Sứ mệnh hồi âm hay một cách trả nợ của người Mỹ?

28/07/2013 17:30

Ngày 25/7 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tại cuộc hội đàm ở phòng Bầu Dục trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Đây là một bước tiến dài trong quan hệ song phương của hai nước, sau tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận, bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995 và chuyến thăm chính thức Việt Nam trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC của tổng thống George Bush năm 2006.

(Baonghean) - Ngày 25/7 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tại cuộc hội đàm ở phòng Bầu Dục trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Đây là một bước tiến dài trong quan hệ song phương của hai nước, sau tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận, bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995 và chuyến thăm chính thức Việt Nam trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC của tổng thống George Bush năm 2006.

Cụ thể, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tạo khuôn khổ mới cho hợp tác song phương trong chính trị - ngoại giao; kinh tế - thương mại; khoa học - công nghệ; giáo dục, văn hoá, du lịch và thể thao; môi trường - y tế; quốc phòng - an ninh; bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và giải quyết hậu quả chiến tranh. Qua đó, lãnh đạo hai bên nhất trí trao đổi thẳng thắn và cởi mở, tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để tiến tới một mối quan hệ bền vững, đem lại lợi ích cho cả hai bên: Việt Nam - đất nước xấp xỉ 90 triệu dân với nền kinh tế đang phát triển ở khu vực chiến lược Đông Nam Á - Thái Bình Dương và Hoa Kỳ - cường quốc Thái Bình Dương có sức nặng không ai bàn cãi nhưng chưa hẳn là không có đối trọng trên chính trường quốc tế.

Tất nhiên, việc mở rộng và đào sâu quan hệ đối tác với Hoa Kỳ là điều cần thiết và tất yếu sau mười tám năm nỗ lực của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói. Dù vậy, để lịch sử quan hệ phức tạp giữa hai nước bước sang trang mới, một tác nhân không nhỏ là Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với quan điểm, định hướng chính trị, đối ngoại đầy tính nhân văn và cởi mở.

Năm 2009 khi Barack Obama đắc cử, ông đã thể hiện rõ mong muốn hoà giải với thế giới Hồi giáo bằng việc dành cho kênh truyền hình Ả rập Al Arabiya cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông cùng những nỗ lực tiếp cận với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, 4 tháng sau khi nhậm chức, bài diễn văn kêu gọi “một sự khởi đầu mới” trong mối quan hệ Mỹ - Hồi giáo của ông tại Cairo - cái nôi bài xích Mỹ của Ai Cập - đã được hưởng ứng một cách tích cực.

Hơn ai hết, Obama hiểu rõ vai trò hoà giải của Mỹ trong tình hình phức tạp ở Trung Đông và rằng những động thái của Mỹ có thể ảnh hưởng to lớn đến tiến trình hoà bình khu vực và thế giới. Kế thừa một nước Mỹ căng thẳng trong mối quan hệ với thế giới Hồi giáo và các thế lực khác trên thế giới, đối mặt với những khủng hoảng kinh tế, an ninh và sự sa sút về uy tín trên chính trường quốc tế, Obama đã hướng tới giải pháp nhân văn là đi tìm tiếng nói chung, cùng giải quyết và dung hoà những mâu thuẫn với các đất nước và cộng đồng có ý thức hệ và nền văn hoá khác biệt. Dù quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo vẫn chưa đi đến thoả thuận cuối cùng nhưng phải công nhận uy tín của Obama trong cộng đồng Hồi giáo, đến nỗi “Những chính phủ bài Mỹ nhất như chính quyền hồi giáo Iran không lẽ nào lại mạ lỵ Barack Obama”.

Có thể thấy, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ thiện chí ngay cả với những thế lực cực đoan đe doạ đến hoà bình khu vực và thế giới. Vậy thì một nền kinh tế đang phát triển ở cửa ngõ Thái Bình Dương, một sức mạnh đang lên với quan điểm chính trị mang tính xây dựng như chúng ta lại càng nên hi vọng vào quan hệ hợp tác song phương đúng nghĩa với sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ hơn từ Hoa Kỳ. Với sự công nhận và ủng hộ của nền kinh tế hàng đầu thế giới, Việt Nam sẽ hội nhập trên một vị thế bền vững và được chú trọng hơn.

Đặc biệt, ông Obama cũng bày tỏ mối quan tâm đến vấn đề biển Đông, ủng hộ quan điểm của Việt Nam giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc cho thấy Hoa Kỳ phản đối mọi thái độ bạo lực và vi phạm chủ quyền các quốc gia. Đây là vốn giắt lưng hết sức vững chắc cho Việt Nam trong việc theo đuổi đàm phán hoà bình với Trung Quốc. Nhất là sau cuộc đàm phán (không chính thức) của Tập Cận Bình và Barack Obama thì chuyến thăm chính thức của ông Trương Tấn Sang đã đưa Việt Nam lên một vị thế có tiếng nói hơn trong quan hệ với Trung Quốc (và hơn thế nữa).

Kết thúc cuộc đàm phán tại phòng Bầu Dục, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao lại cho Tổng thống Barack Obama bản sao lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16 tháng 2 năm 1946. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Sự an ninh và tự do này chỉ có thể được đảm bảo bởi sự độc lập của chúng tôi khỏi mọi thế lực thực dân, và sự hợp tác tự do của chúng tôi với mọi lực lượng khác (...) mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác hoàn toàn với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức để sự độc lập và hợp tác này có lợi cho toàn thế giới”. Hơn 60 năm sau, việc cùng nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ Việt - Mỹ lên tầm quan hệ đối tác toàn diện, phải chăng là lời hồi âm cho lá thư đầy thiện chí có tầm nhìn lịch sử vượt tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được gửi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ký tên Barack Obama.


Nấm Linh Chi

Mới nhất
x
Sứ mệnh hồi âm hay một cách trả nợ của người Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO