Sự thật giật mình về tắc đường
Tắc đường là một thực trạng nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn ở mọi quốc gia trên Thế giới. Trong lúc chúng ta đang loay hoay tìm giải pháp cho vấn đề này, trong đó trọng điểm là học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển thì một sự thật đáng buồn là chính các quốc gia đó cũng chưa thể giải quyết triệt để được tắc đường.
Tắc nghẽn giờ cao điểm tại một nút giao ở TP HCM (Ảnh: Thanh Niên) |
Tắc đường là thảm họa mang tính toàn cầu
Ùn tắc giao thông là thảm họa mà hàng tỷ người trên Thế giới phải chấp nhận "sống chung với lũ" mỗi ngày. Từ những nút cổ chai đông nghẹt, tiến không được, lùi không xong giữa giờ cao điểm, đến hàng dài nhiều cây số xe cộ chờ đến lượt qua trạm thu phí đường cao tốc ở đầu và cuối mỗi dịp nghỉ lễ dài.
Là một người Việt Nam, cảnh tắc đường với chúng ta không lạ lẫm gì. Nhưng nếu bạn đang ca thán về "thảm họa giao thông" tại Hà Nội hay TP HCM, khiến nhiều người đi làm muộn 1-2 tiếng đồng hồ mỗi sáng, thì hãy gượm lại đã, hãy hỏi những người dân tại Sao Paolo, Brazil, thảm họa giao thông bên họ còn kinh khủng hơn nhiều.
Vào một ngày tháng 5 năm 2014, thành phố này từng bị tắc đường đúng giờ cao điểm, với dòng xe cộ ùn tắc kéo dài tới...344 km.
Cảnh tắc đường kinh hoàng tại Sao Paulo, Brazil năm 2014 |
Tắc đường không chỉ gây bực bội cho người tham gia giao thông, mà còn là một trong những nhân tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ngày một thêm trầm trọng tại các đô thị lớn toàn cầu. Tình trạng đó kéo dài không chỉ gây nguy hại cho khí hậu, mà còn cho chính sức khỏe của chúng ta.
Theo một loạt các nghiên cứu công phu của Trung tâm Phân tích Hiểm họa thuộc Đại học Havard, Mỹ, tắc đường tại 83 khu vực đô thị lớn nhất tại nước này đã dẫn tới 2.200 trường hợp đột tử trong năm 2010, khiến ngân sách y tế tăng thêm 18 tỷ USD.
Tắc đường triền miên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí báo động tại các siêu đô thị như Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Quartz) |
Còn phải kể đến thiệt hại khổng lồ về kinh tế gây ra bởi những giờ dài chúng ta phải bỏ ra để di chuyển đến nơi làm, những chuyến giao hàng bị chậm.
Theo thống kê, một người lái xe ô tô tại 10 thành phố tắc đường nhất ở Mỹ mỗi năm mất khoảng 42 giờ đồng hồ để "bò" qua những đoạn ùn ứ, tắc đường. Tính riêng chi phí cho phần nhiên liệu tiêu thụ cho khoảng thời gian đó đã lên tới 121 tỷ USD.
Nguyên nhân gây tắc đường, lỗi tại ai?
Thảm họa tắc đường không phải là vấn đề mới mẻ gì. Trong giai đoạn "kỷ nguyên vàng" của ngành công nghiệp xe hơi vào những năm 1960, hàng triệu gia đình tại Âu, Mỹ đồng loạt chuyển sang sử dụng xe hơi, khi ấy đã rẻ tiền hơn, tạo ra thách thức cực lớn đến hệ thống giao thông sẵn có.
Các nhà quy hoạch khi ấy tính toán và đưa ra một giải pháp hết sức đơn giản, gần như là hiển nhiên: nhiều xe hơn thì làm thêm nhiều đường, khổ đường rộng ra hơn là xong.
Cảnh tắc đường những năm 1960 ở Los Angeles, Mỹ (Ảnh: hemmings.com) |
Tuy nhiên giải pháp trên đã thất bại. Càng nhiều đường được xây dựng, lại càng có thêm nhiều xe cộ lưu thông. Ví dụ như tại bang California, Mỹ, một nghiên cứu vào năm 1997 cho thấy, mỗi con đường cao tốc được xây mới thì chỉ mất tối đa 5 năm là sẽ đạt tới 90% lưu lượng giao thông thiết kế.
Là quốc gia đi sau Âu, Mỹ rất nhiều, chúng ta có thể nhìn thấy hiện trạng trên đang lặp lại ở Việt Nam. Khá giống như thời điểm Âu, Mỹ những năm 1960 nêu ở trên, lượng xe ô tô đã gia tăng đột biến ở nước ta trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Chưa bàn đến tầm quy hoạch, có thể nhìn thấy rõ ràng giải pháp mà các nhà quản lý và hoạch định Việt Nam đưa ra vẫn đang là xây thêm nhiều đường sá, rộng rãi thênh thang. Nói cách khác, chúng ta đang đi theo vết xe đổ của các nước đi trước.
Những nút giao thông lập thể phức tạp và hoành tráng như thế này cũng nhanh chóng bó tay trước thảm họa tắc đường |
Không tin? Hãy ngẫm lại cảnh giao thông ở nước ta, bạn sẽ phải công nhận rằng tốc độ phát triển hạ tầng đường sá những năm qua là rất đáng kể. Tuy nhiên, một câu truyện lặp đi lặp lại là đa phần công trình mới xây lên, được ca ngợi như "cứu tinh" cho tình trạng ách tắc của khu vực đó, thì cũng chỉ vài năm sau là lại trở thành điểm nóng về giao thông.
Đường tắc thêm? Vậy chúng ta sẽ xây thêm đường cho người đi. Trong khi tốc độ gia tăng lưu lượng giao thông nhanh hơn tốc độ xây mới các công trình. Cứ như thế, tạo thành một vòng tuần hoàn.
Nút giao "4 tầng" hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc đường tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trại, Hà Nội...(Ảnh: Vnexpress) |
...nhưng đâu lại về đó sau chưa tới một năm khánh thành (Ảnh: Hanoi Wiki) |
Trong khi đó, tuyến đường Tố Hữu, được xây mới hoàn toàn dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long 2010 nhằm giảm tải cho tuyến đường Nguyễn Trãi đến nay cũng đã quá tải vào cá khung giờ cao điểm (Ảnh: Zing) |
Về phía người tham gia giao thông thì sao?
Các nút cổ chai trên đường phố và khối lượng khổng lồ xe cộ qua lại vào cùng một thời điểm là những nguyên nhân nhãn tiền ai cũng thấy. Mặc dù vậy trên thực tế cảnh tắc đường có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ từ hậu quả của một hành vi giao thông không đẹp nào đó của người đi đường.
Ví dụ điển hình nhất là hành vi bất ngờ chuyển làn. Đây là hành động rất phổ biến mà dám chắc chính bản thân bạn đọc cũng từng thực hiện. Việc bạn bất ngờ chuyển làn sẽ làm cho các phương tiện phía sau ở làn đường mới phải đột ngột phanh để tránh va chạm.
Trong tình huống đường đông, chỉ cần một cú chuyển làn của bạn có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến cả dòng xe cộ phía sau phải khựng lại, chưa kể đến nguy cơ tai nạn.
Người tham gia giao thông ở Việt Nam được đánh giá là...liều lĩnh và ý thức kém bậc nhất Thế giới (Ảnh: Dân Trí) |
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Học viện Công nghệ Georgia tại Atlanta, Mỹ dồn trách nhiệm gây ra tình trạng tắc đường cho phong cách lái xe của người tham gia giao thông.
Cụ thể, học viện này cho rằng tắc đường là hậu quả từ sự tổng hòa giữa 2 phong cách lái xe: những người đi xe "ngổ ngáo" quá, thường xuyên bám sát nguy hiểm xe phía trước, và những người đi xe cẩn thận, tỉ mẩn, hiền lành quá. Cả 2 phong cách lái xe trên đều dẫn tới tình trạng phanh đột ngột, gián tiếp dẫn tới ách tắc như đã nói ở trên.
Hiểu được quy luật di chuyển của dòng phương tiện qua lại để đưa ra các hướng điều chỉnh, quy hoạch tối ưu nhất là điều rất khó, cả ở các nước phát triển, nơi nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu tìm giải pháp cho giao thông đô thị.
Vậy chẳng nhẽ chúng ta cứ mãi phải chịu cảnh tắc đường?
Việc cứ hết xây thêm đường, lại điều chỉnh, nắn tuyến mà giao thông vẫn tắc nghẽn, cứ như một "lời nguyền" khiến chúng ta buộc phải suy ngẫm: liệu tắc đường có phải là căn bệnh trầm kha không thể chữa khỏi ở mọi thành phố lớn?
Nhận định trên thực sự đã được nhiều người nghĩ đến, nhiều chuyên gia ủng hộ. Bởi nhìn trên phạm vi toàn Thế giới, tắc đường quả thật hiện diện ở mọi nơi. Từ các nước châu Âu có dân số già, kỷ luật và trật tự xã hội tốt, đến những thành phố trẻ trung, năng động, hiện đại tại châu Á. Từ các đô thị cũ kỹ tới các thành phố hoàn toàn mới được quy hoạch tỷ mỷ.
Cảnh tượng tắc đường không thể tin nổi tại Trung Quốc |
Có thể khẳng định chắc chắn rằng hiện tại trên Thế giới chưa có giải pháp nào chứng minh được rằng có thể giải quyết được vấn đề tắc đường tại các đô thị lớn một cách triệt để, vĩnh viễn. Một giải pháp như thế có chăng chỉ đến trong tương lai, khi chúng ta chấp nhận suy nghĩ thoáng hơn, thậm chí là phá cách về vấn đề này.
Theo vntinnhanh
TIN LIÊN QUAN |
---|