành EU.
5. Ông Rex Tillerson chính thức trở thành tân Ngoại trưởng Mỹ
Ông Rex Tillerson phát biểu trong lễ nhậm chức. |
Ngày 1/2, ông Rex Tillerson, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil đã chính thức trở thành tân Ngoại trưởng Mỹ.
Thông tin bổ nhiệm ông Tillerson đã được Thượng viện Mỹ xác nhận. Ông đã vượt qua vòng bỏ phiếu tại Thượng viện với số phiếu sít sao: 56 phiếu thuận và 43 phiếu chống. 56 người bỏ phiếu thuận gồm tất cả các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và 4 thành viên đảng Dân chủ.
Ông Tillerson năm nay 64 tuổi, từng làm việc tại tập đoàn Exxon Mobil trong 40 năm. Ông đã thôi giữ vị trí Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn này từ năm 2016.
Ông Tillerson nhậm chức Ngoại trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn khi khoảng 1.000 nhân viên ngoại giao Mỹ vừa ký đơn phản đối sắc lệnh cấm nhập cư gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Các thành viên Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ông Tillerson tin tưởng ông sẽ đảm nhận tốt cương vị Ngoại trưởng Mỹ nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành một tập đoàn lớn hoạt động tại khắp các châu lục trên toàn cầu.
Trong khi đó, một số Thượng nghị sỹ khác lại bày tỏ lo ngại về mối quan hệ thân tình giữa tân Ngoại trưởng và nước Nga khi ông có một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực dầu khí.
6. Nước Mỹ "nóng" vì sắc lệnh cấm nhập cảnh
Người biểu tình phản đối sắc lệnh của Tổng thống D.Trump tại Sân bay Chicago, Illinois, Mỹ. |
Chỉ chưa đầy nửa tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đưa ra nhiều chính sách gây tranh cãi.
Trong đó, sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người nhập cư từ 7 quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi, gồm: Syria, Sudan, Somalia, Iraq, Iran, Libya và Yemen đang trở thành tâm điểm. Ngay sau khi được ban bố, quyết định đã ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phản đối từ trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Sắc lệnh yêu cầu ngừng cho người tị nạn vào xứ Cờ hoa trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày, kể cả những người có "thẻ xanh", tức là thẻ cư trú dài hạn tại nước này. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng đây là những biện pháp rà soát mới để khiến những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan không vào được Mỹ và thị thực sẽ lại được cấp ngay khi "những chính sách an ninh chặt chẽ nhất" được thực thi.
Tuy nhiên, quyết định của người đứng đầu đất nước đã không nhận được sự đồng tình của rất đông người dân Mỹ. Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng mang theo những biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu phản đối phân biệt đối xử với người nhập cư.
Tại TP New York, nơi được xem là biểu tượng của tự do và nhập cư, hàng nghìn người cũng tập trung tại Công viên Battery để phản đối sắc lệnh của tân tổng thống. Các cuộc biểu tình còn diễn ra tại nhiều thành phố khác như Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles, Philadelphia và Seattle.
Dù có những cách lập luận riêng, nhưng quyết định của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đang vấp phải nhiều ý kiến bất đồng. Dẫu thế nào thì một bầu không khí căng thẳng trong nước và quốc tế cũng không phải là những dấu hiệu thuận lợi đối với một nhà lãnh đạo đang trong những ngày đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước.
7. Triều Tiên cách chức cố vấn quan trọng của lãnh đạo Kim Jong Un
Một bức ảnh chụp ông Kim Won Hong do KCNA đưa ra ngày 30/6/2016. (Nguồn: Reuters) |
Theo Reuters/Kyodo, ngày 3/2, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Jeong Joon-hee, cho biết Triều Tiên đã cách chức Bộ trưởng An ninh nhân dân của nước này, ông Kim Won Hong - vốn được coi là cố vấn quan trọng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo nguồn tin trên, ông Kim Won Hong đã bị cách chức từ giữa tháng 1/2017 do phạm vào các tội danh tham nhũng, lạm dụng quyền lực, vi phạm nhân quyền.
Cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap đã xác nhận ông Kim Won Hong đã bị sa thải sau một cuộc điều tra đồng thời cho hay, bên cạnh việc bị sa thải, ông Kim, vốn là Tướng 4 sao, đã bị giáng thành Tướng 2 sao.
Bộ An ninh nhân dân Triều Tiên có nhiệm vụ giám sát hoạt động của dân thường, phản gián và trừng phạt những kẻ là mối đe dọa đối với nhà nước.
Ông Kim từng nổi lên là một nhân vật quyền lực tại Triều Tiên sau khi được bổ nhiệm vào cương vị người đứng đầu cơ quan này vào năm 2012 và dẫn tới án tử hình đối với ông Jang Song Thaek, chú của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
8. Ông Ban Ki-moon tuyên bố không tranh cử Tổng thống Hàn Quốc
Ông Ban Ki-moon phát biểu trong buổi họp báo diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 31/1 (giờ địa phương). (Ảnh: Reuters) |
Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon - người được xem là một trong những ứng cử viên số một cho vị trí Tổng thống Hàn Quốc - tuyên bố sẽ không tham gia cuộc đua giành chiếc ghế quyền lực nhất Nhà Xanh.
Trong buổi họp báo được tổ chức tại tòa nhà Quốc hội, ngay sau cuộc họp với các lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông Ban Ki-moon cho biết bản thân cảm thấy rất thất vọng trước sự ích kỷ của một số chính trị gia và về tin đồn xoay quanh việc ông và người thân nhận hối lộ.
“Tất cả những tin đồn thất thiệt ấy đã phá hỏng những dự định cải cách chính trị của tôi và để lại nhiều tác động tiêu cực tới gia đình, bản thân tôi và cả uy tín của Liên hợp quốc - nơi tôi đã cống hiến trong suốt 10 năm qua” - ông Ban Ki-moon phát biểu.
Ông Ban Ki-moon, 72 tuổi, đã trở về Hàn Quốc vào ngày 12/1 vừa qua sau 10 năm giữ chức Tổng thư ký Liên hợp quốc. Ông từng là Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc trong giai đoạn 2004 - 2006 và có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chính sách cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trước đó, trong một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào tuần trước, tỷ lệ ủng hộ ông Ban Ki-moon đã tụt giảm xuống 16,5%, xếp thứ hai sau ứng cử viên chính của Đảng Dân chủ là Moon Jae-in. Quyết định rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống của ông có thể giúp tăng cơ hội dành cho các ứng viên tới từ những đảng nhỏ khác như Ahn Cheol-soo của Đảng Nhân dân tiến bộ.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|