Sự tích núi Bà Già

08/03/2015 09:13

(Baonghean) - Núi Bà Già đứng chân ở bản Na Lượng, nối liền với những dãy núi điệp trùng của dải đất biên cương xứ Nghệ. Dưới chân núi là dòng Nậm Mộ rì rào uốn lượn và Quốc lộ 7A chạy men theo hữu ngạn của dòng sông đầy vẻ thơ mộng này. Bản Na Lượng như ôm lấy sườn núi Bà Già để làm nên vẻ xanh tươi, trù phú. Núi như một dãy thành bao quanh, che chắn cho bản làng luôn được yên bình, không bao giờ bị bão lũ, cuồng phong tàn phá.

Rước vạc 9 quai ở Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu.
Rước vạc 9 quai ở Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu.

Người dân Na Lượng ai cũng thuộc lòng sự tích núi Bà Già, kể cả những đứa trẻ lên 6, lên 7. Theo sự tích đang được lưu truyền, vào thế kỷ XIV, dải biên cương Kỳ Sơn lúc ấy hãy còn hoang vắng, bản làng thưa thớt, cuộc sống còn lắm gian nan, vất vả. Lợi dụng điều này, bọn giặc từ phía bên kia biên giới tràn sang lấn chiếm và cướp bóc của cải. Chúng ra sức đốt phá bản làng, giết hại người vô tội và lấy hết ngô lúa, trâu, bò. Đồng bào ta vô cùng căm giận và ra sức chống trả nhưng quân giặc ỷ thế đông, lại hết sức tàn bạo nên đành phải chạy vào chốn rừng hoang, núi thẳm. Đúng lúc nguy cấp nhất, thật may là triều đình nhà Trần đã kịp điều quân lên vùng biên ải đánh đuổi quân giặc đem lại cuộc sống thanh bình cho muôn dân. Đội quân triều đình do Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài dẫn đầu tiến đến vùng Phủ Tương, kêu gọi nhân dân địa phương gia nhập nghĩa quân và giúp đỡ bằng cách ủng hộ lương thảo. Trước lời hiệu triệu của vị tướng nhà Trần, đồng bào các dân tộc nơi đây đã tích cực hưởng ứng và xin gia nhập hàng ngũ của nghĩa quân để đánh đuổi bọn giặc ra khỏi bờ cõi.

Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài chọn một ngọn núi khá cao ở bản Na Lượng để làm căn cứ tập kết quân lương, ngày đêm luyện tập quân sỹ. Từ đây có thể dễ dàng quan sát các vị trí quanh vùng và theo dõi sự di chuyển của quân giặc để kịp thời đưa ra đối sách. Người dân Na Lượng luôn đảm bảo nguồn tiếp tế để nghĩa quân yên tâm luyện tập võ nghệ và đánh đuổi giặc. Trong đó, có một bà cụ già tuổi đã cao nhưng vẫn vận động chồng con gia nhập nghĩa quân để sớm đem lại cảnh yên vui cho bản làng. Bản thân cụ bà nhận nhiệm vụ quyên góp gạo nuôi quân. Hàng ngày, cụ đến từng nhà để vận động quyên góp, số gạo góp được cụ cho cả vào chiếc vạc 9 quai để nấu thành cơm và chia đều cho tất cả quân sỹ. Cụ làm việc ấy một cách kiên trì và nhẫn nại, không kể ngày đêm, mưa nắng, miễn là quân sỹ được ăn no.

Trong một trận đánh ác liệt, Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài hy sinh, chồng và con của cụ già nuôi quân cũng bị tử trận. Sau này, khi biên cương đã sạch bóng quân xâm lược, đất nước trở lại cảnh yên bình, người dân Na Lượng đã lập đền thờ trên núi để tưởng nhớ công đức của vị Đốc tướng nhà Trần, và đền được gọi là đền Trần. Một thời gian sau, người mẹ già nuôi quân cũng qua đời, công lao của cụ được mọi người nhớ đến và linh vị của cụ cũng được bà con thờ ở đền Trần. Và ngọn núi ấy được người dân gọi là núi Bà Già (Pu Nhạ Thầu). Qua thời gian, tên tuổi của cụ già nuôi quân có thể không ai còn nhớ nhưng sự hy sinh thầm lặng và công lao của cụ với đất nước luôn được khắc ghi. Đó là sự hiện thân của tinh thần yêu nước, của tình yêu đồng bào và bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Trải qua hàng trăm năm, nay đền Trần vẫn tồn tại trên đỉnh núi với tên gọi là đền Pu Nhạ Thầu. Đền quanh năm được chăm sóc hương khói và hàng năm tổ chức tế lễ vào dịp đầu Xuân. Ngày tế lễ, ngoài linh vị và các đồ tế khí, đoàn rước còn rước chiếc vạc 9 quai từ bản Na Lượng lên sân đền hành lễ. Đó chính là cách nhắc nhở các thế hệ luôn khắc ghi công đức của người mẹ già nuôi quân và xây đắp niềm tự hào về truyền thống quê hương.

Công Kiên

Mới nhất

x
Sự tích núi Bà Già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO